Phố Wall lao đao vì khối ngân hàng

Sau hôm 12/9, chỉ số Dow Jones xuống nhẹ 0,11%, đóng cửa tại 11.421,99 điểm. Chỉ số Nasdaq chốt ở mức 2.261,27 điểm, lên 0,14%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) được cộng thêm 0,21%, kết thúc tuần tại 1.251,7 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 1,7%, Nasdaq tăng 0,23%, S&P 500 tăng 0,75%.


Tâm điểm của phố Wall trong tuần qua xoay quanh diễn biến của khối tài chính. Ảnh: cache.daylife.com.

Điểm lại tuần qua, sau những phiên tăng giảm xen kẽ, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ thay đổi rất ít . Diễn biến của thị trường chủ yếu xoay quanh thông tin từ khối tài chính. Trong đó có việc Chính phủ giải cứu Fannie Mae, Freddie Mac; và Lehman Brothers công bố lợi nhuận quý III, kế hoạch kinh doanh thời gian tới và danh sách các hãng có thể mua lại cổ phần của ngân hàng này.

Bank of American đang cân nhắc việc đầu thầu liên danh cho Lehman Brothers với JC Flowers, và China Investment, một quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin trên không đủ để Lehman tránh được phiên giảm.

Cổ phiếu của Lehman Brothers sụt 13,5% trước dấu hiệu Chính phủ sẽ không hỗ trợ cho hãng này một cách mạnh tay như đã làm với Bear Stearns hồi tháng 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Henry Paulson cho biết ông không muốn dùng tiền liên bang để giải cứu Lehman. Hơn nữa, theo ông trường hợp này khác nhiều so với những gì đã diễn ra với Bears Stearns.

Cổ phiếu của nhà bảo hiểm AIG xuống 31% do nợ cầm cố và khả năng tăng vốn khó thành công. Đó cũng là lý do khiến Standard & Poor xếp AIG vào nhóm cần theo dõi về tín dụng.

Washington Mutual vài ngày trước đưa ra tuyên bố trấn an nhà đầu tư về triển vọng tài chính của hãng. Tuy vậy, chứng khoán của tập đoàn trên tiếp tục xuống dốc trong phiên hôm qua.

Lehman, AIG và Washington Mutual là cái tên dẫn đầu xu hướng giảm của khối tài chính trong suốt năm ngày giao dịch.

Trong tuần tới, sự kiện đáng chú ý nhất là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang vào thứ ba. Theo những tuyên bố mới đây, FED có lẽ sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, tuy nhiên lãi suất có thể sẽ được cắt giảm vào cuối năm.

Doanh số bán lẻ giảm 0,3% trong tháng 8, ngược hoàn toàn với dự đoán tăng 0,3% của các nhà kinh tế. Chỉ số này, nếu loại trừ xe hơi, xuống trị là 0,7%, kém hơn dự đoán 0,2% của các nhà phân tích.

Chỉ số giá sản xuất hàng hóa PPI, một thước đo lạm phát, giảm 0,9% trong tháng vừa qua, mạnh hơn dự đoán 0,5% của các nhà phân tích. Chỉ số PPI lõi, đã loại trừ giá lương thực và năng lượng, tăng 0,2%, bằng mức ước tính của các chuyên gia.

Giá dầu tăng 0,65 cent lên 100,22 đôla một thùng do cơn bão Ike tiến ngày một gần vịnh Mexico.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật cộng thêm 0,93% cho phiên thứ sáu nhưng gần như không đổi so với tuần trước. Trong đó, một số ngân hàng lớn như Mitsubishi, Sumitomo đều đi lên trước khả năng đàm phán mua lại cổ phần của Lehman Brothers. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong xuống 0,18%. Sau một tuần, chỉ số này giảm 2,9%.

Tại Trung Quốc, tin đồn giá điện tăng khiến cổ phiếu năng lượng đi lên. Tuy nhiên, trục trặc từ khối ngân hàng tại Mỹ đã hạn chế đà đi lên của chỉ số Shang Hai Composite. Chỉ số này tăng nhẹ 0,033% và xuống 5,5% sau tuần qua.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 tăng 1,85%, hiện cao hơn tuần trước 3,3%. Chỉ số DAX của Đức lên 0,91%. Chứng khoán Pháp tăng tới 1,97% trong phiên cuối tuần. Mức tăng tuần của hai chỉ số trên lần lượt là 1,75% và 3,2%.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
721
Số người truy cập:
4760227