Phố Wall khởi sắc

 


General Electric đang lên kế hoạch “nâng tầm” tại Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
 

Hồi đầu phiên giao dịch, tâm lý các nhà đầu tư có chút dao động khi thông tin chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI - do Conference Board công bố) được công bố giảm xuống 48,5 điểm trong tháng 9 này, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích (52,1 điểm). Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện sắc đỏ.

Nhưng sau đó, Phố Wall đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và quay đầu tăng điểm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết, đã chuẩn bị cho những kế hoạch kích thích kinh tế mới, trong đó chú trọng tới việc sẽ bổ sung trái phiếu kho bạc cho Ngân hàng Trung ương.

Hôm 28.9, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã mua tới 550 triệu USD trái phiếu bảo hiểm lạm phát của chính phủ.

Cổ phiếu của Walgreen tăng 11% trong phiên này sau khi doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng phân phối dược phẩm lớn nhất nước Mỹ này công bố lợi nhuận quý 4 (tính theo năm tài khóa của doanh nghiệp, tương đương quý 3.2010) đạt 53 cent/cổ phiếu, cao hơn mức dự đoán.

Cổ phiếu của nhiều công ty khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng tăng khá tốt. Cổ phiếu của Pfizer tăng 1,5%; cổ phiếu của Johnson & Johnson tăng 0,6%. Chỉ có 5 trong tổng số 51 công ty có niêm yết cổ phiếu trên S&P 500 là giảm trong phiên này, giúp cổ phiếu của nhóm ngành chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất trong 10 nhóm ngành chính đóng góp vào S&P 500.

Cổ phiếu công nghiệp cũng tăng mạnh trong phiên này. Sau khi có thông tin General Electric (GE) sẽ mua lại hãng chế tạo các tháp quạt gió (trong sản xuất phong điện) Broadwind Enery, cổ phiếu của Broadwind đã tăng mạnh 27%. Cùng với đó, GE cho biết sẽ hợp tác với một doanh nghiệp của Trung Quốc để sản xuất các thiết bị, động cơ gió cung cấp cho thị trường lớn nhất thế giới này.

Tổng kết phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, lên thành 1.147,7 điểm; Dow Jones Industrial tăng 46,1 điểm, tương đương tăng 0,4%, lên thành 10.858,14 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,4% lên thành 2.379,59 điểm.

Tính đến nay, chỉ số thị trường S&P 500 đã tăng tới 9% so với cuối tháng 8, được ghi nhận là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.2009 và là tháng 9 “thần kỳ” nhất kể từ năm 1939 tới nay.

Tại châu Âu, giá trái phiếu dài hạn của Ireland và Bồ Đào Nha giảm mạnh do những lo ngại về tình trạng khủng hoảng nợ công tại các quốc gia này đang trở nên trầm trọng hơn. Thêm vào đó, CCI của Mỹ trong tháng 9 được công bố đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua cũng đã gây tác động mạnh tới các thị trường chứng khoán khu vực châu Âu.

Chỉ số STXE 600 chung cho khu vực giảm 0,2%. So với phiên cuối tháng 8, chỉ số này hiện đã tăng 4,4%.

Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,09%, lên thành 5.578,44 điểm. CAC 40 của Pháp giảm 0,1%, xuống còn 3.762,35 điểm. DAX của Đức giảm 0,04%, xuống còn 6.276,09 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,21%; Irish Overall (Ireland) giảm 0,81%; Athex Composite (Hy Lạp) giảm 1,59%.

Tại châu Á, phiên giao dịch cùng ngày (kết thúc chiều qua, 28.9, giờ VN) cũng đã ghi nhận sự đứt quãng của chuỗi ngày tăng điểm nhẹ nhàng và bền bỉ trong suốt thời gian qua của chứng khoán khu vực này. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,69%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản để mất 107,38 điểm, tương đương giảm 1,12%, xuống còn 9.495,76 điểm. HSI của Hồng Kông để tuột tới 230,89 điểm, tương đương giảm 1,03% so với phiên trước, chốt phiên ở mức 22.109,95 điểm.

Shanghai Composite giảm 0,63%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm 0,26%; S&P/ASX 200 (Úc) giảm 0,12%; Straits Times (Singapore) giảm 0,52% trong phiên cùng ngày.

Duy Trần
(Tổng hợp theo Bloomberg, Reuters)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21496
Số người truy cập:
11188050