Niêm yết giá cho... có!


Một trong số ít những sạp bán rau củ tại các chợ lẻ ở TP.HCM có bảng niêm yết giá - Ảnh: N.B.

 

Hơn ai hết, tiểu thương hiểu bán đúng giá cũng là một giải pháp kéo người tiêu dùng về chợ trong tình cảnh chợ ngày càng yếu thế so với cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

Đầu mối dư thừa, chợ lẻ tăng giá

Bà Thanh Hà, phó giám đốc chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết nhiều hôm chợ kéo dài đến 8g sáng, bó rau muống hơn 1kg chỉ còn 10.000 đồng, cà chua còn 3.000 đồng/kg, tiểu thương bán tháo giá rẻ vẫn không đẩy hàng đi hết.

Trong khi đó về chợ lẻ, giá cà chua lên đến 12.000 đồng/kg, các loại rau như cải, bó xôi tăng 2.000-3.000 đồng/kg. Xà lách búp tròn Đà Lạt ở chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) giá 40.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg, cải ngọt 15.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg trong vòng ba tuần với lý do “mưa bão hàng về ít”.

Thực tế, chỉ cần biến động nhẹ từ chợ đầu mối, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại chợ lẻ đã tăng vù vù. Trong đợt mưa liên tục vừa qua, khi các mặt hàng rau lá tại chợ Tam Bình (Thủ Đức) phải đổ bỏ vì sức mua thấp, rau không thể bảo quản thì tại các chợ lẻ giá rau được đẩy lên cao vì “nguồn cung thiếu hụt”.

 

In giá lên bao bì

Sau thời gian khổ sở vì thỉnh thoảng lại phát hiện giá trứng gia cầm của đơn vị bị bán loạn xạ, Công ty TNHH Ba Huân đã quyết định in giá bán trực tiếp lên bao bì sản phẩm trứng gia cầm từ cuối tháng 10-2010. Bà Phạm Thị Huân, giám đốc công ty, cho biết việc in giá lên sản phẩm trứng gia cầm nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận biết cũng như đảm bảo thống nhất giá bán. Hiện nay, trên các hộp trứng gia cầm thương hiệu Ba Huân đều in giá bán và người bán có thể bán thấp hoặc bằng chứ không được vượt quá giá in trên sản phẩm.

 

Tại chợ Bàn Cờ (Q.3) chỉ có một số sạp niêm yết giá, các tấm bảng nhòe, để khuất, người mua lẫn người bán đều quen trả giá nên không để ý đến sự hiện diện của nó. Cà chua được bán với giá 10.000 đồng/kg, cải ngọt 11.000 đồng/kg, bí đỏ 16.000 đồng/kg...

Bà V.H.N., ngụ Q.3, nói những tấm bảng niêm yết giá treo trước các sạp ở chợ không có giá trị tham khảo như ở siêu thị. “Tôi đi mua cà chua, chị bán hàng nói giá cao hơn giá ghi trên bảng 2.000 đồng/kg rồi giải thích cà chua loại 1, hàng tươi ngon giá khác hàng héo” - bà N. cho biết.

Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhìn nhận sự chênh lệch giá quá cao giữa chợ đầu mối và chợ lẻ hiện nay một phần do hệ thống phân phối thiếu liên kết.

“Vừa qua sở đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa ban quản lý chợ đầu mối với các chợ cấp 1, cấp 2 để tăng mối liên thông. Hướng sắp tới, những cuộc gặp gỡ như thế này sẽ diễn ra định kỳ. Nếu phát hiện một mặt hàng nào đó bán chênh lệch quá lớn so với giá sỉ, ban quản lý các chợ có biện pháp xử lý kịp thời” - bà Đào cho biết.

Tuy nhiên lãnh đạo Sở Công thương cũng thừa nhận việc kiểm soát chỉ mang tính tương đối vì ngay bản thân giữa các chợ lẻ đã có sự chênh lệch. Cùng mặt hàng thịt heo đùi, tại chợ Phú Lâm (Q.6) giá 64.000 đồng/kg, chợ Hoàng Hoa Thám 60.000 đồng/kg, khu vực chợ Bà Chiểu 70.000 đồng/kg.

Tương tự, các mặt hàng tươi sống khác thông thường có sự chênh lệch 1.000-4.000 đồng/kg, chỉ trừ những đợt biến động giá mạnh so với mặt bằng chung, cơ quan quản lý mới nhảy vào cuộc.

Giơ cao, đánh khẽ

Theo báo cáo của Sở Tài chính trình UBND TP.HCM, trong tháng 10-2010 đoàn kiểm tra của sở đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành về giá của quận, huyện tổ chức kiểm tra tại các chợ, siêu thị, đại lý của các doanh nghiệp, cửa hàng, trung tâm thương mại... kết quả đã lập biên bản 47 vụ, trong đó đưa ra quyết định xử lý 25 vụ, tổng số tiền nộp phạt 93 triệu đồng.

Trong mười tháng đầu năm 2010 đã có 329 vụ vi phạm về giá bị lập biên bản và xử lý 252 vụ, số tiền nộp phạt hơn 1,1 tỉ đồng.

Theo Quản lý thị trường TP.HCM, các hành vi bị xử phạt đến nay chủ yếu là vi phạm về niêm yết giá hoặc niêm yết giá không đúng quy định, các vụ liên quan đến bán vượt quá mức quy định là rất ít. Chỉ khi một số mặt hàng sốt cao bất thường, gây ảnh hưởng đến thị trường thì đơn vị mới tiến hành kiểm tra sổ sách nhập vào, bán ra của nhà kinh doanh.

Tính đến quý 3-2010, nơi này tiếp tục kiểm tra về giá đã lập biên bản xử phạt 91 cửa hàng không niêm yết giá và niêm yết giá không đúng quy định các mặt hàng vật liệu xây dựng, phụ tùng xe máy, tân dược, tạp hóa, thực phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ giữ xe hai bánh...trên đường phố và tại các chợ, tăng 73 vụ so với năm ngoái.

Đây là những con số còn khiêm tốn so với tình hình thực tế trên thị trường. Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận các đợt thanh tra, kiểm tra vẫn còn hạn chế, lực lượng kiểm tra còn mỏng. Tình trạng tiểu thương treo bảng giá để đối phó là chủ yếu khiến công tác kiểm tra, kiểm soát giá còn nhiều bất cập.

Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết ngày trước khi hệ thống phân phối còn phụ thuộc nhiều vào các chành, vựa thì những hộp diêm nhỏ đã in giá bán trực tiếp lên đó. Vì vậy kiểm soát giá tốt cần bắt đầu từ xây dựng, thiết lập hệ thống phân phối chặt chẽ, giảm bớt tầng lớp trung gian để kiểm soát giá bán.

Bà Lê Ngọc Đào cho biết sở đang hoàn tất các bước cần thiết để xây dựng chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn. Những điểm này ưu tiên mở tại các chợ, khu dân cư đông đúc tiến tới kêu gọi tiểu thương cùng tham gia chương trình bình ổn của TP.

NHƯ BÌNH


Giày Đại Phát solution
Số người online:
44864
Số người truy cập:
11219675