Những tài phiệt Trung Quốc vướng vào vòng lao lý

Người gần đây nhất vừa bị vướng vào vòng lao lý là Wong Kwong Yu, 39 tuổi, Chủ tịch tập đoàn bán lẻ đồ điện tử khổng lồ Gome. Theo vị trí xếp hạng của tạp chí Hurun Report hồi cuối tháng trước, Wong là người giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản ước khoảng 6,3 tỷ USD. Ông được xem là nhân vật huyền thoại, điển hình của sự vượt khó vươn lên làm giàu.

Wong Kwong Yu tại buổi lễ công bố đối tác chiến lược giữa Gome và Motorola tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 16/11/2006. Ảnh: AP.
Wong Kwong Yu tại buổi lễ công bố đối tác chiến lược giữa Gome và Motorola tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 16/11/2006. Ảnh: AP.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị trấn Shantou, tỉnh Guangdong, Wong bỏ học khi mới 16 tuổi để tới Bắc Kinh kiếm sống cùng anh trai. Hai anh em họ đã gây dựng nên những gì được biết đến như ngày nay, tập đoàn bán lẻ đồ điện tử lớn nhất Trung Quốc, Gome.

Theo các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đưa tin, vị tỷ phú này đã bị tạm giam vào cuối tuần trước vì bị tình nghi là có những hành động gian dối trong kinh doanh. Theo tạp chí tài chính Caijing, Wong đang bị điều tra vì có động cơ thao túng giá cổ phiếu của tập đoàn Shandong Jintai đang niêm yết trên sàn. Đây là một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực y tế được điều hành bởi người anh trai của Wong là Wong Chung-yam. Cổ phiếu của Tập đoàn thiết bị điện tử Gome niêm yết tại Hong Kong đã bị ngừng giao dịch hôm thứ hai tuần này sau khi công ty công bố họ không thể xác nhận được việc Wong đang bị tạm giam hay không. Cổ phiếu của “người anh em” Shandong Jintai cũng đang bị ngừng giao dịch.

Năm 2006, Wong từng bị chính phủ đã sờ gáy vì những hành vi gian lận trong kinh doanh. Tuy nhiên, đến năm ngoái, Gome thông báo rằng cuộc điều tra đã kết thúc và người sáng lập ra tập đoàn được xử trắng án. Rắc rối gần đây khiến ông trở thành vị tỷ phú tiếp theo bị dính dáng tới pháp luật.

Trước đó có nhiều tỷ phú đã phải vào nhà đá do những gian dối trong kinh doanh. Năm 2003, Yang Bin, tỷ phú Hà Lan gốc Hoa, giàu thứ hai Trung Quốc, chuyên kinh doanh nông sản và bất động sản đã bị buộc tội trốn thuế, gian lận và chiếm dụng đất nông nghiệp bất hợp pháp.

Tỷ phú Yang Bin bị kết án 18 năm tù. ẢNh: AP.
Tỷ phú Yang Bin bị kết án 18 năm tù. Ảnh: AP.

Yang đã bỏ túi 700 triệu nhân dân tệ (84,5 triệu USD) từ các khoản tín dụng và khai khống 1,7 tỉ nhân dân tệ để công ty của ông ta được ghi tên vào thị trường chứng khoán. Ông ta đã bị Toà án Trung Quốc tuyên án 18 năm tù giam từ ngày 14 tháng 7 năm 2003.

Gu Chujun
Tài phiệt Gu Chujun bị bắt giam đầu năm nay. Ảnh: BjReview.

Kế đó là Gu Chujun, người đã từng là Tổng giám đốc của một công ty chuyên kinh doanh thiết bị. Năm 2001, theo xếp hạng của tạp chí Forbes, ông đứng thứ 20 trong số những người giàu nhất Trung Quốc. Khi còn đương chức, Gu Chujun đã làm những thông tin giả về kinh doanh để trốn thuế, tham nhũng 353 triệu NDT. Vào tháng 1/2008, ông ta bị kết án 12 năm tù. Ngoài hình phạt ngồi tù, ông ta còn phải nộp phạt số tiền 6,8 triệu tệ.

Zhou Zhengyi. ẢNh: Chinadaily
Zhou Zhengyi sinh năm 1961 trong một gia đình nông dân. Ảnh: Chinadaily

Zhou Zhengyi, 45 tuổi, một đại gia chuyên kinh doanh bất động sản, cũng đã bị bắt trong năm 2003 với tội danh tham nhũng. Triệu phú này vào đời rất sớm và khởi nghiệp từ một cửa hàng bán bánh mì. Ông từng được tạp chí Forbes bầu chọn là người giàu thứ 11 của Trung Quốc năm 2002 và cũng là người giàu nhất Thượng Hải với tài sản trị giá 320 triệu đôla.

Với tội danh lừa đảo và thao túng thị trường chứng khoán, ông ta đã phải “ngụ cư “ở trong tù 3 năm. Nhưng sau khi mãn hạn tù chẳng được bao lâu, Zhou Zhengyi đã bị bắt lại khi nhà chức trách Thượng Hải mở cuộc điều tra về vụ tham nhũng Quỹ An sinh xã hội. Đầu tháng 10/2006, Zhou Zhengyi phải hầu tòa với tội danh biển thủ tiền quỹ công, nhận hối lộ và làm giả các hóa đơn VAT. Ông tiếp tục nhận án 16 năm tù giam.

Những vụ phạm tội trên cho thấy Trung Quốc vẫn đang phải đấu tranh với nạn lừa đảo, tham nhũng lan tràn trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế tư nhân. Học giả David Zweig, đang làm việc tại trường đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, cho rằng qua việc truy tố hàng loạt tài phiệt cho thấy chế độ tư bản Cowboy vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc. Nhiều nhà tư bản ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã giàu lên nhanh chóng nhờ vào việc mua chuộc, khai thác các mối quan hệ của họ với quan chức chính phủ và thực hiện những thương vụ mờ ám.

Bình Minh (theo Time, Wikipedia)

(Theo VnExpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
38040
Số người truy cập:
11156029