Sau một ngày thị trường vàng "nhảy múa loạn" (8-8), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp khẩn để bàn biện pháp để làm giảm nhiệt sức nóng của giá vàng. Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhận định, từ đầu tháng 8 đến nay, đặc biệt trong ngày 8-8, giá vàng trong nước tăng đột biến và có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới quy đổi, chủ yếu do diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới, tuy nhiên còn có nguyên nhân khác là bị giới đầu cơ thao túng, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn cho dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ổn định giá trị đồng Việt Nam. Với mức tỷ giá ổn định trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, người dân đang được hưởng lợi từ việc nắm giữ đồng Việt Nam so với nắm giữ đô la Mỹ và vàng. Việc mua vàng trong thời gian này chứa đựng nhiều rủi ro cho những người nắm giữ vàng. “Mua vàng trong thời gian này chứa đựng nhiều rủi ro”, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
Giá vàng trong nước đang khiến người dân hoảng loạn.
Tương tự, trước tình trạng người dân "sôi sục" mua vàng giá cao trong nhiều ngày nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư và người dân không nên đua mua vào lúc này, khi giá trong nước đang cao hơn thế giới rất nhiều. Bài học giá vàng tháng 11-2009 vẫn còn đủ sức cảnh tỉnh với nhiều người.
Theo ghi nhận, lúc 9h15 sáng qua (8-8), giá vàng SJC chính thức cán mốc "khủng khiếp" lần đầu xuất hiện trong lịch sử là 44 triệu đồng/lượng. Giá niêm yết tại TP HCM thời điểm này là 43,6 - 44,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), còn tại Hà Nội là 43,6 - 44,22 triệu đồng.
Một điều dễ dàng nhận thấy nữa là trong đợt "sốt" giá này, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng đã phải nới biên độ giữa giá mua - bán ra rất xa. Hiện, các thương hiệu lớn tại Hà Nội như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Thanh Vân... đề để ở mức 700.000 đồng mỗi lượng. Điều này hoàn toàn khác với những ngày trước đây.
Vì giá cả thay đổi chóng mặt, nên cảnh mua bán tại các doanh nghiệp vàng sáng nay cũng náo loạn. Tại Bảo Tín Minh Châu, một số nhân viên bán hàng vừa ghi hóa đơn cho khách, vừa liên tục than không biết ghi giá nào. Có trường hợp khách hàng vừa nhìn thấy giá bán ra niêm yết trên bảng điện tử của cửa hàng là 43,6 triệu đồng, liền hỏi nhân viên mua vào. Đến khi tính tiền và ghi hóa đơn, giá vàng bán ra tại đây đã nhảy lên 43,8 triệu đồng và nhân viên tính theo giá mới, nên đã xảy ra bất đồng. Còn có khách hàng khi hỏi mua giá đang ở 43,8 triệu đồng, nhưng vì nhân viên bán hàng bận ghi hóa đơn cho những khách khác, khi đến lượt họ thì giá đã nhảy lên 44 triệu đồng, đành “cắn răng” chịu thiệt.
Giải thích về việc chênh lệch giá mua bán vàng được đẩy lên quá cao và tùy hứng của các doanh nghiệp, đại diện PNJ Phú Nhuận cho biết, giá được đẩy lên chủ yếu là giá bán ra, do nhu cầu mua vào của khách hàng quá lớn. “Đây là tất yếu của quy luật cung cầu. Giá vàng biến động mạnh buộc doanh nghiệp phải đẩy chênh lệch cao để hạn chế rủi ro”, vị này nói.
Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều nhận ra rằng, các tiệm vàng cố tình đẩy giá bán ra cao lên, còn giá mua vào thấp để hưởng chênh lệch khi người mua vàng ngày càng đông. “Tính ra cứ mỗi lượng họ mua vào thì bán ra lời được từ 500.000 tới hơn 1 triệu đồng trong tích tắc. Có kênh làm ăn nào “ngon ăn” như vậy không?”, anh Nguyễn Lê Trung, ngụ ở Đình Thôn, Mỹ Đình, một khách mua vàng tại cửa hàng Phú Quý (Hà Nội) thốt lên.