Nhiều thí sinh bỏ thi môn cuối

Theo Phó phòng Hành chính ĐH Luật Hà Nội Đỗ Quốc Tuấn, toàn trường có 45 thí sinh bỏ thi môn cuối (khối C là 37 em). Ngày 9/7, trường cũng đã đình chỉ 11 trường hợp mang tài liệu vào phòng thi. Cô Nguyễn Thị Quy, Hiệu phó ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, sáng nay, sắp tới giờ nộp bài, một thí sinh tại Hội đồng THCS Thái Thịnh bị đình chỉ thi vì rút điện thoại ra định gọi cho người thân.


Học sinh THPT Trần Phú (Hải Phòng) trao đổi về đề thi tiếng Nga. Ảnh: Tiến Dũng.

Buổi thi hôm qua, trường này cũng đình chỉ 2 thí sinh tại điểm thi Láng Thượng và Thái Thịnh vì điện thoại di động. "Trong hai trường hợp bị đình chỉ, một em đã tắt máy, còn một em lại chạy ra ngoài hành lang nói chuyện điện thoại", cô Quy nói.

Còn TS Nguyễn Trịnh Kiểm, Trưởng ban Đào tạo Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết, đợt thi này, trường có 5 thí sinh bị đình chỉ vì mang tài liệu. Trong đó, ở buổi thi môn Lịch sử chiều 9/7, một thí sinh đã ghi tài liệu vào giấy nháp môn Văn (buổi sáng) rồi mang vào phòng thi. Ở môn thi Lịch sử, có 2 thí sinh chỉ nộp 2 tờ giấy thi nhưng lại ghi trong danh sách ký nhận là 3 tờ.

Kết thúc đợt thi thứ hai, kỷ lục về cán bộ bị kỷ luật là ĐH Dân lập Tin học ngoại ngữ TP HCM với 11 người. Vụ trưởng Đỗ Quốc Anh - Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT phía Nam cho biết, tại hội đồng THPT Nguyễn Khuyến, quận 10 (một điểm thi của trường Dân lập Tin học Ngoại ngữ TP HCM), hôm nay, thanh tra Bộ tiếp tục phát hiện và đình chỉ 4 cán bộ vì lỗi sử dụng điện thoại di động và máy vi tính nối mạng.

Kỷ lục về số thí sinh vi phạm thuộc về ĐH Cảnh sát Nhân dân TP HCM với 33 trường hợp bị xử lý kỷ luật. Theo ông Đinh Nhất Linh - người trực tiếp phụ trách công tác thanh tra khối các trường công an, quân đội, cho biết, hầu hết thí sinh vi phạm là người trong ngành, đang làm công an nghĩa vụ tại các địa phương.

Tại một điểm thi ở quận Thủ Đức, cơ quan chức năng đã phát hiện một thanh niên bán 5.000 bài giải ngay khi môn thi vừa kết thúc. Qua khai thác, công an quận sở tại xác định cả đề và đáp án này đều là đồ giả vì không trùng với với đề của Bộ GD&ĐT.

9h, thí sinh tại hội đồng Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP HCM) ùa ra khỏi cổng trường ngay sau khi giờ thi môn Hóa học kết thúc. Theo ghi nhận của VnExpress, đề Hóa khối B được nhiều thí sinh đánh giá "không khó, số câu hỏi và bài tập tương đương nhau, tuy nhiên, phần bài tập hơi dài".

Đặng Nguyễn Dương, cựu học sinh THPT Trần Khai Nguyên, TP HCM cho biết, tuy đề không khó nhưng không ít thí sinh cùng phòng không kịp làm hết cả 50 câu vì phân bố thời gian không hợp lý.

Cùng chung nhận định với bạn, Quỳnh Chi, đến từ THPT Hòa Đa (Bình Thuận) khẳng định: "Đề hóa khối B vừa sức với lực học của số đông". Chi tâm sự, em làm bài thi môn Hóa trong tâm trạng khá thoải mái vì đã nắm chắc cơ hội đỗ ĐH Bách khoa TP HCM sau khi so đáp án của các đề thi khối A - đợt 1.


Một phụ huynh đứng hẳn lên yên xe trước cổng ĐH Luật Hà Nội để ngóng thí sinh. Ảnh: Tiến Dũng.

Thí sinh thi tiếng Anh (khối D) tại TP HCM rời các hội đồng thi với nhiều tâm trạng, nhận xét trái ngược. Theo ghi nhận của VnExpress, hầu hết thí sinh của thành phố được hỏi đều cho rằng đề thi không khó. Nhưng những thí sinh đến từ các tỉnh lẻ lại cho rằng đề môn Anh quá dài và nhiều từ mới.

30 phút sau khi kết thúc giờ thi, tại hội đồng THCS Lê Quý Đôn - điểm thi vào ĐH Sài Gòn, thí sinh vẫn tụ tập thành từng nhóm bàn tán về đề thi tiếng Anh. Ngô Yến Anh, cựu học sinh THPT Tân An (Long An) than thở: "Đề Anh vừa dài vừa khó. Phần đọc hiểu các đoạn văn quá dài và nhiều từ mới".

Làm bài khá tốt nên Nguyễn Hà Lâm (thi ĐH Hà Nội) dự định sẽ đi Cửa Lò chơi vài ngày. Theo thí sinh này, phần đọc hiểu hơi khó còn lại các phần như tìm lỗi câu, chọn phương án đúng... đều không đánh đố thí sinh.

Chừng 30 phút trước khi kết thúc buổi thi Địa lý, nhiều thí sinh bắt đầu bước ra khỏi cổng ĐH Luật Hà Nội. Từ Mạnh Thanh (thi ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đề không khó hơn mọi năm, thí sinh nắm chắc kiến thức có thể làm được.

Tuy nhiên, Trần Thanh Long, cựu học sinh THPT Bán công Đồng Hới (Quảng Bình) dự thi tại TP HCM cho biết đề môn Địa không dễ ăn điểm. "Học sinh phải biết phân tích, nhận xét, xử lý số liệu thì mới có khả năng đạt điểm cao. Tuy nhiên, em nghĩ đề thi này khá hay", Long chia sẻ.

Còn thí sinh Nguyễn Thị Lệ, đến từ THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An) cho rằng câu hỏi yêu cầu vẽ bản đổ cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp khá "hóc". Các số liệu đề cho để vẻ biểu đồ quá lẻ khiến học sinh mất nhiều thời gian và công sức để xử lý.

Kết thúc buổi thi cuối, tâm trạng thí sinh cũng phân hóa khá rõ nét. Nhiều em thi cả hai khối A, B cho biết, khá khá thoải mái vì hy vọng "lọt sàng xuống nia", không đỗ khối này thì đỗ khối kia. Còn các thí sinh thi khối D, C lại chia sẻ rất hồi hộp lo lắng vì hầu hết chỉ thi một khối.

Theo VnExpress




Giày Đại Phát solution
Số người online:
3040
Số người truy cập:
4763624