Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng đồng thuận huy động vốn với lãi suất không quá 14%/năm bao gồm cả giá trị khuyến mãi và lãi suất thưởng (ngày 15-12), nhiều ngân hàng (NH) đã âm thầm phá vỡ cam kết.
Từ ngày 15-12 hàng loạt các ngân hàng hạ lãi suất xuống còn 14%/năm. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm ở Western Bank. Ảnh: Hồng Thúy
Mỗi nơi một kiểu
“Anh được ai giới thiệu đến NH em gửi tiền?” - nhân viên NH Phương Tây hỏi anh Châu Thy (phường 10, quận Gò Vấp - TPHCM) như vậy khi anh đến NH này nhờ tư vấn lãi suất tiền gửi lúc 10 giờ 30 phút ngày 15-12. Trả lời là nhân viên bảo vệ cơ quan giới thiệu, anh Châu Thy lập tức được nhân viên này cung cấp biểu lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng đều ở mức 15%/năm (cao hơn mức lãi suất cam kết 1%/năm) và được rút tiền trước thời hạn.
Thấy một số khách hàng gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn so với biểu lãi suất đang cầm, anh Thy thắc mắc thì được giải thích là khách hàng đã đến thời điểm lĩnh tiền nhưng gửi lại nên được hưởng lãi suất 16,5%/năm, còn đối với khách hàng mới NH chỉ huy động với lãi suất 15%/năm. Trường hợp khách hàng mới, nhưng gửi từ 500 triệu đồng trở lên và cam kết không rút tiền trước thời hạn cũng được hưởng lãi suất 16,5%/năm.
“Nhân viên này đề nghị tôi cung cấp số điện thoại để liên lạc vì đến chiều 15-12, lãi suất có thể thay đổi. Chỉ 2 giờ sau, từ số máy 08398..., nhân viên NH Phương Tây điện thoại thuyết phục tôi làm thủ tục gửi tiền trước 13 giờ để được hưởng lãi suất 15%-16,5%/năm. Sau 13 giờ, lãi suất tiền gửi là 14%/năm, riêng số tiền gửi 500 triệu đồng được hưởng lãi suất 15,5%/năm” – anh Châu Thy nói.
Cũng sáng 15-12, chúng tôi đến NH Công Thương Chi nhánh 9 TPHCM, được nhân viên NH này cho biết lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm là 14%/năm nhưng đến thời hạn rút tiền, người gửi sẽ được NH trả thêm lãi suất 1%.
Tìm hiểu thêm về lãi suất, chúng tôi đến NH An Bình, Quân đội (MB), Sacombank, Á Châu (ACB), Bảo Việt... và ghi nhận lãi suất tiết kiệm cao nhất ở những nơi này là 14%/năm. Để thu hút khách, bên cạnh lãi suất tiền gửi thông báo công khai theo cam kết, các NH này tổ chức khuyến mãi, tặng quà và phiếu mua hàng cho khách. Ví dụ: NH An Bình có chương trình tiết kiệm “Đông ấm - Xuân vui” với giải thưởng là 30 triệu đồng hoặc 10 chỉ vàng (khoảng 36 triệu đồng). NH Quân đội tặng quà và phiếu mua hàng giá trị 100.000 - 400.000 đồng... cho khách gửi tiền. Riêng tại Sacombank, ACB, Bảo Việt dù lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 13% - 13,5% nhưng cộng thêm các khoản khuyến mãi thì lãi suất thực là 14%/năm.
Căng thẳng lãi suất đầu ra
Do lãi suất đầu vào đã xác lập ở mức 14%/năm trở lên nên lãi suất đầu ra rất cao. Lãnh đạo nhiều NH cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh thấp nhất là 17%/năm và chỉ các NH lớn huy động được nhiều nguồn vốn giá rẻ, chọn lọc một số doanh nghiệp thân thuộc để cho vay với lãi suất dưới 17%/năm. Nếu khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại số tiền của mình, lãi suất sẽ là 18%-21%/năm, còn lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ từ 19%-22%/năm. Cụ thể, tại NH Quân đội, lãi suất cho vay để xây nhà là 19,7%/năm (áp dụng cho 3 tháng đầu tiên), thời hạn vay 4 năm. Sau 3 tháng, NH sẽ điều chỉnh lãi suất/lần theo công thức lãi suất bình quân đầu vào cộng với 6,7%. Trường hợp bên vay trả nợ trước hạn, NH sẽ phạt 2%/năm/số tiền vay còn lại.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu lạm phát năm 2010 của VN ở mức 10,5% như dự báo của NH Thế giới thì lãi suất đầu vào 13%-14%/năm là hợp lý, bởi lãi suất tiết kiệm cao hơn lạm phát khoảng 2,5%-3% sẽ làm hài lòng người gửi tiền. Tuy nhiên, khi lãi suất quá cao, người dân không vay tiền, NH sẽ chôn vốn nhưng vẫn trả lãi cho người gửi tiền. Do đó, lãi suất không thể đứng ở mức cao trong thời gian dài. Có thể đến hết quý I/2011, các NH không còn “vắt chân lên cổ” huy động tiền gửi do đã bảo đảm được chỉ số an toàn vốn theo đúng quy định, thị trường lãi suất sẽ hạ nhiệt.
Mạnh tay với ngân hàng vi phạm lãi suất
Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vừa ban hành văn bản yêu cầu các NH thương mại và NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP triển khai ngay một số biện pháp liên quan đến lãi suất huy động VNĐ. Cụ thể, thống đốc yêu cầu các NH ấn định lãi suất huy động vốn bằng VNĐ (lãi suất tiền gửi, lãi suất giấy tờ có giá...), bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức, không vượt quá 14%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa 14% được thực hiện từ ngày 15-12) và sẽ điều chỉnh giảm phù hợp với tình hình lạm phát và cung - cầu vốn thị trường; niêm yết công khai lãi suất tiết kiệm VNĐ tại hội sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm...
Chi nhánh NH Nhà nước các tỉnh, TP cần kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn về mức lãi suất huy động VNĐ; áp dụng ngay các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất.
Ch.Thy
|