Nhiều hàng hóa giảm giá mạnh

 Chị Oanh, tổ trưởng dây chuyền may giày dép ở quận Tân Bình (TP HCM), cho hay thời gian gần đây, chị bớt căng thẳng khi ra chợ mua thực phẩm mỗi sáng. "Trứng, thịt, rau củ hiện giảm 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có món giảm 50%", chị nói.

Sạp rau củ tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp). Ảnh: Thi Hà

Ghi nhận tại các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị hiện đại cũng cho thấy nhóm rau xanh rớt giá mạnh nhất. Cụ thể, các loại rau như xà lách, cải xoong, cải xanh dao động 25.000-35.000 đồng một kg, giảm 30%. Nhóm hàng rau gia vị giảm một nửa, trong đó cà chua, dưa leo, hành lá hiện còn 10.000-30.000 đồng một kg (tùy loại).

Thực phẩm tươi sống như thịt heo, bò, gà hạ 10-30%. Hiện thịt heo ba chỉ tại các chợ truyền thống giảm từ 180.000 đồng một kg xuống 150.000-160.000 đồng; cánh và đùi gà công nghiệp 80.000 đồng một kg còn 45.000-60.000 đồng.

Trứng gà ta từ mức đỉnh năm ngoái 45.000 đồng (10 quả), nay còn 32.000 đồng, gà công nghiệp loại lớn giảm 10.000 đồng chục quả xuống 30.000 đồng. Trái cây như mận hậu, vải thiều, xoài cát Hòa Lộc cũng sụt 10-20%...

So sánh giá một số loại nhiên liệu, thực phẩm thiết yếu tháng 6/2023 với cùng kỳ năm trước. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

Hàng hóa lao dốc theo các tiểu thương do sức mua trên thị trường giảm sút trong khi nguồn cung dồi dào. "Năm nay, mưa không nhiều như mọi năm nên sản lượng rau củ tăng cao. Trong khi đó, sức mua giảm 20-30% so với cùng kỳ khiến giá nhiều hàng hóa lao dốc", chị Hiền, tiểu thương bán rau củ tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) nói.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy nguồn cung gia súc gia cầm, rau quả 5 tháng đầu năm tăng 3-5% so với cùng kỳ. Do đó, giá nhiều hàng hóa có xu hướng giảm mạnh.

Chi phí vận chuyển hạ nhiệt 5-7% nhờ giá xăng và dầu 6 tháng đầu năm giảm 30% so với cùng kỳ năm trước cũng giúp giá hàng hoá đi xuống. Nếu giá xăng RON 95 III trong kỳ điều chỉnh ngày 21/6/2022 đạt đỉnh 32.870 đồng một lít, nay còn 22.010 đồng một lít. Tương tự, giá dầu Diesel giảm từ 30.000 đồng xuống còn 18.000 đồng một lít.

Người dân mua hàng tại siêu thị Go vào chiều 18/6. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ cho chế biến trên thế giới quay đầu giảm cũng giúp nhiều sản phẩm sản xuất ra rẻ hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết giá lương thực cơ bản toàn cầu 5 tháng đầu năm nay đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cũng cho thấy lương thực cơ bản được giao dịch nhiều nhất thế giới như ngũ cốc, sữa và dầu ăn đã giảm 22% một năm qua. Trong đó, giá dầu thực vật giảm nhiều nhất, với mức điều chỉnh 48%, phản ánh giá đồng loạt giảm ở dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt nho và dầu hạt hướng dương.

Phó chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Ayhan Kose, nhận định rằng giá hàng hóa cơ bản toàn cầu đang trong xu hướng giảm. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tác động của các cuộc chiến tranh, dịch bệnh khiến sức mua giảm. Dẫu vậy, theo ông nền kinh tế sẽ tốt hơn vào 2024 nếu các ngân hàng trung ương có cách điều tiết chính sách tiền tệ phù hợp với bối cảnh thị trường.

Trong nước, các doanh nghiệp sản xuất cho biết thị trường đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Các nhà bản lẻ hiện đại tại TP HCM nhìn nhận sức mua tháng 5,6 đã tăng thêm 1-2% so với các tháng đầu năm. Do đó, họ kỳ vọng từ quý III, thị trường hàng hóa sẽ sôi động trở lại khi mùa lễ hội diễn ra nhiều hơn.

Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3156
Số người truy cập:
4765959