Nhật ký 17 ngày không… "làm người"

Như một sự run rủi hay do duyên số, những người phụ nữ sang xứ người mưu sinh bị chủ ngược đãi, hành hạ… đã cùng gặp nhau tại nhà người môi giới tại Ả rập, trong căn phòng chật chội và tiếp tục bị… bỏ đói. Những ngày tháng cùng cực của họ được lưu lại qua những dòng nhật ký đầy nước mắt!

"Bão" về quê nghèo

Tháng 4/2007, một người phụ nữ tên là Tình tự giới thiệu mình là giám đốc một công ty trên Hà Nội, chuyên tuyển lao động đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài về xã Tiến Dũng (Yên Dũng - Bắc Giang) để tuyển lao động. Thị trường lao động mà Tình đưa ra, đó là Arab Saudia (Ả rập Xê út) với mức lương 600 SR/tháng (khoảng xấp xỉ 3 triệu đồng). Mức phí cho mỗi một lao động tham gia là trên 12 triệu đồng (gồm các khoản phí đào tạo, vé máy bay, phí làm thủ tục xuất nhập cảnh…).

Thông qua UBND xã Tiến Dũng, Tình tổ chức buổi tư vấn tại xã với nội dung “chương trình xoá đói giảm nghèo”, những người tham gia đi sẽ được vay vốn xoá đói giảm nghèo, thời gian lao động tại nước ngoài là 2 năm. Một lớp học tiếng Anh cho người tham gia sẽ được mở tại xã, giáo viên sẽ được mời về tận nơi để dạy học.

Chị Nguyễn Thị Hằng (người vừa trở về sau những ngày tháng giúp việc gia đình tại Ảrập) và anh Quế (có vợ đi XKLĐ đang chờ ngày về nước).

Những hứa hẹn của chương trình “xoá nghèo” mà Tình đưa ra đã khiến nhiều người dân ở xã Tiến Dũng khấp khởi hy vọng. Riêng xóm Chùa đã có 7 người đăng ký tham gia. Khoá học tiếng Anh tại đình làng Chùa mau chóng kết thúc. Rồi sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng những lao động sang Ảrập với nội dung giúp việc gia đình cũng được xuất cảnh. Thế nhưng, họ đã mau chóng vỡ mộng đổi đời…

Chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1971) là người may mắn trở về quê hương sau 6 tháng làm việc cho một gia đình người Ảrập và 2 tháng sống như “tù giam lỏng” tại nhà một người môi giới. Chị cho biết, những người đi cùng đợt với chị sang Ảrập giúp việc gia đình đều chịu chung một hoàn cảnh: bị bỏ đói, bị quỵt tiền lương, bị đánh đập tàn nhẫn… đến mức không thể chịu đựng được.

Chị Hằng làm giúp việc cho gia đình người chủ có tên Kanan Sanhan tại thành phố Hail Jubbah. Nhà chủ có tới 12 người với gần 20 phòng. Không giống với cam kết là trông giữ trẻ như trước khi đi, công việc của chị là lau chùi nhà cửa, giặt giũ, cơm nước phục vụ cả gia đình… Thời gian làm việc cũng không phải 8 tiếng mà lên tới 18-20 tiếng/ngày. Người chủ nhà cấm không cho chị đi ra ngoài và bắt chị phải theo phong tục phụ nữ Ảrập. Chị chỉ được ăn một bữa duy nhất trong ngày…

Những đói khát, nặng nhọc của công việc có thể gắng gượng được, thế nhưng, đáng sợ nhất là chị không được phép liên lạc về cho gia đình trong những tháng ban đầu. Chủ nhà không cho phép chị nghe điện thoại. Sau này, khi đã trở về quê, chị mới biết gia đình chị cũng liên lạc sang rất nhiều lần nhưng không được đồng ý cho gặp…

Chưa kể, ở Việt Nam, chị được trung tâm đào tạo tiếng Anh để giao tiếp, thế nhưng gia đình chủ lại nói tiếng… Ảrập. Mấy tháng trời ròng rã, chị chỉ biết ra hiệu, làm dấu… “Nhịn khát nhịn đói cũng cố gắng mà chịu, cố gắng để kiếm lại chút vốn đã bỏ ra để được đi xuất khẩu… Thế nhưng, gia đình chủ đánh đập tàn nhẫn, mình không thể chịu đựng được. Chúng tôi được hứa hẹn sang bên này sẽ được đối xử tử tế, được nhận thêm tiền ngoài giờ làm việc (quá 8 tiếng)…, nhưng ngay cả tiền lương cũng không được nhận!”.

Ước mơ của anh Quế, chị Nga là sẽ cải tạo được ngôi nhà đã xuống cấp, nhưng có lẽ, ước mơ ấy sẽ không bao giờ trở thành sự thật.

Sau mấy tháng trời làm mà không được chủ nhà trả tiền công, lại bị hành hạ đối xử tàn nhẫn, người môi giới đã đưa chị về trung tâm bên Ảrập. Tại đây, chị gặp thêm những chị em khác cũng chịu chung cảnh ngộ.

Hơn hai tháng trời, gần chục con người bị “giam lỏng” trong căn phòng chật chội chưa đầy chục mét vuông, sức khoẻ bị ảnh hưởng nặng do bị đánh đập, bỏ đói và lao động quá sức, người nhà của chị bên Việt Nam phải gửi tiền vé máy bay sang chị mới được về nước. “Về được đến nhà mới biết mình còn sống. Ở bên đó, bị ăn đói, ăn khát, lại ốm yếu…, có những lúc, mấy chị em phải lấy nước từ… bồn cầu để uống.

Chị Hằng là người may mắn nhất trong số 7 chị em cùng quê đi Ảrập giúp việc gia đình cùng thời gian tháng 4/2007, vì chị đã được trở về quê hương. Những chị em khác cũng chung cảnh ngộ nhưng chưa tìm được cách để về nước.

Chị Phạm Thị Nga, sinh năm 1986, đã bỏ lại 2 đứa con nhỏ còn chưa cai sữa cho chồng để đi theo chương trình “xoá đói giảm nghèo”. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền mà chị gửi về chưa đủ để trả nợ ngân hàng. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Quế phải đem gửi con cho ông bà ngoại, hàng ngày lên thị trấn làm phụ vữa để lấy tiền trả lãi ngân hàng.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, anh Quế chỉ biết khóc: “Em ân hận vì đã để vợ em đi XKLĐ. Tiền gửi về chưa đủ để trả nợ. Tiền công đi phụ vữa của em cũng chỉ đủ để trả nợ lãi… Chỉ thương hai đứa con dại phải xa mẹ. Bây giờ, em chỉ mong sao vợ em về được, chứ chẳng trông mong gì kiếm tiền mang về…”.

Cũng giống như trường hợp gia đình chị Nga, các chị Phạm Thị Tuyết, Phạm Thị Thuỷ, Nguyễn Thị Hoan… đi XKLĐ Ảrập cùng đợt, cũng đang đợi ngày… hết hạn hợp đồng để về nước. Cuộc sống vốn nghèo khó, nay những người nông dân lại càng thêm bầm dập bởi gánh nợ đè lên vai, chưa kể ngày về nước thì thân thể cũng đã suy kiệt.

Đem con bỏ chợ

Ngày 11/03/2008, tại sân bay Nội Bài, chị Lý Thị Thoa, sinh ngày 08/06/1971, trú tại thôn Pác Pậu, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) lưu luyến chia tay gia đình và bạn bè để đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út Chị không thể ngờ, bước chân lên máy bay là chị đã bước vào một quãng thời gian tủi cực tại xứ người với những vết thương lòng khó có thể xoá nhoà.

Chị Lý Thị Thoa vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể lại về chuỗi ngày đi kiếm sống nơi đất khách.

Lên đường đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại Ả rập Xê út theo chương trình xuất khẩu lao động của Công ty Mopha (75 Âu Cơ - Tứ Liên - Tây Hồ, Hà Nội) với thời hạn 36 tháng, ngày 14/03/2008, khi đến sân bay bên nước bạn, chị Thoa là người đầu tiên được chủ đón về giúp việc gia đình.

Theo lá đơn trình báo lên Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động của huyện, chị Thoa đã ghi lại việc bị gia chủ đối xử thậm tệ, việc làm vất vả từ 6h sáng tới 1h đêm nhưng có hôm không được ăn cơm chỉ được một chiếc bánh mỳ lót dạ. Nhiều khi mấy hôm chị mới được một bát cơm nhạt cộng với thức ăn thừa…

Trong khi đó, như hợp đồng đã ký với Công ty Mopha thì chị chỉ phải làm 8 tiếng/ngày và 6 ngày/tuần. Không được ăn uống đầy đủ, sức khoẻ chị giảm sút dần. Được 5 hôm thì người môi giới đến đưa chị về nhà môi giới. Tại đây, chị gặp chị Quyên, quê quán tại Bình Thuận, hai người ở với nhau 8 ngày thì người môi giới đưa thêm chị Năm ở Tuyên Quang, thêm bốn người nữa trong đó có hai người ở Bắc Giang, một ở Vĩnh Phúc và một người ở Thanh Hoá. Tất cả đều là người bị chủ sử dụng ngược đãi.

Tại đây, sức khoẻ yếu, đói, khát chị Thoa đã ngất đi, sáu chị em vừa khóc vừa xoa dầu cho chị tỉnh lại. Được 8 ngày sau, Công ty Mopha liên lạc sang nhà môi giới và cũng trình bày việc biết chị Thoa bị ngược đãi, công ty tiếp tục giới thiệu chị sang một chủ mới, theo công ty là tốt hơn rất nhiều. Công ty cũng hứa hẹn nếu còn bị ngược đãi sẽ đồng ý cho về nước.

Chị Thoa và chị Nguyên ở Thanh Hoá cùng được đến một chủ và tại đây cả hai tiếp tục phải làm việc từ 6h sáng tới 2h đêm, ngày chung nhau một gói mỳ tôm, tối chỉ được một chiếc bánh mỳ. Trước tình trạng sức khoẻ của hai người giúp việc ngày càng kiệt quệ, sợ họ chết tại nhà mình, ông chủ người Ả rập đưa Thoa và Nguyên trả lại nhà môi giới ở một trang trại.

Trong căn phòng bẩn thỉu và quãng thời gian 17 ngày cả hai người chịu đói và khát. Ngày thứ 17, người môi giới quay lại lúc 9h tối đưa cho mỗi người một số tiền Ả rập rồi đưa ra sân bay, đưa hộ chiếu cho cả hai. Đến lúc này cả Thoa và Nguyên mới biết mình đã bị trả về nước trong khi không có bất cứ một thông tin nào từ phía Công ty Mopha.

17 ngày không làm người

Như một sự run rủi hay do duyên số, những người phụ nữ có cùng hoàn cảnh rời bỏ quê hương, gia đình sang xứ người mưu sinh, bị chủ ngược đãi, hành hạ… đã cùng gặp nhau tại nhà người môi giới, trong căn phòng chật chội và tiếp tục bị… bỏ đói. Những ngày tháng cùng cực của họ được lưu lại qua những dòng nhật ký đầy nước mắt!

Chị Thoa cho biết: Khi cùng sáu chị em khác bị giam lỏng tại nhà môi giới, cùng cực chị em đã viết nhật ký, ghi những dòng tâm sự lên cuốn sổ mà hiện chị vẫn giữ. Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn 5, Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ghi: “Chị Thoa ơi những ngày chị em mình sống ở đây thật là khốn khổ, con người Ả rập xem người giúp việc như một con chó không chút tình người nào, mỗi ngày được một cái bánh mỳ không làm nổi công việc 24/24, ngủ thiếu, thiếu ăn lại nhớ gia đình, nhớ người thân, không thể sống nổi ở đất lày (này) được chị ạ, may mắn chị em mình sa cơ lỡ bước bây giờ được cùng nhau chia sẻ nỗi buồn nếu có được về Việt Nam thì em sẽ liên lạc với chị!”.

Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang).

Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Chùa, Tiên Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang cũng cùng cực viết: “Kể từ khi chúng mình gặp nhau, sau lại gặp chị em Việt Nam cùng chung một số phận thời gian ở với nhau, ở nơi đất khách quê người tuy không dài nhưng không bao giờ quên được những kỷ niệm đói no có nhau ở xứ mà con người không có tình người, hẹn bao giờ được về chúng mình liên lạc cho nhau và hẹn gặp lại...”.

Cuốn sổ ghi còn lưu cả những dòng nhật ký với nội dung tương tự của các chị Vũ Thị Nguyên, (Cẩm Tân, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá); Nguyễn Thị Quyên, (xóm 3, thôn 4, Bắc Ruộng, Tánh Linh, Bình Thuận); Diệp Thị Năm, (ấp Nhội, Thiện Kế, Sơn Dương, Tuyên Quang). Những chị em cùng cực trong một cảnh ngộ chỉ biết ghi những dòng ngắn ngủi cho nhau chờ ngày thoát khỏi cảnh đau khổ cùng những số điện thoại để liên lạc…

Những người có cùng chung hoàn cảnh như các chị, chỉ biết chia sẻ cùng nhau những tâm sự, cùng động viên nhau có thêm nghị lực để sống, chờ đợi ngày về nước cùng gia đình. Trong số sáu chị em cùng ở chung trong nhà người môi giới bên Ả rập, chị Thoa, chị Hằng là những người lớn tuổi, đã có gia đình, con cái. Nguyên sinh năm 1983, là người nhỏ tuổi nhất. Nguyên có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mẹ em đã mất. Nguyên sống với bà ngoại già yếu. Số tiền chi phí đi xuất ngoại, cũng giống như hầu hết tất cả các chị em khác, Nguyên đều phải vay nợ. Khi rơi vào tình cảnh không lường trước, đã có những lúc, Nguyên định tìm đến cái chết bên xứ người…

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hằng, mấy ngày đầu khi mới về ở trong phòng tập trung của người môi giới, chị Hằng, chị Thoa đều ở trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt nặng. Người nọ đỡ đần người kia, nhưng cũng chỉ biết chia sẻ cho nhau những lời động viên, an ủi. Mấy ngày ròng rã, Nguyên luôn tay luôn chân xoa bóp cho hai chị. Đói khát có thể vượt qua được, nhưng những ngày tháng đen tối trước mắt mà họ đang phải đối mặt, đã không ít lần đánh gục niềm ham sống của cô gái trẻ.

Những trang nhật ký đẫm nước mắt trong những ngày nơi đất khách...

Một lần, Nguyên nói với các chị, rằng em sẽ tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình. Bởi một lẽ, những chị em khác, dù sao cũng còn có một chỗ dựa, ấy là gia đình bên Việt Nam hàng ngày trông ngóng… Còn em, chỉ còn một thân một mình trên cuộc đời…

Rời quê hương ra đi những mong đánh đổi những ngày tháng cơ cực để có được số vốn cỏn con để tạo dựng tương lai, thế nhưng ước mơ ấy đã bị sụp đổ. Em tâm sự rất chân thành với chị Thoa, chị Hằng, chị Năm, rằng nếu về Việt Nam, không chỉ mang theo món nợ mà đối với em, không biết bao giờ mới trả hết được…, mà còn phải gánh theo cả những nỗi tủi cực ê chề, những dị nghị của làng xóm về thân phận của một cô gái chưa gia đình, chưa chồng con… phải trở về trước thời hạn…. Những tủi cực, đắng cay nơi quê người, có ai là người làm chứng, để mọi người có thể cảm thông cho những nguyên cớ buộc các chị phải trở về khi thời gian lao động vẫn còn chưa hết!?

Cũng may, suy nghĩ bồng bột của cô gái vừa mới bước vào đời đã gặp phải hoàn cảnh trớ trêu, đã được giải toả bằng sự sẻ chia, thông cảm của những chị em cùng số phận. Tất cả những dòng lưu bút ngắn ngủi được chép vội trong cuốn vở ô li mà các chị mang theo, là những dòng tâm sự thẫm đẫm nước mắt. Nó là những dòng ghi vội về quãng thời gian tủi cực, thiếu thốn đủ đường, cùng với nỗi tuyệt vọng không biết gửi đến ai.

Không có những suy nghĩ tiêu cực như Nguyên, sự từng trải của người phụ nữ đã trải qua cuộc sống gia đình lại có những lo nghĩ sâu xa khác. Chị Năm, chị Thoa, chị Hằng… đều đã có gia đình, có thêm gánh nặng trách nhiệm lo lắng cho con cái và giữ trách nhiệm của người vợ. Trong những ngày tháng tha hương, một nỗi lo lắng khác luôn thường trực, ấy là cần sự cảm thông của chồng con đối với hoàn cảnh của mình. Chị Thoa đã nói thay những điều lo lắng ấy của chị Hằng, chị Năm bằng cách viết thư cho những người chồng của các chị, vừa tâm sự những nỗi khổ cực mà mấy chị em phải chịu đựng để gia đình ở quê hiểu, vừa khuyên nhủ các anh, trong những lúc như thế, tình thương của các anh dành cho vợ mình là thứ thần dược vô bờ giúp các chị vược qua những khó khăn, khổ nhục…

Trong bức thư gửi cho vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, chị Thoa viết: “… Thâu (tên chồng chị Hằng) em ơi! Mặc dù chị chưa một lần được gặp em, song qua em Hằng tâm sự chị cũng cảm nhận được tình cảm của vợ chồng em, chị rất mến phục tính cách của em. Trong thời gian chị ở bên em Hằng, chị rất xúc động trước sự cố gắng của vợ em, bị chủ trước đánh đập tàn nhẫn mà vẫn cố gắng đi chủ thứ 2 nữa để thực hiện kế hoạch kiếm tiền. Song vì sức khoẻ quá suy kiệt mới chịu về nước. Em Thâu ơi! Trong bảy chị em cùng phòng, cùng cảnh ngộ, chị là người lớn tuổi nhất, chị mong rằng khi em Hằng về tới nhà sẽ nhận được một tình cảm sâu đậm nhất để phần nào giúp em Hằng xoá đi sự mặc cảm nhé… Chị tin rằng, với tình cảm vợ chồng sẵn có, các em sẽ có thêm sức mạnh để sớm ổn định tinh thần, và sớm ổn định được kinh tế gia đình tốt hơn…”.

Những ngày nhịn đói, nhịn khát, đã có lúc cùng cực phải múc cả nước ở… bồn cầu để làm nước uống của những người phụ nữ bất hạnh ấy rồi cũng đã qua. Sau khi đã trở về quê nhà, các chị đã có buổi tụ tập đến nhà từng người an ủi, động viên, hỏi thăm nhau… Dẫu sức khoẻ chưa bình phục trở lại, và món nợ vẫn còn nặng gánh, các chị vẫn nhận mình là những người may mắn nhất, bởi trong số những chị em sang Ả rập cùng đợt, không phải tất cả mọi người đều đã được trở về!

Kỳ sau: Những "chị Dậu" và bản án... 5.000USD

Theo VNN

 

Giày Đại Phát solution
Số người online:
4957
Số người truy cập:
4767571