“Lúc này thương lái khắp nơi đổ lên mua mạnh lắm, đưa từ Campuchia về bao nhiêu cũng không đủ giao” - ông Hai Cường, một lái bò xuyên biên giới ở xã Nhơn Hội, nói.
Trâu bò Campuchia vừa lùa qua biên giới liền được chuyển lên xe tải để đưa đi tiêu thụ (ảnh chụp tại ấp Vĩnh Điều, Giang Thành, Kiên Giang) - Ảnh: Đ.VỊNH |
Tại huyện Tịnh Biên, hằng ngày thương lái Campuchia thường đưa trâu bò sang bán ở chợ Tà Ngáo và dọc kênh Vĩnh Tế. Cảnh trao đổi, mua bán diễn ra sôi động từ mờ sáng tới tối. Theo quy định của ngành thú y, gia súc qua biên giới phải kiểm dịch, tiêm phòng rồi cách ly theo dõi sau 15 ngày mới được xuất chuồng. Thế nhưng ở An Giang thì trâu bò vừa ngã giá mua bán xong là lập tức được vận chuyển về các nơi tiêu thụ.
Từ Tịnh Biên xuôi quốc lộ N1 về tới Hà Tiên (Kiên Giang) có nhiều đàn trâu bò vượt biên tập kết trong dãy chuồng trại dã chiến nằm lẫn giữa các khu dân cư. Còn tại các huyện biên giới Đồng Tháp, ông Nguyễn Viết Cường - trưởng trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu Dinh Bà - cho biết động vật qua lại tại khu vực cửa khẩu đều được kiểm dịch đầy đủ. Tuy nhiên, do tuyến biên giới dài hàng chục cây số nên rất khó kiểm soát trâu bò nhập lậu.
Vào dịp tết, nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc trong nước tăng mạnh nên trâu bò Campuchia được nhập theo đường tiểu ngạch ồ ạt qua ngả biên giới Tây Nam. Theo một cán bộ ngành nông nghiệp, trong năm 2010 Việt Nam xảy ra dịch heo tai xanh trên diện rộng, gần đây nhiều nơi bị thiên tai khiến gia súc chết hàng loạt nên không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
* Tính đến chiều tối 24-1, số gia súc (trâu, bò, ngựa, dê) bị chết trong đợt rét hiện nay đã lên tới 26.500 con, chủ yếu là bê, nghé, gia súc già (70%).
Theo ông Hoàng Kim Giao - cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với số lượng gia súc chết rét, nông dân ở 19 tỉnh phía Bắc thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định thời tiết các tỉnh miền núi phía Bắc đang có mưa nhỏ, khiến giá rét thêm khắc nghiệt, số gia súc chết sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo ông Giao, do việc phòng chống rét, chống đói cho gia súc đã bài bản hơn nên thiệt hại không lớn như đợt rét kỷ lục kéo dài 38 ngày vào năm 2008 (hơn 210.000 trâu bò chết rét).
Về trồng trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc - cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết đã có hơn 200ha mạ và khoảng 4.000ha lúa xuân sớm ở các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng do rét, khả năng phải gieo cấy lại rất cao.
Hiện thời tiết còn rét và kéo dài, Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân tuyệt đối không được cấy lúa nếu rét dưới 15oC. Với diện tích mạ, lúa xuân đã cấy cần chủ động che phủ nilông, duy trì mức nước ruộng từ 1-2cm, bón bổ sung tro bếp để giữ ấm cho lúa. Đặc biệt, cần chủ động đủ nguồn giống lúa dự phòng, đảm bảo chất lượng để gieo mạ nếu như phải gieo lại.
Đ.VỊNH - Đ.BÌNH