Nhạc sĩ Lương Bằng Quang bị nghi mua vé máy bay 'lậu'

Hôm 15/5, trên hệ thống đặt vé của Jetstar Pacific đã xác định vé của hai hành khách này với mã đặt chỗ là WZ7L8B. Theo lịch trình, chuyến bay BL1601 của Jetstar Pacific chở nhạc sĩ Lương Bằng Quang và ca sĩ Trần Thị Thùy Trang sẽ cất cánh vào thứ sáu, ngày 30/5 từ TP HCM đi Bangkok - Thái Lan lúc 18h5 và trở về TP HCM vào ngày 3/6. Vé của hai người là loại Sky Flex, giá 678 USD cả đi và về, bao gồm phí sân bay, thuế và phí phục vụ.

Một chút sơ sẩy, tài khoản cá nhân có thể bị hacker tấn công. Ảnh: ameinfo.

Một người tự nhận là có quan hệ khá thân thiết với nhạc sĩ Bằng Quang cho hay, câu chuyện mua vé có vài điều bất ổn. Theo quy định về bán vé trên mạng của Jetstar Pacific, người mua vé phải là chủ thẻ thanh toán. Khi thanh toán qua mạng, khách hàng phải điền đầy đủ các thông tin như “Loại thẻ”, “Số thẻ”, “Số tiền”, “Ngày hết hạn thẻ”, “Họ tên ghi trên thẻ”, “Số CVC/CVV”. Nhưng vé máy bay của nhạc sĩ Lương Bằng Quang lại được một người sống ở Mỹ đặt mua, và thông qua một tài khoản mang tên của người thứ ba.

Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines Lương Hoài Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng trên, các chuyên gia công nghệ của hãng đã tiến hành xác minh.

Theo kiểm tra của Jetstar Pacific, hệ thống đặt vé của hãng có ghi lại lịch trình chuyến bay của nhạc sĩ Lương Bằng Quang và ca sĩ Trần Thị Thùy Trang. Người đặt vé đã sử dụng loại thẻ American Express để thanh toán. Tiền đã trả, vé xác định điểm đi đến và ngày giờ bay. Như vậy giao dịch mua bán này được coi là thành công. Tuy nhiên, có một điểm khiến Jetstar Pacific băn khoăn: Hành khách tham gia chuyến bay tên Lương Bằng Quang, người mua vé lại là một Việt kiều sinh sống ở Mỹ có tên Mai, còn chủ nhân của thẻ thanh toán có tên Michael Golob.

Trao đổi với VnExpress, nhạc sĩ Lương Bằng Quang cho biết, ban đầu anh cũng rất bất ngờ khi nhận được điện thoại từ Jetstar Pacific xác nhận lại việc đặt vé máy bay, bởi không hề lên kế hoạch đi Thái Lan. Nhưng đến khi nhân viên hãng hàng không hỏi về thông tin của người đặt vé ở Mỹ thì nhạc sĩ này mới nhớ: "Gần đây, tôi có chat với một người bạn quen từ hồi còn ở Việt Nam, tên Mai. Anh ta hứa tặng tôi một vé máy bay đi Thái Lan chơi để xả hơi trước khi phát hành album mới".

Tuy nhiên, nhạc sĩ nói không hề biết gì về hình thức thanh toán, và sẽ không sử dụng chiếc vé đi Bangkok đó vì đã nhận lịch diễn ca nhạc cho một đêm thời trang vào ngày 31/5 tại TP HCM. Nhạc sĩ cũng muốn Jetstar Pacific làm rõ chuyện này để không ảnh hưởng đến tên tuổi của mình.

Ông Lương Hoài Nam cho biết hãng đang liên hệ với đơn vị phát hành thẻ American Express và phía ngân hàng nước ngoài để kiểm tra thông tin. "Nếu đúng chủ thẻ là ông Michael Golob đã thanh toán tiền vé cho khách hàng thì chúng tôi cũng đã làm hết trách nhiệm với khách hàng. Còn quả thật nếu tài khoản bị hack, cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc điều tra làm rõ", ông Nam nói.  

Theo ông Nam, vé máy bay này vẫn hợp lệ. Nếu nhạc sĩ Lương Bằng Quang và ca sĩ Trần Thị Thùy Trang tham gia chuyến bay từ TP HCM đi Bangkok (Thái Lan) đúng lịch trình ngày 30/5, hai người sẽ phải viết giấy cam kết mua vé hợp quy trình của Jetstar Pacific trước khi lên máy bay.

Dù quy định là người mua vé đồng thời phải là chủ thẻ thanh toán, nhưng Jestar Pacific thừa nhận thực tế chuyện người mua, chủ thẻ và hành khách không trùng tên xảy ra không ít.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Vietcombank - khẳng định với VnExpress: "Việc sử dụng thẻ của người khác để mua vé máy bay qua mạng là vi phạm quy định, nhất là cá nhân Việt Nam lại sử dụng tài khoản của một chủ thẻ người nước ngoài".

Theo bà, ngay tại trang web của Hãng hàng không Pacific Airlines (nay đổi tên thành Jetstar Pacific) cũng quy định: Người đứng tên trên tài khoản thanh toán mới được mua vé máy bay trên mạng. Đặc biệt, đối với loại vé Sky Flex mà nhạc sĩ Lương Bằng Quang dự kiến sử dụng, khách hàng đã mua vé không được phép chuyển nhượng hoặc sang tên cho người khác. Như vậy bất kể nhạc sĩ Lương Bằng Quang nhờ mua hộ hay được tặng, nhưng người thanh toán là một chủ thẻ khác, thì sự việc phải được xác minh.

Bà Hằng tiết lộ, thời gian qua Vietcombank phối hợp với Jetstar Pacific triệt phá một loạt vụ đánh cắp tài khoản cá nhân của người nước ngoài để mua vé máy bay. Sau khi dùng "chùa" tài khoản để mua vé, các hacker này rao bán vé trên mạng với giá hấp dẫn. Nhiều người vì ham của rẻ đã vô tình mua phải vé máy bay lậu.  

Hồi cuối tháng 12/2007, một người Việt sinh sống ở Virginia, Mỹ, đã bị cáo buộc đánh cắp tài khoản cá nhân của nhiều người để lừa công ty Western Union chuyển tiền lên tới gần 1 triệu USD.

Trước đó hồi cuối tháng 10/2006 một nhân viên Công ty Bảo đảm Hàng hải Hải Phòng cũng truy cập vào một số trang web mua bán trực tuyến để đánh cắp tài khoản, lấy hơn 490 triệu đồng và 15.160 đôla Australia của nhiều người nước ngoài.

Theo Pacific Airlines, trong quá trình đặt mua vé máy bay trên mạng, việc thông tin người đặt vé - tên hành khách - chủ thẻ thanh toán không trùng khớp nhau rất phổ biến.

Thông thường khi hệ thống mạng tự động xác minh thẻ lúc có khách thanh toán qua mạng; sẽ chuyển các thông tin “lạ” về Bộ phận quản lý rủi ro thẻ để kiểm tra. Các biểu hiện “lạ” thường là khi thông tin các bên mua và thanh toán không trùng khớp; địa chỉ IP máy tính khác nhau; khách mua tại VN nhưng chủ thẻ thanh toán ở nước ngoài hoặc bay đi nước ngoài; địa chỉ khách ở Sài Gòn nhưng số điện thoại tại Hà Nội…

Trường hợp khách hàng Lương Bằng Quang mua vé Pacific Airlines có khứ hồi tuyến TP HCM - Bangkok, sẽ khởi hành ngày 30/5, về nước ngày 3/6, thanh toán bằng thẻ tín dụng được phát hành tại Mỹ; nằm trong đối tượng phải kiểm tra thẻ.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2811
Số người truy cập:
4763878