Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 lọt Top 10 thương hiệu bánh mỳ lâu đời

 Các thương hiệu được xác lập trong top này phải đáp ứng tiêu chí lâu đời, hoạt động trên 50 năm và giữ nguyên hương vị thơm ngon, chất lượng theo bí quyết gia truyền.

Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 là nhà hàng bánh mỳ và "cơm Tây" kế thừa từ Nguyên Sinh restaurant của cụ Nguyễn Văn Miêu từ thời Pháp thuộc. Năm 1942, sau khi rời khỏi hãng thịt nguội Michaux của Pháp, với tay nghề nấu ăn bài bản, cụ Miêu mở nhà hàng đầu tiên ở Hà Nội do người Việt làm chủ. Nhà hàng lấy tên con trai cả của ông - Nguyễn Sinh. Thời điểm này, món bánh mỳ ăn kèm thịt nguội và pate hay bò bít tết ăn kèm bánh mỳ tại nhà hàng được gọi là "cơm Tây".

Năm 1979, cụ Miêu cùng con cả Nguyễn Sinh vào TP HCM mở lại nhà hàng bánh mỳ và "cơm Tây" với tên gọi Nguyên Sinh - Hà Nội tại đường Nguyễn Trãi, quận 1, nay là 141 Trần Đình Xu, lấy tên chính thức Nguyên Sinh Bistro - est. 1942.

Chảo bánh mỳ bít tết pate. Ảnh: Nguyên Sinh Bistro - est. 1942

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, con trai ông Nguyễn Sinh, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Văn Miêu cho biết: "Tôi xúc động khi tìm lại dòng miêu tả về ông nội trong cuốn sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX – tập 1. Trong đó, tác giả viết ‘Nguyên Sinh xuất thân từ chiếc xe đẩy cà phê bánh tây lót dạ sáng và tối rong các phố, nay cũng mở được một quán rượu và giải khát (bistrot) nhỏ, bán ‘cát cút’ cho lính Tây ở phố Yên Ninh. Chồng hiền lành cần cù và vợ giỏi giang sắc sảo, đã trở thành chủ một cửa hàng ăn lớn, vẫn tên Nguyên Sinh ở phố Thuốc Bắc’."

Anh Nguyễn Ngọc Thạch dẫn lời kể của ông nội, năm 1956, Nguyên Sinh tại phố Thuốc Bắc còn là nhà hàng tiệc cưới có sức chứa tới 300 người. Các món ăn giai đoạn này không chỉ có "cơm Tây", còn có "cơm Tàu".

Sau nhiều thăng trầm lịch sử, năm 1962, cụ Miêu chuyển nhà hàng Nguyên Sinh về 17 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ngôi nhà này ông đã để lại cho con trai Nguyễn Văn Ngọc, rồi cùng con cả Nguyễn Sinh di cư vào TP HCM.

Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 được VietKings xác lập giá trị top Việt Nam. Ảnh: Nguyên Sinh Bistro - est. 1942

Khi cụ Miêu lớn tuổi, dù đã bàn giao lại quy trình sản xuất pate, thịt nguội, giò chả, cua Farci... cho người con trai Nguyễn Sinh, cụ vẫn tự nếm các món ăn hàng ngày. Sau khi cụ Miêu qua đời ở tuổi 102, các công thức món ăn gia đình hơn nửa thế kỷ đã truyền hết lại cho con trai cả và cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Thạch. Các món ăn làm nên tên tuổi của cụ là pate gan gà thơm mùi quế, xúc xích tỏi, xúc xích xông khói, jambon gà, jambon heo, ba rọi xông khói, bò bít tết kiểu Nguyên Sinh, bồ câu quay....

Hiện nay, món ăn điển hình của Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 là bánh mỳ với miếng bít tết chỉ ướp muối và áp chảo, sau đó rắc tỏi phi lên mặt, ăn kèm với pate gan gà, bánh mỳ đặc ruột kiểu Pháp đặt riêng nóng giòn.

"Giữ gìn các món ăn thương hiệu của gia đình nhiều lúc không dễ dàng vì khẩu vị của khách hàng thay đổi theo thời gian. Bên cạnh các món truyền thống, tôi còn phát triển nhiều món mới để thực khách có nhiều lựa chọn hơn như mỳ Ý, sườn cừu, pate gan ngỗng, gan ngỗng áp chảo, steak cá ngừ đại dương...", anh Thạch cho biết.

Cụ Nguyễn Văn Miêu và cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Thạch. Ảnh: Nguyên Sinh Bistro - est. 1942

Thực khách đến với Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 có thể mua bánh mỳ kẹp hoặc các loại pate, thịt nguội, giò chả... mang về. Nhà hàng cũng có không gian để thực khách thưởng thức "cơm Tây" tại chỗ. Thời gian buổi trưa và tối, nhà hàng hoạt động với các món ăn có từ thời cụ Miêu truyền lại, đến các món mới do Nguyễn Ngọc Thạch phát triển.

Trong thời gian tới, Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 không phát triển chi nhánh mới tại Việt Nam nhưng vẫn chuyển giao công thức làm pate, các món thịt nguội, giò chả... cho nhiều đối tác tại Australia, Mỹ, Canada.

Giang Vũ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
78276
Số người truy cập:
8606552