Người tiêu dùng sẽ bớt yếu thế


 

Người tiêu dùng luôn “thấp cổ bé miệng” trước doanh nghiệp độc quyền như điện lực. Trong ảnh:  một cửa hàng ăn trên đường Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM phục vụ khách trưa 29-9 trong cảnh cúp điện - Ảnh: Xuân Trường

 

Đề xuất cơ chế “hợp đồng tiêu dùng”

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật khám chữa bệnh, Luật cạnh tranh... Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ không quy định lại từng lĩnh vực mà chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nào điều chỉnh.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: “Chỉ có người sản xuất mới biết được tôi sản xuất sản phẩm này dùng vật liệu gì, theo tiêu chuẩn nào, có độc hại hay không chứ người tiêu dùng không thể biết, cho nên quy định luật này phải nghiêng về tạo điều kiện để người tiêu dùng tăng khả năng (thiết kế các cơ chế) tự bảo vệ mình và ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó có vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiện hợp đồng dân sự (theo mẫu tại điều 407 của Bộ luật dân sự) chỉ mang tính nguyên tắc và chưa thật sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ luật dân sự dựa trên nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự do giao kết hợp đồng trên cơ sở bình đẳng giữa các bên mà chưa tính đến vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẵn sàng đưa vào hợp đồng những quy định có lợi cho mình, đặc biệt là trong những lĩnh vực kinh doanh do các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền thực hiện.

Ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... bên cạnh Bộ luật dân sự điều chỉnh những vấn đề chung nhất về hợp đồng dân sự còn có luật riêng về hợp đồng tiêu dùng (trong đó có hợp đồng theo mẫu) để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có bổ sung quy định “hình thức hợp đồng giao kết với người tiêu dùng theo các quy định của pháp luật dân sự”. Trường hợp giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải tạo điều kiện cho người tiêu dùng nghiên cứu toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết.

Viên chức “Việt kiều”: nhiều tranh cãi

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật viên chức, trong đó đáng lưu ý là quy định việc công dân VN định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có hai loại ý kiến: Thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo luật.

Theo đó, công dân VN định cư ở nước ngoài cũng được tham gia dự tuyển làm viên chức nhằm thu hút chất xám, sự đóng góp của người VN ở nước ngoài để phát triển đất nước. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành, nghề, vị trí công việc được tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng công dân VN định cư ở nước ngoài làm viên chức.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định về việc tuyển dụng công dân VN định cư ở nước ngoài làm viên chức ở VN, bởi lẽ trong số công dân VN định cư ở nước ngoài có không ít người vừa mang quốc tịch VN, vừa mang quốc tịch nước khác. Việc họ trở thành viên chức ở VN có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp nhất định trong quá trình quản lý, sử dụng...

Theo loại ý kiến này, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập, không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại VN mà định cư ở nước ngoài. Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân VN định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở VN thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật.

Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và dự thảo Luật viên chức sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc ngày 20-10).

 

Góp ý dự án Luật Khoáng sản:

Chú ý đến quyền lợi người dân địa phương

Sáng 29-9, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật khoáng sản đã được chỉnh lý để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Hầu hết ý kiến đều quan tâm, nhấn mạnh về quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề nghị: “Bổ sung việc đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương vào căn cứ, nguyên tắc, quy trình của việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Cần quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm địa phương được hưởng trên khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cũng như tỉ lệ phần trăm lao động địa phương được vào làm việc trong các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản và các dịch vụ liên quan”.

Đại biểu Trần Du Lịch, chủ trì hội thảo, nhấn mạnh về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Ông lưu ý: “Luật có nói về trách nhiệm nhưng chưa quy định các phần cứng như: nội dung cần tuân thủ khi được cấp giấy phép và khai thác; chưa có quy định chế tài nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình khai thác gây thiệt hại môi trường, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...”. Theo ông Lịch, đây là một lỗ hổng của dự luật này, cần sớm nghiên cứu để bổ sung.

HỒ VĂN


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21654
Số người truy cập:
11188449