Ngày 19-10, nhiều nhà sản xuất TACN đồng loạt tăng giá bán thêm 5.000 đồng/bao 25kg. Đây là lần thứ hai trong tháng mười và cũng là lần thứ... 12 kể từ đầu năm, giá TACN được điều chỉnh.
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Vừa nuôi vừa lo
"Nếu "điệp khúc" tăng giá vẫn cứ tiếp tục tái diễn, ngay cả đại lý cũng ngán vì nếu xảy ra sự cố gì, người chăn nuôi bị phá sản thì đại lý TACN cũng lãnh nợ..." - chủ một đại lý TACN lo lắng nói.
Nhiều người nuôi heo tại miền Đông Nam bộ thêm một phen "choáng váng" khi được các đại lý thông báo các loại TACN lại... tăng giá! Ông Phạm Ngọc Thọ - chủ một trang trại heo thịt hơn 800 con (xã Tân An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - ngao ngán cho biết có lẽ phải tính đến chuyện bỏ nghề. "Người nuôi heo như như "cưỡi trên lưng cọp", chẳng lẽ giảm khẩu phần hay cho heo... nhịn ăn. Chứ đà tăng giá của TACN hiện nay nuôi heo hồi hộp lắm, không khéo mất cả chì lẫn chài..." - ông Thọ nói.
Theo nhiều người nuôi heo, giá TACN cho heo bắt đầu "leo thang" ngay từ đầu năm nay, với mức tăng 50.000-70.000 đồng/bao 25kg, trong đó có loại tăng 40-55% so với đầu năm!
Những hộ chăn nuôi gà cũng kêu trời vì chi phí chăn nuôi cứ "leo thang". "Chỉ trong vòng chưa đến hai tháng, các nhà sản xuất đã ba lần tăng giá bán, với mức thêm 10.200 đồng/bao 25kg! Giá gà giống đã tăng kỷ lục, lại thêm TACN cũng tăng giá, người chăn nuôi làm ra bao nhiêu cũng... giao lại cho các nhà sản xuất hết rồi..." - ông Nguyễn Xuân Hy, chủ trang trai chăn nuôi gà (Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai), than thở. Theo ông Hy, với số lượng TACN sử dụng bình quân 800 bao/ngày cho trại gà, chỉ riêng khoản tăng giá này gia đình ông phải "móc hầu bao" thêm...8 triệu đồng/ngày!
Thuế giảm nhưng giá khó giảm
Nhiều hộ chăn nuôi ngạc nhiên cho rằng kể từ khi các loại nguyên liệu và thức ăn gia súc được Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu giảm 3-5% vào tháng tám đến nay, giá các loại TACN không những không giảm mà vẫn cứ tăng. Giá đầu vào tăng, giá thành sản phẩm do vậy cũng tăng, nhưng người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro hơn. Chỉ cần thị trường xuất hiện các thông tin về dịch bệnh, giá bán sản phẩm giảm, họ phải đối mặt với thua lỗ.
Giải thích lý do liên tục điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm TACN, nhiều nhà sản xuất đều cho rằng do giá nguyên liệu đầu vào. So với cùng thời điểm này năm trước, tất cả các loại nguyên liệu đã tăng 40-50%. Giá bắp đã lên tới 4.200 đồng/kg, tăng khoảng 40%; giá mì tăng từ 1.900 đồng/kg lên 3.400 đồng/kg. Đậu nành nhập khẩu đã tăng hơn 50%, hiện đang ở mức 380 USD/tấn.
"Hầu hết các nhà sản xuất đều điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm... chậm hơn giá nguyên liệu đầu vào. Thị trường đang có rất nhiều nhà sản xuất, nếu một đơn vị nào đó tăng giá bán không hợp lý sẽ mất khách hàng..." - vị giám đốc này nói. Lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết mức tăng giá bán bình quân chỉ vào khoảng 20%, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng đến 30% so với đầu năm. Dù thuế nhập khẩu nguyên liệu có giảm nhưng "không thấm vào đâu" so với tốc độ tăng giá nguyên liệu nên việc nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành TACN, phần lớn các công ty sản xuất TACN - đặc biệt là những hãng sản xuất nước ngoài - đều đã ký hợp đồng mua nguyên liệu ngay từ đầu năm để đảm bảo nguồn hàng ổn định cho sản xuất, với giá mua "mềm" hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay. "Sức ép giá nguyên liệu là thực tế không tránh khỏi, nhưng việc điều chỉnh giá bán sản phẩm sao cho hợp lý hơn chứ không thể chạy theo giá nguyên liệu..." - chuyên gia này nói.
Người tiêu dùng phải chấp nhận giá mới Giá thành sản phẩm tăng, bị ảnh hưởng nhiều nhất là người tiêu dùng. "Với giá heo thịt lên tới 26.000-27.000 đồng/kg, hầu hết người chăn nuôi heo đều có lãi. Người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi cho rằng thời gian nuôi heo kéo dài, do đó không có gì đảm bảo rằng giá thịt heo sẽ duy trì ở mức cao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm vẫn rất phức tạp hiện nay. |
ĐÌNH PHÚC
(trích từ tuoitre.com.vn)