Bà Bình ở Tây Sơn, Hà Nội đi chợ về người cứ bần thần, phần vì giá cả tăng cao, phần vì giỏ hàng vừa mua nhè nhẹ, cứ như thiếu cái gì đó. Nghĩ ngợi một lúc, bà chạy sang nhà hàng xóm mượn chiếc cân về thử. Con cá 1,5 kg thiếu mất 3 lạng, nửa cân thịt gà thiếu mất gần 1 lạng. 2 kg gạo nếp cân đi cân lại cũng chỉ có 1,7 kg. Tính sơ sơ chỉ trong vòng một buổi mua sắm, bà Bình bị “móc túi” vài chục nghìn đồng.
![]() |
Người tiêu dùng biết mình bị móc túi mà không đủ bằng chứng để khởi kiện. Ảnh: H.A. |
Bà tức tốc mang số đồ vừa mua ra chợ để quyết làm cho ra lẽ. Thế nhưng chẳng đợi bà trình bày hết nguồn cơn, chị bán gà đã bù lu bù loa cho là bà vu khống. Còn chị bán cá cũng cố nói cho thật to, đủ để những người có mặt ở quầy hàng thấy rằng: “Cháu làm ăn tử tế, bao nhiêu năm nay có ai kêu đâu mà bà lại đặt điều cháu cân gian”.
Bị mắng cho tối tăm mặt mũi, bà Bình quên mất vai trò rằng mình là người bị xâm phạm quyền lợi - chẳng nói lại được câu nào. Biết mình không thể cãi được mà không khéo bị họ làm cho dại mặt, bà lẳng lặng mang hàng về nhà và tự an ủi rằng, thôi thì mai cạch mặt con bé bán cá lẻo mép, tẩy chay hàng gà và định bụng sẽ chọn cửa hàng bán gạo uy tín hơn.
Những trường hợp như bà Bình không phải là hiếm, rất nhiều bà nội trợ than rằng bị người bán hàng “chém đẹp” mà vẫn phải chấp nhận vì chẳng biết kêu ai, kêu ở đâu. Chị Quỳnh ở Đống Đa - Hà Nội cho biết: “Chưa khi nào cân lại những thứ đã mua ở chợ nhưng tôi chắc chắn rằng trọng lượng của nó sẽ bị hao hụt so với thực tế. Ngay cả khi dặn người bán rất kỹ nhưng hầu như chẳng khi nào tôi mua được đúng số lượng sản phẩm mình cần”.
Cách đây 2 tuần chị Quỳnh mua một ổ bánh mì tươi tại cửa hàng ngay gần nhà. Tin tưởng chỗ quen và cô bán hàng cũng khẳng định rằng hàng mới về nên chị Quỳnh quên mất việc phải xem ngày sử dụng in trên bao bì. Hôm sau bỏ ra ăn, anh nhà mới phát hiện bánh hết hạn sử dụng trước khi chị mua một ngày. Chị mang hàng ra trả thì cô chủ quán quả quyết lỗi là do nhà sản xuất đã không thông báo cho nhà phân phối biết về hạn dùng của sản phẩm. "Thế rồi, người bán cũng lờ luôn việc đổi lại hàng cho tôi", chị Quỳnh nói. Chẳng biết trách ai, chị Quỳnh chỉ biết tự dặn mình rằng: Lần sau phải chú ý hơn đến nhãn mác, hạn sử dụng khi mua hàng hóa.
Cả nước có trên 86 triệu dân và ước tính mỗi ngày có khoảng vài chục triệu giao dịch mua bán. Thế nhưng, trong số này có bao nhiêu trường hợp bị móc túi, bị chém đẹp vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Theo Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN, quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Không chỉ bà nội trợ bị cân thiếu khi mua rau, mua thịt, người bơm xăng bị bán sai giá, đong sai mà ngay các sản phẩm sữa dành cho trẻ em cũng bị rút bớt lượng đạm cần thiết.
Tại buổi tọa đàm về bảo vệ người tiêu dùng do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức hôm 16/3, hầu hết các ý kiến đều cho rằng quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, khuyến mãi rởm, giá cả phi lý cũng diễn ra ngày càng phổ biến. Trong khi đó, các chế tài, lực lượng để bảo vệ người tiêu dùng còn thiếu, chưa đủ để thay đổi được tình hình. Giải pháp được các chuyên gia tính đến là: Người tiêu dùng phải tự tìm cách bảo vệ mình.
Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Đặng Hoàng Hải cho hay, Ban bảo vệ người tiêu dùng hiện có 7 thành viên, chăm lo cho nhu cầu của 86 triệu người tiêu dùng. Với lực lượng mỏng như vậy thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất khó khăn, và tại nhiều địa phương trong cả nước việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn là khái niệm khá lạ lẫm.
Một kết quả điều tra năm 2008 do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện với trên 1.000 người được phỏng vấn ở 10 tỉnh cho thấy: 41% người tiêu dùng không biết mình có những quyền gì, trong khi trên 50% người tiêu dùng không biết mình có trách nhiệm gì. Đa số người tiêu dùng cho rằng quyền được an toàn là quan trọng nhất, nhưng lại rất ít người tiêu dùng quan tâm đến quyền được giáo dục về tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng nhận thức mình đang bị xâm hại quyền lợi nhưng lại ngại bảo vệ quyền lợi của mình do ngại việc khiếu kiện, thấy rằng giá trị hàng hóa không đáng là bao trong khi thủ tục khiếu kiện rườm rà, rắc rối, hay mang tâm lý “con kiến mà kiện củ khoai” nên “chán chẳng thèm kiện Về vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, 88% người được hỏi trả lời không thể phân biệt được thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn bằng mắt thường. |
Ngoài Ban bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý Cạnh tranh, VN còn có Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng song đơn vị này cũng đang làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu kinh phí. Đa phần hội viên là những người đã về hưu có tâm huyết với công việc.
Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ cho rằng để tránh chuyện bị doanh nghiệp "bắt chẹt", mỗi người phải tự biến mình thành "người tiêu dùng thông thái" để tự tìm cách bảo vệ mình. Các vụ gian lận cước taxi, đong thiếu xăng dầu bị phát hiện hồi năm ngoài, một phần cũng nhờ vào sự hỗ trợ của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhìn nhận một thực tế là, người tiêu dùng đa phần còn rất mù mờ về quyền lợi của mình, thậm chí có tới 41% số người được hỏi không biết mình có các quyền lợi gì. Trong số những vụ vi phạm về tính sai giá, cân đong hàng hóa thiếu được khui ra cũng chỉ dừng lại ở việc người tiêu dùng phát hiện chứ rất khó đưa ra các bằng chứng cụ thể để khởi kiện. Người tiêu dùng cũng không đủ năng lực và phương tiện để chứng minh hàng chất lượng kém như sữa thiếu đạm, có chứa chất melamine, hay độc tố... Do vậy, nếu kéo nhau ra tòa, người tiêu dùng chưa chắc đã cầm được phần thắng.
Để các công cụ pháp luật trong lĩnh vực này hữu hiệu hơn, ông Hồ Tất Thắng cho rằng cần phải tăng khung hình phạt đối với những vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo kế hoạch, cuối năm 2009 này Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được trình ra Quốc hội. Ban soạn thảo Luật hy vọng khi đã có cơ sở pháp lý và chế tài cụ thể, cuộc chiến bảo vệ người tiêu dùng sẽ phát huy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong lúc chờ cơ sở pháp lý rõ ràng thì câu hỏi là ai bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vẫn chưa có lời giải.
Hồng Anh
(Theo VnExpress)