Người phụ nữ khốn khổ vì trí nhớ phi thường (2)

Ảnh Jill Price trên bìa tạp chí Newsweek. Ảnh: Newsweek.
Ảnh Jill Price trên tạp chí Newsweek. Ảnh: Newsweek.

Họ theo dõi bà liên tục trong 5 năm liền, tìm những trường hợp tương tự trong sách báo chuyên môn và phát triển nhiều câu hỏi để có thể thử nghiệm khả năng hồi tưởng của bà. Jill có một cuốn nhật ký ghi lại những sự kiện quan trong trong độ tuổi 10-34. Vì thế mà các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra trí nhớ của bà. Họ chọn ngẫu nhiên vài trang trong cuốn sổ.

"Ngày 16/8/1977", McGaugh hỏi. "Thứ ba, hôm đó Elvis Presley chết", Jill đáp. "Ngày 18/5/1980 thì sao?". "Chủ nhật. Núi lửa St. Helens phun trào". "Công nương Diane tử nạn khi nào?". "Ngày 30/8/1997 theo giờ Pháp và 31/8/1997 theo giờ Mỹ".

Cuối cùng, ông McGaugh và đồng nghiệp đã khẳng định rằng trí nhớ của Jill, ký ức của bà về những sự kiện đã trải qua và những cảm xúc gắn liền với chúng thật sự xuất sắc, gần như toàn hảo. Một trường hợp như thế chưa từng được mô tả trong các nghiên cứu về trí nhớ. Jill không sử dụng bất kỳ biện pháp nào để nhớ. Bà rất vất vả khi học thuộc lòng một bài thơ hay dãy số. Kiến thức về những sự kiện không có liên quan đến cuộc sống hằng ngày của bà chỉ vào hàng trung bình.

Cách đây 2 năm, các nhà khoa học công bố những thông tin đầu tiên trong một tờ tạp chí chuyên môn nhưng không cho biết danh tính của người tham gia thí nghiệm. Từ đó tới nay hơn 200 người đã liên hệ với McGaugh và nói rằng họ cũng có trí nhớ cũng hoàn hảo như vậy. Phần lớn trong số họ thổi phồng khả năng của bản thân, song có 3 người có khả năng nhớ đáng ngạc nhiên như Jill. "Tính cách của họ rất khác nhau và họ không dè dặt như Jill. Trong thử nghiệm họ cũng đạt được kết quả tương tự", McGaugh nói.

Trên phương diện sinh học thần kinh, một ký ức là mô hình liên kết giữa các tế bào thần kinh trong não được lưu lại. Nó hình thành khi các khớp thần kinh trong một mạng tế bào thần kinh được kích hoạt trong một thời gian ngắn. Trên lý thuyết khả năng liên kết nhiều đến mức não có thể lưu giữ một lượng ký ức không giới hạn.

"Nếu chúng ta có thể nhớ mọi thứ thì bộ não sẽ bị quá tải và làm việc chậm hơn. Quên là một tiền đề cần thiết để trí nhớ có thể hoạt động", McGaugh nhận định. Lập luận này không đúng trong trường hợp của Jill Price và ba người nói trên. Bốn người này cũng làm lung lay một lý thuyết khác của ông, theo đó ấn tượng của những giác quan càng mạnh thì khả năng ký ức được lưu lại càng lớn.

"Chúng tôi đang có tới bốn người không tuân theo quy tắc đó, bởi họ nhớ cả những việc bình thường nhất, hoàn toàn không quan trọng", nhà nghiên cứu nói.

McGaugh và các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard đang phân tích những bức ảnh chụp não bằng cộng hưởng từ của 4 người này. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một vài đặc điểm cấu trúc trong cấu trúc não của họ. 20 vị trí trong não của Jill lớn hơn hẳn người bình thường.

Jill Price hy vọng rằng, một lúc nào đó sẽ có nhiều câu trả lời hơn nữa cho việc tại sao bà lại khác với những người bình thường như vậy. "Cộng tác với các nhà khoa học mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi", bà nói.

Phan Ba (theo Der Spiegel)

(Theo VnExpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19404
Số người truy cập:
4784763