Người đưa cam Xã Đoài ra thế giới

 Sau 6 năm làm ăn tại Đông Âu, tích lũy được số vốn khá, ông Giáo lúc này 34 tuổi cùng vợ trở về quê xã Bảo Thành, huyện Yên Thành lập nghiệp vào đầu năm 2001. Tìm hiểu thấy Nghệ An có giống cam Xã Đoài ngon, song chưa phát triển thương hiệu, ông quyết mua 20 ha đất hoang ở xã Đồng Thành để cải tạo trồng cam, lập kế hoạch đưa đặc sản quê hương lên "tầm cao mới".

"Những người bán vườn không hiểu tôi định làm gì mà mua diện tích đất lớn. Họ nói chắc tôi bị hâm, sẽ thất bại và bán lại đất giá rẻ thôi. Chính quyền nghi ngờ, bởi thấy người lạ lập trang trại heo hút trong rừng, sợ làm điểm tập kết hàng cấm nên cử công an theo dõi mọi di biến động suốt 2 năm", ông Giáo kể.

Ông Trịnh Xuân Giáo kể về quá trình hồi sinh đồi hoang thành các trang trại cam cho thu nhập tiền tỷ. Ảnh: Đức Hùng

Đất hoang trước đây người dân trồng bạch đàn và keo nên mất chất dinh dưỡng, ông Giáo thuê người dùng máy móc tái tạo đất trong 5 năm. Ông lên Quỳ Hợp tìm gặp nông dân có kinh nghiệm trồng cam 30 năm mời về làm kỹ thuật, trả mức lương bằng 1/4 thu nhập của trang trại. Sau 4 năm, hàng chục nghìn gốc cam cho lứa quả đầu tiên, song vị chưa ngon do đất còn nghèo. Từ năm 2013, quả bắt đầu ngọt thơm, một ha cho doanh thu một tỷ đồng mỗi năm.

Ông Giáo luôn áp dụng phương pháp mới để trồng cam. Đa số mọi người làm hệ thống tưới nước từ dưới lên, ông lại cho tưới từ trên xuống, mục đích rửa sạch được cả lá và quả, giúp chúng được tiếp xúc với ánh mặt trời, quang hợp tốt hơn. Các gốc cam trong trang trại chủ yếu được bón bằng phân bò và kali hữu cơ làm từ tàn tro của cây mía, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khi cam Xã Đoài chiếm lĩnh được lòng tin của các cửa hàng trong nước, ông Giáo lên ý tưởng đưa cam ra nước ngoài. Ông tìm hiểu, hướng trang trại phát triển theo mô hình của Hiệp hội Nông nghiệp Đức và được tổ chức này công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP năm 2019. Cùng năm, tập đoàn AEON của Nhật Bản cử người đến thẩm định vườn cam trong nửa tháng, sau đó đặt vấn đề hợp tác, một tuần mua 4 tấn cam đưa vào chuỗi siêu thị bán lẻ đặt tại nhiều quốc gia.

"Thị trường Nhật Bản cực kỳ khắt khe, khi được AEON thu mua tôi mừng rỡ ôm lấy các công nhân, nói cam Xã Đoài đã ra thế giới rồi", ông Giáo kể. Tuy nhiên, ông phân tích cái gì cũng có chu kỳ thành công, 20 ha cam hiện tại rồi cũng già, cần mở rộng thêm diện tích. Năm 2016, ông lên huyện miền núi Con Cuông đặt vấn đề với chính quyền thuê 54 ha đất hoang hóa ở xã Môn Sơn.

Cam Xã Đoài tại trang trại của ông Giáo được đưa lên chuỗi siêu thị AEON năm 2019. Ảnh: Trịnh Xuân

Khu đất là thung lũng nằm lọt thỏm giữa các núi đá vôi, không có đường đi. Từ trung tâm xã vào phải mất 2 tiếng trèo đèo, lội suối, kết hợp với các loại xe mới có thể đến nơi. "Xem xong đất tôi mê luôn, không làm thì cảm thấy phí. Nhưng đầu tư thì kinh khủng quá, núi đồi trùng điệp, chưa nói đến tiền bạc, công cải tạo cũng không biết khi nào xong", ông Giáo kể.

Dù có chút lăn tăn, ông Giáo vẫn quyết tâm làm. Ngày khởi công giữa năm 2016, ông bắt tay lãnh đạo địa phương, nói sẽ làm cho "đất đá nở hoa". Phần lớn đại biểu tin vào quyết tâm của ông Giáo, nhưng một vài người vẫn hồ nghi bởi "từ trước tới nay không thấy ai liều như thế".

Để cải tạo 54 ha đất, ông Giáo mua luôn máy xúc, máy ủi, máy cày, thuê thợ bạt núi xuống các vực, suối, đổ đất đắp thành các con đường nhỏ bao quanh. Hàng chục ngọn đồi xung quanh cao 18 m đều được hạ xuống 12 m để sau này máy móc, công nhân vào canh tác dễ dàng. Ban đầu ông Giáo định kéo điện vào trang trại, nhưng tính toán hết 5,3 tỷ đồng nên từ bỏ và thuê người làm điện mặt trời.

"Khu đất này nguyên sơ, từ trước tới nay chưa ai trồng cây nên độ màu rất tốt. Xung quanh có núi đá, nhiệt độ luôn giảm 3-4 độ C so với bên ngoài, trồng cam Xã Đoài chắc chắn ngon. Tôi tự nhủ làm đi, đừng tính toán tiền bạc kỹ quá, nghĩ nhiều chắc chắn chùn bước", ông Giáo chia sẻ.

Đường vào thung lũng nhỏ hẹp, chênh vênh bên vực sâu 3-5 m, chỉ một trận mưa là nhão nhoẹt. Nhiều lần lái xe máy, ôtô vào khảo sát, xe của ông Giáo cùng công nhân rơi xuống vực, người trầy xước, đau ê ẩm suốt mấy ngày. Phương tiện hư hỏng nặng phải sửa mất hàng chục triệu đồng.

Máy móc cải tạo đất tại trang trại ở huyện Con Cuông năm 2016. Ảnh: Trịnh Xuân

Giữa năm 2019, trang trại xong mặt bằng, ông Giáo trồng 25.000 gốc cam Xã Đoài, vẫn áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Lúc nói với vợ về kế hoạch khai hoang 54 ha đất, ông không dám kể về địa hình, bảo "ngon lành thôi" nên vợ tin. Khi đã bỏ hơn 40 tỷ đồng đầu tư, ông dẫn vợ lên, sau khi đi qua những cung đường ngoằn nghèo để vào thung lũng, người vợ thốt lên: "Trời ơi, giờ phản đối thì cũng muộn rồi". Vợ chồng nhìn nhau cười.

Sau bốn năm, cam ở trang trại Con Cuông bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, chất lượng dần ổn định. Đầu năm 2023, có dịp trò chuyện với lãnh đạo của một hãng hàng không Việt Nam trên chuyến bay, ông Giáo kể về nguồn gốc cam Xã Đoài và mời đến trang trại chơi, thưởng thức đặc sản.

"Ghé thăm Con Cuông, ông ấy bị mê hoặc bởi hương vị cam. Tôi đặt vấn đề đưa cam trồng tại trang trại lên suất ăn máy bay", ông Giáo nói. Sau hơn 10 ngày thẩm định, hãng hàng không đồng ý thu mua cam của ông Giáo. Tháng 11/2023, hợp đồng có hiệu lực, mỗi ngày xe chở 2 tấn cam ra sân bay Nội Bài.

Cả gia đình ông Giáo vỡ òa sau khi được hãng hàng không đồng ý hợp tác. Nhiều người bạn đi máy bay, thấy dòng giới thiệu ghi trên suất ăn về cam Thiên Sơn - Xã Đoài đã gọi điện chia sẻ tự hào vì nông sản Việt được nhiều khách quốc tế thưởng thức, khen ngon.

Cam Xã Đoài trồng tại trang trại của ông Giáo trên suất ăn của một hãng hàng không. Ảnh: Trịnh Xuân

Hiện trang trại ở huyện Con Cuông ngoài nhập cho hãng hàng không thì mỗi ngày bán 2 tấn cho đối tác trong nước, giá 40.000 đồng/kg. 20 ha cam ở huyện Yên Thành hồi năm 2022 đã được chặt bỏ hết để cho đất nghỉ ngơi, năm sau trồng lứa mới. Trang trại này trước đó cho doanh thu 18 tỷ đồng một năm, trừ chi phí đầu tư, trả lương nhân công, lời khoảng 15 tỷ đồng.

Dù thu nhập khá, ông Giáo chưa cho rằng mình thành công, luôn bảo "thiên hạ họ tiến cả, mình không tiến lên sẽ bị tụt lại phía sau". Sắp tới ông dự định đầu tư nhà xưởng sản xuất bột cam, nước rửa bát hữu cơ từ vỏ cam...

Ông luôn tâm niệm "không mất niềm tin" khi làm bất cứ việc gì. Câu nói này cũng là lời tựa trong tự truyện "Cuộc chiến mưu sinh" do ông viết, được Nhà xuất bản Văn học in tháng 12/2022. Cuốn sách kể về khó khăn khi làm thuê kiếm tiền, nhiều lần suýt chết dưới băng tuyết trong những năm bôn ba xứ người...

"Hành trình làm nông nghiệp và đưa cam Xã Đoài ra thế giới cũng mạo hiểm, gập ghềnh như quãng đời trước đó của tôi vậy", ông Giáo nói.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Quang Tùng đánh giá ông Trịnh Xuân Giáo táo bạo, có tầm nhìn xa, tiên phong trong làm nông nghiệp công nghệ cao. "Đến nay, riêng về cam, trang trại của ông Giáo là đơn vị duy nhất trong tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn toàn cầu - GlobalGAP. Quy trình chăm sóc rất nghiêm ngặt, bài bản, góp phần nâng tầm thương hiệu cam Xã Đoài", ông Tùng nói.

Đức Hùng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4133
Số người truy cập:
4766000