![]() |
Người tiêu dùng không thể dừng mua sữa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mead Johnson, Meiji, Dutch Lady và một số hãng khác đang có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Khách hàng được tặng ngay một hộp Enfalac 200 gr khi mua Enfagrow 1,8 kg. Mua sữa Meiji, khách sẽ được tham gia chương trình tích điểm đổi quà là xe đạp lắc, gối ôm...
Tuy nhiên, sữa bán tại các đại lý và siêu thị ở Hà Nội đang rục rịch tăng giá, 5.000-10.000 đồng một hộp (sữa nội) hoặc tới vài chục nghìn đồng (sữa ngoại). Chị Oanh, phụ trách thu mua sữa ở siêu thị Hapro cho biết, Vinamilk đã gửi báo giá mới để áp dụng từ đầu tháng 12, tăng từ 5 đến 10% so với trước. Siêu thị Big C cũng đã nhận được thông báo tăng giá từ các hãng sữa ngoại.
Chị Võ Thúy An, phụ trách kinh doanh của hãng Dumex, cho biết từ đầu tháng 7 đến giờ chưa điều chỉnh giá lần nào. Tuy nhiên, một độc giả của VnExpress.net phản ánh, anh mua sữa hộp Dugro Gold 3 loại 1,6 kg của Dumex cách đây khoảng 6 tháng có giá 420.000 đồng. Sau một thời gian cũng với giá tiền đó chỉ mua được một hộp có trọng lượng 1,5 kg với thành phần tương tự. Từ tháng 12, cũng hộp sữa trọng lượng 1,5 kg, anh lại phải trả thêm 10.000 đồng.
Giải thích việc tăng giá này với đại diện siêu thị Hapro, đại diện của Vinamilk cho biết nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng. Còn một hãng sữa ngoại giải thích với Big C rằng họ phải chi một khoản tiền không nhỏ cho các xét nghiệm, nghiên cứu kiểm soát chất lượng chặt chẽ sau cơn bão melamine. Một số hãng viện dẫn nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm không dính melamine cũng là lý do khiến các hãng sữa "sạch" tăng giá bán.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Châu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Hanco, cho biết, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu đang giảm 1.000 USD mỗi tấn. Theo anh Như Tám, người thu mua sữa nguyên liệu ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, giá thu mua của Vinamilk thời gian vừa rồi không tăng lên cũng không giảm đi.
Thậm chí giá sữa tươi do Hanoimilk thu mua giảm tới 30% vì hãng đang gặp khó khăn về đầu ra. Đầu tháng 10, nhà máy mua sữa với giá 8.000 đồng một cân, nhưng từ ngày 15/11 chỉ còn 6.000 đồng. Hiện ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, nông dân đang điêu đứng vì có tới 50% lượng sữa tươi không biết bán cho ai.
Có một hình thức tăng giá khác mà nhiều hãng sữa thường áp dụng, đó là liên tục thay đổi mẫu mã bao bì, thêm một vài thành phần và quảng cáo đó là sản phẩm vượt trội. Tại siêu thị Sao Hà Nội, sữa Nan pro của Nestle bổ sung probiotic, đắt hơn sữa Nan thường tới 40.000 đồng. Theo giải thích của hãng, probiotic giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho đường tiêu hóa.
Tại một đại lý ở Hàng Buồm, sữa Pediasure cho trẻ trên 1 tuổi loại 900 gr, dòng mới bổ sung thêm một số vi sinh. Loại này đắt hơn sữa cũ cùng trọng lượng tới 19.000 đồng.
Theo chị Mai ở Mỹ Đình, người thường xuyên phải mua sữa cho con, mỗi cửa hàng bán một giá khác nhau, nhiều khi chỉ đầu đường với cuối đường mà chênh tới vài nghìn một hộp. Một hộp sữa ngoại chị mua ở Viện Dinh dưỡng có thể rẻ hơn ở các cửa hàng khác đến cả chục nghìn.
Chị Võ Thúy An ở hãng Dumex cho biết hãng không điều chỉnh tăng giá nhưng cũng không thể kiểm soát được các đại lý bán với giá như thế nào.
Thanh Bình
(VnExpress)