Ngân hàng 'vét' vốn bằng khuyến mại

Ngân hàng Doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) vừa tung ra chương trình tặng quà cho khách gửi tiết kiệm với tổng giá trị 3 tỷ đồng. Giải thưởng cho khách hàng gửi tiền bằng VND và USD tại nhà băng này có thể lên tới 2 kg vàng.

VPBank cũng áp dụng kỳ hạn ngắn để huy động tiền tiết kiệm từ người dân. Kỳ hạn gửi tiết kiệm có thể được rút xuống 1-3 tuần, với lãi suất dao động 10-10,5% mỗi năm. Theo lãnh đạo nhà băng này, kỳ hạn "siêu ngắn" là để khách hàng sử dụng nguồn vốn linh hoạt trong khi vẫn được hưởng lãi suất cao.

Ngân hàng Quốc tế (VIBBank) thì cung cấp hình thức gửi tiền trên tài khoản E-savings. Theo đó, số dư tài khoản được kết nối chuyển tiền tự động hai chiều với tài khoản tiền gửi thanh toán, nên khách hàng vừa có thể thanh toán bình thường, vừa hưởng mức lãi suất bậc thang trên số tiền gửi. Những người sử dụng dịch vụ này cũng không bị giới hạn về số dư tài khoản và thời gian gửi.  

Huy động vốn của các nhà băng hiện rất hạn chế, trong khi nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng không sẵn. 
Ảnh: Hoàng Hà.   

Ngân hàng An Bình (ABBank) cho hay sẽ tặng thưởng tiền tỷ cho khách hàng gửi tiết kiệm. Khách hàng gửi 1 triệu đồng cũng có thể trúng thưởng 1 tỷ đồng. Một loạt nhà băng khác, như Eximbank, OceanBank, Techcombank cũng đều có các hình thức khuyến mại.

Khác với tình trạng thiếu thanh khoản cục bộ ở các ngân hàng vào thời điểm cuối tháng 2 vừa qua, hiện tình hình hạn chế tiền đồng đang phổ biến ở các nhà băng.  

Ông Bùi Tín Nghị, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cho hay, lượng vốn huy động từ dân cư tại hầu hết nhà băng đều rất hạn chế, do người dân nhìn vào tỷ lệ lạm phát cao và nguy cơ lãi suất thực âm. Vì thế, theo ông Nghị, gửi tiền vào ngân hàng không còn là một kênh hấp dẫn đối với người có tiền nhàn rỗi.

Để giữ chân những khách hàng lớn, một số ngân hàng tiếp tục áp dụng lãi suất thỏa thuận. Một nhà đầu tư chứng khoán cho hay, anh kịp thu hồi vốn về từ thị trường chứng khoán và đang gửi 1 tỷ đồng trong một ngân hàng thương mại với lãi suất 13% mỗi năm. 

Lãi suất đầu ra tại các ngân hàng hiện cũng đang phổ biến ở trên 20% mỗi năm. Lãnh đạo một nhà băng cho hay, nhiều khách hàng quen đã ngừng vay vốn tại đây, do mức lãi suất cao ngất ngưởng. Chỉ trừ một vài doanh nghiệp cần vốn một cách cấp bách mới cắn răng chấp nhận lãi suất trên 20%, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Song không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cho vay. Hiện nhân viên của nhiều ngân hàng đã ngừng nhận hồ sơ vay vốn, dù nhà băng không chính thức công bố ngừng. Các nhà băng này chưa cạn vốn, song phải cho vay theo kiểu "ăn dè", đề phòng trường hợp thiếu thanh khoản.  

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong quý I, huy động vốn của các nhà băng tăng 4,14%, trong khi tín dụng tăng 11,3%. Theo VNBA, tăng trưởng tín dụng lớn hơn tăng trưởng nguồn vốn khiến nhiều ngân hàng thương mại gặp khó khăn.

Trong khi đó, các nhà băng thiếu vốn cũng không thể trông chờ vào nguồn vốn vay trên thị trường liên ngân hàng, bởi lãi luôn ở mức cao. Một nguồn tin cho hay, hiện chỉ còn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có vốn khả dụng để cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Những ngân hàng trước đây cung cấp vốn nay cũng hết nguồn, bởi Ngân hàng Nhà nước đang rút 52.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng về.

Ông Bùi Tín Nghị nhận xét, các nhà băng đều hạn chế thanh toán khiến hoạt động của thị trường ngân hàng trở nên ngưng trệ. Mới đây các thành viên của VNBA đã đồng thuận đưa lãi suất tiền đồng trở lại 12%, song theo ông Nghị, mức lãi suất này hầu như vẫn chưa giúp các ngân hàng cải thiện tình hình huy động vốn.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10354
Số người truy cập:
4773826