Nga có thể từng suýt bắn hạ trinh sát cơ Anh gần Ukraine

 "Vụ suýt bắn hạ RJ của Anh" xảy ra ngày 29/9/2022 ở ngoài khơi bán đảo Crimea, theo một tài liệu quân sự Mỹ bị rò rỉ trên mạng gần đây. RJ là viết tắt của "Rivet Joint", biệt danh của dòng trinh sát cơ RC-135 chuyên thu thập thông tin qua sóng vô tuyến và các thông điệp điện tử khác.

Tài liệu được dán nhãn "SECRET/NOFORN", nghĩa là cấp phân loại "mật" và không được chia sẻ với công dân nước ngoài. Tuy nhiên, nó bị công bố cùng hàng loạt thông tin tình báo của Mỹ bị tung lên mạng gần đây, khiến Bộ Tư pháp phải mở cuộc điều tra.

Theo đó, chiếc RC-135 đang thực hiện nhiệm vụ ngoài khơi bán đảo Crimea ngày 29/10/2022 thì bị tiêm kích Su-27 Nga áp sát. Chiến đấu cơ Nga sau đó phóng một quả tên lửa và "suýt bắn hạ" phi cơ do thám Anh. Việc Nga bắn hạ một máy bay quân sự Anh có thể khiến NATO can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.

Tiêm kích Su-27 Nga xuất phát làm nhiệm vụ hồi năm 2018. Ảnh: Russian Planes.

Tài liệu còn liệt kê chi tiết các chuyến bay giám sát trên Biển Đen từ ngày 29/9/2022 đến ngày 26/2. Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014 và đây là nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen.

Một bản đồ đính kèm cho thấy ranh giới được các nước phương Tây thiết lập trên Biển Đen để đánh dấu khu vực phi cơ giám sát có thể hoạt động, dường như là ngoài 12 hải lý từ Crimea, theo luật quốc tế. Bản đồ còn có một đường thứ hai cách bờ 50 hải lý với mô tả cho thấy dường như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh cho phi công Mỹ không tới quá gần Crimea.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace từng đề cập tới sự việc tại Hạ viện hồi tháng 10/2022, nói rằng hai chiến đấu cơ Nga Su-27 đã chặn chiếc RC-135 trong không phận quốc tế trên Biển Đen. Một tiêm kích Nga bay "liều lĩnh", áp sát cách RC-135 chỉ hơn 4,5 m.

Một chiến đấu cơ Nga đã "phóng tên lửa", ông Wallace nói, nhưng không mô tả sự việc là "suýt bắn hạ" mà cho rằng tên lửa khai hỏa do "trục trặc kỹ thuật" của Su-27 và ông đã trao đổi với giới chức quốc phòng Nga.

Giới chức quốc phòng Mỹ và đại sứ quán Anh ở Washington từ chối bình luận về nội dung tài liệu bị rò rỉ. Đại sứ quán Nga tại Mỹ chưa đưa ra bình luận.

Sự việc cho thấy giới chức quân sự phương Tây đã tìm cách duy trì sự cân bằng giữa thu thập thông tin về cuộc chiến để hỗ trợ Ukraine với tránh bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga. Giới chức Nga mô tả NATO là bên gây hấn, trong khi Mỹ và đồng minh tuyên bố ủng hộ Ukraine nhưng không gây chiến với Nga.

Loạt tài liệu về bí mật an ninh quốc gia Mỹ, liên quan đến Trung Quốc, Ukraine và Trung Đông, bị rò rỉ trên mạng gần đây có thể cung cấp nhiều manh mối cho quân đội và tình báo Nga do chứa nhiều thông tin mà Mỹ chưa từng công bố, theo giới quan sát.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc ngày 6/4 nói cơ quan này "đã biết về các bài đăng trên mạng xã hội và đang điều tra vấn đề", sau khi được đề nghị bình luận về vụ rò rỉ.

Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Như Tâm (Theo Washington Post)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25939
Số người truy cập:
4795435