Nên ăn gì để tăng cường sức đề kháng mùa dịch?

 Người dân đang rất hoang mang về thông tin virus Corona lây truyền nhanh chóng và chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa. Bên cạnh việc đeo khẩu trang, tránh chỗ đông người, rửa tay thường xuyên hay sát khuẩn họng thì việc nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm được xem là “vũ khí” hữu hiệu nhất giúp bảo vệ bản thân giữa tâm dịch. Vậy ăn gì để tăng sức đề kháng? Cùng tìm hiểu nhé!

Ăn gì để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và phòng ngừa virus?

Được xem là hệ thống “quốc phòng” của cơ thể, hệ miễn dịch đóng vai trò then chốt giúp chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Những ai có sức đề kháng tốt, thể chất khỏe mạnh, tất nhiên sẽ khó mắc bệnh hơn. Nếu không may mắc phải cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn, khả năng hồi phục từ đó cũng nhanh hơn. Nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị như Corona. Và yếu tố cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch chính là bổ sung các loại thực phẩm thông qua khẩu phần ăn hàng ngày. Vậy chúng ta nên ăn gì để tăng sức đề kháng?

Bổ sung các loại Vitamin thiết yếu

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Để tăng cường sức đề kháng người dân cần bổ sung đủ vitamin D, A và C. Theo đó, bổ sung vitamin A bằng cách uống vitamin A theo định kỳ, hoặc ăn thêm cà rốt, bí đỏ, cà rốt. Đối với vitamin C có nhiều trong rau, củ, quả, đặc biệt là những loại quả như ổi, cam, kiwi,.. Bổ sung vitamin D từ việc phơi nắng hoặc từ thuốc theo yêu cầu. Ngoài ra, hiện nay người dân nên có chế độ ăn, ngủ sao cho hợp lý, bổ sung đầy đủ nước”. (Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo để tăng sức đề kháng, mọi người cần ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C. TS BS Hưng nhấn mạnh: “Vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, chúng có vai trò rất quan trọng với cơ thể. Đặc biệt là trẻ em, vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Chính vì vậy, nên chú ý đến các thực phẩm giàu vitamin A, nhất là giai đoạn dịch này”. (Nguồn: Báo Đời sống Việt Nam)

Một số loại trái cây và thực phẩm cung cấp các loại vitamin thiết yếu phải kể đến:

  • Trái cây họ cam, quýt: Thông thường, khi cảm cúm, cảm lạnh, hầu hết người bệnh đều chọn cách bổ sung vitamin C qua các loại trái cây họ cam, quýt. Đây là việc làm đúng đắn vì vitamin C có khả năng tăng cường bạch cầu, cho hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Bạn nên bổ sung hàng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng đừng lạm dụng quá nhiều vì có thể ảnh hưởng tới dạ dày bạn nhé!
  • Đu đủ: Cũng là một loại trái cây chứa rất nhiều vitamin C, đu đủ còn có chứa papain – một loại enzyme tiêu hóa có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp kali, vitamin B và axit folic – những dưỡng chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.
  • Súp lơ xanh: Thành phần trong súp lơ xanh chứa nhiều vitamin A, C, E và sulforaphane sẽ giúp kích hoạt các yếu tố bảo vệ chống oxy hóa trong cơ thể.
  • Ớt chuông: Cung cấp cho cơ thể một hàm lượng lớn vitamin C và hoạt chất beta carotene – dưỡng chất đặc biệt có khả năng kháng tự nhiên. Đây được coi là “lớp áo giáp” đặc biệt của cơ thể giúp chống lại các nhân gây hại từ bên ngoài, đặc biệt là các virus gây bệnh.
  • Nấm: Chứa axit béo không bão hòa và một lượng lớn chất có thể chuyển hóa thành vitamin D, giúp tăng đề kháng cho cơ thể. Việc ăn nấm thường xuyên giúp kháng virus tự nhiên, phòng bệnh do virus gây ra. Trong nấm còn chứa polysaccharides – một loại hợp chất hỗ trợ hệ miễn dịch. Bạn có thể sử dụng nấm hương, nấm maitake, nấm linh chi để tăng sức đề kháng và phòng chống các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Khoai lang: Đây là nguồn cung cấp vitamin A lý tưởng nhất  – đáp ứng tới 561% giá trị dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể. Vitamin A trong khoai lang sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ da và niêm mạc bên trong hệ tiêu hóa/phổi.
  • Nghệ, gừng, tỏi: Vì nhiều loại virus chẳng hạn như Corona có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, nên việc ăn nghệ, gừng thường xuyên là biện pháp giúp bạn giảm bớt các triệu chứng trong trường hợp bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, thực phẩm dễ tìm trong gian bếp là tỏi, chứa nhiều allicin – hợp chất chống lại các tác nhân gây bệnh, không chỉ tiêu diệt virus mà còn giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi sinh vật khác.

 Thịt bò, thủy hải sản – Vũ khí” bí mật trong cuộc chiến chống dịch bệnh

Trong thịt bò chứa hàm lượng kẽm cao có lợi cho việc phòng chống một số chứng bệnh do virus gây ra. Kẽm hỗ trợ cơ thể tạo ra bạch cầu giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ qua các món ăn từ thịt gà vì nó chứa nhiều chất bổ, vị ngọt, tính ấm, ngăn ngừa tích nước trong người. Các loại thủy hải sản có vỏ như nghêu, cua, sò, hàu, tôm hùm,… rất giàu phốt pho, protein, vitamin A, C, sắt, kẽm… cũng rất có lợi cho sức khỏe.

Mật ong – Nguồn thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể rất tốt

 Một trong những tác dụng phổ biến của mật ong là kháng viêm, giúp giảm nhẹ triệu chứng thường gặp ở vùng họng như viêm họng, đau rát, ngứa họng – những nguyên nhân ban đầu của chứng viêm phổi. Bạn có thể thêm một chút mật ong vào nước chanh, cam, uống vào mỗi sáng để cải thiện hệ miễn dịch cho cơ thể. Cũng đừng quên uống nhiều nước mỗi ngày, bởi khi bị mất nước, cơ thể bạn sẽ không còn khả năng chống bệnh như bình thường.

Ăn gì để tăng sức đề kháng? Nhớ bổ sung các loại hạt

Việc bổ sung kẽm là điều cần thiết bởi nhờ khoáng chất này mà hệ miễn dịch được tăng cường, nhanh chóng đẩy lùi virus gây bệnh. Hạt bí ngô là nguồn thực phẩm chứa lượng kẽm dồi dào, ngoài ra có thể ăn thêm hạt hướng dương, chứa nhiều vitamin E, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt.

Bột yến mạch và sữa chua

Cũng như các loại ngũ cốc khác, bột yến mạch chứa vitamin E dồi dào, đồng thời chứa polyphenol – chất chống oxy hóa rất tốt cho hệ miễn dịch.

 Nếu chưa biết ăn gì để tăng sức đề kháng cho cơ thể thì thực phẩm lên men, điển hình là sữa chua là một gợi ý lý tưởng. Trong sữa chua có chứa men vi sinh có lợi, thúc đẩy các kháng khuẩn trong cơ thể và canxi, vitamin D, kali, các loại protein tốt cho sức khỏe. Bạn nên chọn sữa chua không đường hoặc tự làm sữa chua tại nhà vừa bổ dưỡng lại an toàn, hợp vệ sinh. 

 Một số lưu ý cần biết để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh 

Trên đây, VinID vừa giúp bạn giải đáp câu hỏi nên ăn gì để tăng sức đề kháng? Song song với việc bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn ngày, bạn cần chú ý một số lưu ý dưới đây để virus không có cơ hội xâm nhập cơ thể. 

  • Trước hết cần vệ sinh đường hô hấp (vệ sinh mũi, họng, răng miệng…) sạch sẽ bằng nước muối sinh lý. 
  • Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để góp phần giúp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Việc xông bồ kết, xông các loại tinh dầu cũng rất tốt, giúp diệt virus, vi khuẩn, lại còn tạo hương thơm thiên nhiên cho căn nhà. 
  • Để phòng ngừa virus hiệu quả thì mỗi người cũng cần hình thành thói quen dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa bằng nước sạch dưới vòi nước chảy và chú ý tránh chỗ đông và nên đeo khẩu trang khi ra ngoài. 
  • Nếu không đeo khẩu trang thì tốt nhất đừng nói chuyện với người khác trong phạm vi 2m. Còn đeo khẩu trang thì nói chuyện cách 1m là an toàn.
  • Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.
  • Thường xuyên đi khám định kỳ, rèn luyện thể thao đều đặn. 
  • Nếu đang có triệu chứng như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
38963
Số người truy cập:
8655480