Nấm tràm tươi ít khi nào thấy ở chợ. Vì nấm tràm chỉ có theo mùa và nó mọc sâu trong những rừng tràm. Một số vùng ở Nam bộ, nơi tràm mọc thành rừng, lá và vỏ loài cây này rơi rụng từ mùa trước đã biến thành lớp mùn để nấm tràm phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất như chờ đợi. Sau cơn mưa đầu mùa tưới mát cây cỏ, đất đai, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm bảo vệ nó từ mùa trước.
So với những địa phương khác, huyện đảo Phú Quốc là nơi có nhiều nấm tràm. Có lẽ thổ nhưỡng của đảo ngọc thích hợp cho cây tràm phát triển. Như ở vùng Bến Tràm, phía đông thị trấn Dương Đông, hay men theo cuối đường đất đất đỏ Dương Đông - Cửa Cạn. Từ dãy núi Hàm Ninh, con sông Cửa Cạn chạy qua vùng trũng hình thành nên những rừng tràm mênh mông phía Bắc đảo. Nhánh sông đổ ra phía Tây tại làng chài Cửa Cạn cũng là nơi có rừng tràm. Đây là những nơi có rất nhiều nấm tràm
Như một thói quen nối tiếp từ bao đời nay, sau một, hai cơn mưa đầu mùa, những người sống bằng nghề hái nấm đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch nấm tràm. Họ vào rừng, dạo quanhiều khu vực để xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến nơi nấm đã bung ra khỏi lớp lá và vỏ tràm đang phủ trên mặt đất để thu hoạch. Thường họ đi cả gia đình, có khi cả chục người, cặm cụi hái cả ngày đến khi những chiếc giỏ mang theo đầy ắp mới ra về.
Nhưng đối với dân trên đảo không mưu sinh bằng nghề hái nấm, thì mùa nấm tràm là dịp tổ chức những buổi dã ngoại đầy hấp dẫn. Khi mới bắt đầu, bạn có thể loanh quanh mãi trong rừng cũng chẳng thấy cái nấm nào. Nhưng nếu bạn tìm dưới gốc tràm thế nào cũng sẽ thấy xuất hiện những tai nấm tròn khá tiệp với màu đất. Khi đã quen mắt thì người hái như nhìn đâu cũng thấy nấm. Nấm như có một ma lực thúc đẩy người ta cứ mải mê lần theo dấu nấm đi dần càng lúc càng vào sâu trong rừng. Có khi ngoảnh lại mới thấy hoảng vì chỉ còn riêng mình lẻ loi giữa cây rừng thâm u. Hái một lúc đã trưa, ngả người nằm trên lớp lá rừng thì không còn gì sướng cho bằng. Mùi bông tràm thơm ngát, mùi lá mục, mùi cỏ, mùi nấm,… như hòa quyện dưới tán rừng mát rười rượi.
Rời rừng tràm với bao nấm nặng trĩu, bạn có thể ghé ngang nhà của cư dân sống gần đó, chia lại vài con gà giò và sẵn mượn luôn bếp. Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà trở thành món súp nấm chưa ăn đã thấy thèm. Mọi người cùng tụ vào xé gà chấm muối ớt nhai quên cả nói năng. Nhưng ngon nhất lại là những chén súp nấm nóng hổi. Những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng cảm giác giòn, xốp thật vừa vặn, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẫn cứ lan dần trong vị giác. Húp miếng nước súp ngọt lừ mùi vị của nấm và gà, lúc này vị đắng của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh tao.
Có người không chịu được, nhưng lại có người vì cái vị đắng mà đâm ghiền món nấm tràm. Họ ăn nấm nhưng không uống nước, để sau buổi ăn mới bày thêm bàn trà. Lúc nhâm nhi nước trà, vị đắng đậm của nấm bắt đầu lan ra trong cuống họng, lúc này mới thật sự là tận hưởng hương vị có một không hai của nấm tràm.
Mùa nấm tràm, các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn, cứ 2 ngàn một chén. Mua bao nhiêu chén thì đong bấy nhiêu. Nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông, nhà nào tới mùa cũng có. Nhưng nếu chịu khó một tí, kiếm cá rựa hoặc cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì mới đúng là tuyệt cú mèo. Khi chuẩn bị ăn đập vào nồi nước sôi mấy cái hột vịt như người miền Tây hay ăn chè đậu xanh cho trứng vịt, ăn kiểu này cũng là một gu đặc sắc của món nấm tràm. Nằm ở cực Nam của đất nước, Phú Quốc được tôn vinh là Đảo Ngọc phương Nam. Với biết bao phong cảnh tuyệt đẹp còn nguyên sơ, những đặc sản độc đáo như nước mắm, hồ tiêu,… và nấm tràm là một trong những đặc sản ngon, lạ.