Nam sinh mê trà đạo đỗ đại học top 9 nước Mỹ

 Quân hiện là học sinh lớp 12 Hóa 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nam sinh nhận tin trúng tuyển ngành Kỹ thuật xây dựng, Đại học Johns Hopkins (JHU), xếp thứ 9 ở Mỹ, theo US News, hôm 17/2.

Trước khi có thông báo của JHU, Quân đỗ hai trường khác ở kỳ sớm không ràng buộc (Early Action).

"Đó là niềm vui bất ngờ. Em cố thức đến 3h để chờ kết quả", Quân kể, cho biết đã đánh thức bố mẹ để chia sẻ niềm vui.

Đỗ Minh Quân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề xây dựng. Bố em, một kỹ sư xây dựng, từng tham gia thiết kế kết cấu tòa nhà cao tầng đầu tiên ở TP HCM hồi đầu thập niên 1990. Từ nhỏ, được nghe kể nhiều về công việc này, Quân dần nhen nhóm ý định tìm hiểu cách những cây cầu hay tòa nhà cao tầng được xây dựng.

Xác định du học Mỹ, từ lớp 9, Quân bắt đầu tìm hiểu thông tin và cách làm hồ sơ ứng tuyển. Sau khi thi đỗ vào lớp 10 ở trường Ams, Quân tham gia các câu lạc bộ để chuẩn bị cho hồ sơ ngoại khóa và duy trì điểm số tốt trên lớp.

"Em muốn tiếp tục niềm tự hào của gia đình. Học về ngành xây dựng cũng rất thiết thực khi Việt Nam ngày càng có nhiều công trình quy mô lớn", Quân nói. Johns Hopkins nổi tiếng về đào tạo lĩnh vực sức khỏe, nhưng trường Kỹ thuật của đại học này cũng có thứ hạng cao - top 14, trong bảng xếp hạng ngành của US News.

Nam sinh nhìn nhận bài luận cá nhân dài 650 từ là khó khăn lớn nhất trong quá trình làm hồ sơ. Bài luận vừa phải có sự mới lạ, tính sáng tạo, vừa cần nêu được những đặc trưng khiến bản thân nổi bật hơn ứng viên khác. Sau khi suy nghĩ, Quân quyết định viết về đam mê trà đạo và ý tưởng về dự án nước sạch ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi có những đồi chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi của người Mông.

Quân được một kiến trúc sư dạy về trà đạo nhiều năm qua. Thú vui này giúp Quân rèn luyện sự kiên nhẫn, điềm đạm, khả năng quan sát và lắng nghe.

Trong những chuyến đi cùng thầy lên Suối Giàng để tìm hiểu về chè Shan Tuyết và thực hành trà đạo, Quân thấy nơi đây có thiên nhiên đẹp, vùng trà cổ thụ quý hiếm và bản sắc văn hóa của dân tộc Mông nhưng chưa phát triển được do còn thiếu hệ hệ thống quản lý và cung cấp nước sạch.

Người dân muốn dùng nước để sinh hoạt, sản xuất, phải lên thượng nguồn, dùng ống nhựa dẫn nước về bản. Việc này không đảm bảo an toàn vì áp lực nước đầu nguồn cao dễ làm vỡ ống. Dưới bản, các trường học phải nhờ vào nguồn nước của nhà dân nên đôi khi thiếu nước. Nhiều cơ sở du lịch cần nguồn nước lớn, mà khoan giếng thì lại làm ảnh hưởng tới mạch nước ngầm của người dân.

Từ đó, Quân nảy ra ý tưởng về dự án "Nước sạch Suối Giàng". Trong đó, cậu đề xuất hình thành một hệ thống quản lý khai thác, phân phối, sử dụng nước sạch một cách khoa học và tiết kiệm. Các bể chứa lớn sẽ được xây dựng ở vị trí phù hợp và tìm nguồn nước dẫn về tích trữ. Từ các bể chứa sẽ có những đường ống an toàn phân phối đến nơi cần dùng; đo đếm, thu tiền người dùng theo lượng nước sử dụng. Số thu được sẽ phục vụ việc quản lý, bảo trì hệ thống cung cấp nước sạch này.

Trong bài luận, Quân giải thích sự cần thiết của dự án nhưng chưa thể thực hiện được. Nếu được học ở JHU, có đủ kiến thức chuyên môn và các mối quan hệ để có thể vận động gây quỹ, em sẽ trở lại Suối Giàng.

Ở bài luận phụ, Quân thể hiện sự hiểu biết về chương trình học, đánh giá các môn ở đây sẽ giúp em hiện thực hóa ước mơ. Quân ví dụ môn Phòng chống thiên tai và rủi ro giúp em biết cách thiết kế đường ống, chống chịu được ăn mòn và an toàn với mưa lũ, sạt lở đất; môn Địa chất công trình cho em kiến thức về hoạt động địa chất và giải pháp về kết cấu móng trên địa hình đồi núi...

Theo nam sinh, ngoài bài luận, hội đồng tuyển sinh các trường ở Mỹ còn đánh giá cao năng lực nghiên cứu khoa học. Vì thế, ngay từ năm lớp 10, em đã tham gia một nhóm nghiên cứu khoa học do các giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn. Nhóm sau đó giành giải nhất cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật (ISEF), với đề tài về tăng cường khả năng xử lý nước thải bằng việc cải tiến các chất xúc tác hữu cơ.

Năm lớp 11, Quân tham gia cùng nhóm nghiên cứu của các thầy cô ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng năm này, nhóm của Quân giành huy chương vàng cuộc thi Phát minh sáng chế quốc tế tại Pháp với đề tài liên quan đến chữa bệnh tiểu đường.

Thay vì tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở các lĩnh vực khác nhau, Quân chỉ tập trung ở câu lạc bộ khoa học của trường Ams, nơi em cùng các bạn làm thí nghiệm và tổ chức nhiều triển lãm khoa học.

Thời gian còn lại, em cố gắng duy trì điểm trung bình học tập luôn ở mức từ 9,4 trở lên, thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt 8.0 và SAT 1560/1600 (bài thi chuẩn hóa, dùng xét tuyển đại học ở Mỹ). Quân cũng tự học và thi bốn môn AP (lớp học nâng cao), đạt điểm 5/5 ở môn Hóa học và Kinh tế vĩ mô. Em dự định học thêm ba môn nữa gồm Toán, Lý và Khoa học máy tính, để được miễn một số tín chỉ khi vào đại học.

Quân thực hành pha trà đạo trong chuyến đi Yên Bái năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng hành và định hướng cho Quân trong suốt ba năm, cô Đặng Huyền Trang, giáo viên tiếng Anh ở trường Ams, nhận xét học trò chững chạc, biết mình yêu thích ngành gì từ sớm nên không mất thời gian để chọn ngành học.

"Tính cách sôi nổi và thích khám phá của Quân là yếu tố quan trọng giúp em thực hiện các dự án phù hợp với đam mê cũng như chuyên ngành mà em định theo đuổi", cô Trang nói.

Quân cho hay thời gian tới sẽ cố gắng đạt kết quả học tập tốt nhất có thể tại trường Ams, hoàn tất các thủ tục để sang Mỹ vào tháng 8.

Bình Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
761
Số người truy cập:
4759977