Nam sinh đỗ 16 đại học Mỹ

 Lê Minh Bảo hiện là học sinh lớp 12 trường Tiểu học, THCS và THPT Việt Úc, cơ sở ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Nam sinh nhận tin trúng tuyển ngành Kỹ thuật của Đại học Connecticut với học bổng toàn phần trị giá gần 258.000 USD (6,37 tỷ đồng), hồi cuối tháng 1.

Học bổng chi trả toàn bộ học phí, sách vở, ăn ở, bảo hiểm trong suốt bốn năm học. Ngoài ra, Bảo được cấp thêm 12.000 USD để tham gia các hội thảo, khóa học lãnh đạo.

Trong thư gửi cho Bảo, đại diện tuyển sinh của trường cho biết em là học sinh Việt Nam duy nhất trong số 5 người nhận học bổng năm nay, chọn lọc từ hơn 50.000 hồ sơ trên toàn cầu.

Đại học Connecticut (UCONN) hiện ở vị trí 58 trên bảng xếp hạng đại học Mỹ, cũng trong top 26 trường công lập tốt nhất. Với ngành Kỹ thuật, trường xếp hạng 69, theo US News & World Report.

Ngoài ra, Bảo còn trúng tuyển 15 đại học khác của Mỹ, hầu hết trong top 100. Trong đó, 8 trường cấp học bổng với mức 40.000-105.000 USD cho bốn năm.

Lê Minh Bảo tại thư viện trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ lớp 6, Bảo đã ước mơ du học để khám phá thế giới. Bố của Bảo, một chuyên gia trong ngành điện, đã đưa em tham gia nhiều hội chợ, triển lãm các ngành nghề như kinh tế, giáo dục, kỹ thuật, xây dựng, công nghệ, cơ khí chế tạo, y tế, công nghệ thông tin, năng lượng. Trong một lần tham quan dây chuyền đóng gói bao bì tự động, Bảo thấy tò mò về cơ chế hoạt động của nó. Từ đó, em xác định sẽ theo đuổi ngành Kỹ thuật, chuyên ngành thiết kế và chế tạo máy móc công nghiệp.

Sau khi xác định được ngành, nghề đam mê, Bảo bắt đầu chọn trường. Em muốn đến Mỹ vì cho rằng có nhiều cơ hội để học hỏi và tìm việc ngành Kỹ thuật.

"Em nhắm đến các trường có thứ hạng cao bởi thường có nhiều thành tựu nghiên cứu, cộng đồng sinh viên mạnh. Ngoài ra, phòng nghiên cứu của các trường top đầu có sự liên kết với nhau và được nhiều công ty đến tuyển sinh", Bảo chia sẻ.

Căn cứ vào lực học, nam sinh chọn những trường yêu cầu SAT từ 1450/1600 điểm. Em cũng lọc các thông tin khác như học phí, học bổng, tỷ lệ chấp nhận, địa điểm của trường hay tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp... Cuối cùng, nam sinh rút ngắn danh sách nộp hồ sơ còn 16 trường, chia theo top 30-50, top 50-70, 70-100 và ngoài top 100.

Với sự hỗ trợ của phụ huynh, Bảo lên kế hoạch chi tiết các việc cần làm và mục tiêu cụ thể, từ cuối năm lớp 10 (tháng 5/2022) tới đầu năm lớp 12 (tháng 10/2023).

Về học tập, nam sinh duy trì điểm số A và A* ở tất cả môn học trong chương trình A - Level (chương trình phổ thông quốc tế). Điểm trung bình học tập cả ba năm của Bảo là 9,4, cùng IELTS 7.5 và SAT 1510/1600.

Ngoài học tập, Bảo trải nghiệm nhiều bộ môn thể thao. Từ năm 2019, Bảo chạy bộ thường xuyên, tham gia nhiều giải Marathon ở cự ly 10 và 21 km, chạy gây quỹ từ thiện. Nam sinh còn thành lập nhóm Unstoppable Feet, hiện có 17 học sinh cùng tập luyện.

"Chạy bộ là hoạt động thể chất mang đến nhiều giá trị tinh thần, đó là tính kiên trì hoàn thành mục tiêu", nam sinh 18 tuổi chia sẻ.

Bảo chọn viết bài luận chính về hoạt động thể thao, cụ thể là môn chạy. Tuy nhiên, em nhận ra mình chưa kết nối được với động lực và khát khao theo đuổi ngành kỹ thuật.

Vì thế, Bảo viết lại bài luận, miêu tả về quá trình mà em đã tìm tòi, phát hiện và phát triển niềm đam mê về robot ứng dụng trong ngành công nghiệp. Nam sinh nhìn nhận Robotics là sự kết hợp hoàn hảo giữa cơ khí, công nghệ và lập trình tự động hóa.

Em đã kể về trải nghiệm thực tập tại nhà máy chế tạo máy biến áp truyền tải 110kV ở Nhơn Trạch, Đồng Nai, khi học lớp 11. Mỗi ngày, nam sinh thức dậy từ sớm, ngồi xe hai tiếng để tới nhà máy. Tại đây, Bảo được giới thiệu, quan sát, học hỏi quy trình sản xuất máy biến áp, được kỹ sư của nhà máy hướng dẫn cách đọc bản vẽ thiết kế chế tạo, cách trình bày hồ sơ thiết kế kỹ thuật hay các phần mềm thiết kế...

Ngoài ra, nam sinh tham gia một nhóm nghiên cứu cùng các sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chế tạo robot chạy sa hình. Bảo cũng tham gia thiết kế, chế tạo cánh tay robot ba bậc với sự hướng dẫn của TS Trần Đức Thiện, khoa Điện - Điện tử của trường. Để làm được, Bảo chịu khó học các khóa về phần mềm vẽ kỹ thuật (ACAD, Solid Works) và lập trình chuyển động robot.

Bảo tham gia chế tạo cánh tay robot tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tháng 8/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Có lẽ phẩm chất giúp Bảo có lợi thế tốt nhất để du học là khả năng cân bằng trong cuộc sống, học tập và hoạt động ngoại khóa", Cô Shella Amba, giáo viên Vật lý của Bảo nhận xét.

Cô Nguyễn Thị Kiều Mi, giáo viên chủ nhiệm, cũng đánh giá Bảo phát triển toàn diện từ học tập đến thể thao, hoạt động cộng đồng. Ở trường, nam sinh hòa đồng và rất trách nhiệm với công việc được giao.

"Thành công của Bảo còn có phần quan trọng ở sự đồng hành xuyên suốt của gia đình. Gia đình em chưa bao giờ vắng mặt trong các hoạt động ngoại khóa khuyến khích sự tham gia của phụ huynh", cô Mi đánh giá.

Theo Bảo, xuyên suốt quá trình làm hồ sơ, em không tìm cách đánh bóng mà cố gắng thể hiện đam mê, khả năng tư duy, đạo đức, sức khỏe để biến ước mơ của mình thành hiện thực, giúp cải thiện cuộc sống của những người khác trong cộng đồng.

Từ trải nghiệm của mình, Bảo cho rằng ứng viên cần trả lời được các câu hỏi quan trọng như: lý do chọn ngành, trường; câu chuyện hay sự kiện thể hiện phẩm chất lãnh đạo; tầm nhìn trong 5-10 năm tới; khả năng đóng góp cho trường và xã hội.

Nam sinh sẽ đến Mỹ vào tháng 8, dự kiến theo đuổi ngành Kỹ thuật Cơ khí và Robot tại Đại học Connecticut.

Thoại Giang - Lệ Nguyễn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1893
Số người truy cập:
4762312