Theo nhiều chuyên gia, để chống lạm phát năm 2011 cần có gói hỗ trợ nông dân, những người trực tiếp sản xuất lương thực thực phẩm - Ảnh: T.Đạm |
- Giá cả nhiều mặt hàng như xăng, điện, than... trong năm 2011 gần như chắc chắn sẽ tăng. Lương cũng sẽ tăng. Vì vậy giải quyết vấn đề lạm phát vẫn là bài toán không dễ với các nhà điều hành.
Dù dự đoán năm 2011 tăng trưởng thế giới sẽ giảm so với 2010 nhưng giá hàng hóa nhiều khả năng vẫn tăng, dù không mạnh. Nhiều dự báo của các tổ chức thế giới uy tín cũng cho rằng nếu VN tăng trưởng 7,5% thì rất khó giữ mục tiêu lạm phát thấp.
Điều quan trọng hơn là người dân sẽ nhìn thấy lựa chọn chính sách của Chính phủ. Nếu không sẽ lại tạo vòng xoáy đầu cơ vào vàng, USD để bảo toàn vốn. Và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá (CPI) như 2010.
Dù không nên giảm đột ngột CPI từ gần 12% năm nay xuống mức thấp vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng khi đã xác định ổn định vĩ mô thì phải chấp nhận có khó khăn nào đó. Mức lạm phát tốt cho VN chỉ 4-5%.
* Lạm phát đã trên một con số, theo ông, có nên giãn việc tăng giá điện, than...?
- Theo tôi, việc giảm nghèo là cả một quá trình và khâu quan trọng là không nên để người ta tiến sát đến ngưỡng nghèo. Nên những hỗ trợ vào thời điểm cần thiết không chỉ dừng lại ở một lần, vấn đề là tính hợp lý của nó. Không chính sách nào không có mặt trái, Nhà nước nên có bù đắp cho người nghèo.
Còn giá than, điện... theo tôi, năm tới cần tính đến mức độ tăng thế nào cho hợp lý, không nên tăng quá mạnh. Các biện pháp kỹ thuật như giảm thuế trong bối cảnh khó khăn Chính phủ cũng không nên loại trừ. Song việc trước mắt và lâu dài, quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo tăng trưởng ổn định để tạo việc làm và không đẩy giá tăng.
Ông Trần Du Lịch (ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội): Ưu tiên chống lạm phát hơn tăng trưởng Chống lạm phát không đơn thuần là trị một cơn sốt bằng viên thuốc cảm mà cần có những biện pháp tổng hợp như chính sách tài khóa, tiền tệ, nhập siêu, tỉ giá, chi phí sản xuất, yếu tố tâm lý... Trong đó, phải xác định được nguyên nhân sâu xa, gốc rễ gây ra lạm phát để trị đúng bệnh. Theo tôi, nền kinh tế thị trường không thể áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp. Định hướng chung trong năm 2011 phải là ưu tiên chống lạm phát hơn là ưu tiên tăng trưởng. Chống được lạm phát, ổn định thì mới giữ được tăng trưởng. N.BÌNH ghi |
C.V.KÌNH
_______________________
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia):
Mạnh tay giảm nhập siêu và chi tiêu công
Năm 2010 lạm phát tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong nước và quốc tế, khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, yếu tố bên trong cũng rất lớn. Trong năm 2010, nhập siêu và bội chi ngân sách tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong đó bội chi ngân sách ở mức gần 6% GDP. Từ đó, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô, USD liên tục bị sức ép tăng giá, tạo thêm áp lực lên lạm phát.
Vì vậy để kiểm soát lạm phát, năm 2011 Chính phủ nên xác định nhất quán “ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội” theo hai hướng chính: mạnh mẽ thắt chặt chi tiêu ngân sách và kiểm soát nhập siêu. Đây là vấn đề khó nhưng phải làm. Chỉ có thế mới giảm được những tiềm ẩn rủi ro cho kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin trong dân và nhà đầu tư.
Phải thực hiện phương châm “thắt lưng buộc bụng”, trước mắt giảm chi tiêu ngân sách theo hướng giảm mạnh bội chi ngân sách, giảm ít nhất 50% lượng trái phiếu chính phủ dự kiến phát hành. Điều này không chỉ giảm bớt sức ép lên lạm phát mà còn có thể giúp giảm dần lãi suất. Thời gian qua do trái phiếu chính phủ được phát hành liên tục, thu hút một lượng vốn từ các ngân hàng, chẳng khác nào trái phiếu chính phủ đã cạnh tranh vốn với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Giảm phát hành trái phiếu chính phủ đồng thời xem xét ngừng chi ngân sách cho những công trình chưa cấp bách, chưa cấp thiết (như làm đẹp lòng lề đường, xây trụ sở hành chính...), chỉ ưu tiên cho trường học, bệnh viện. Đồng thời tập trung kiểm tra và khai thác tài sản công đang bị lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả tại các địa phương. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp nhà nước, có thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước chi tiêu thay vì phải vay mượn.
Theo tôi, giảm bội chi và kiểm soát nhập siêu là chìa khóa để giữ lạm phát năm 2011 ở mức 7% như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.
T.SƠN ghi
TS Vũ Đình Ánh (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính):
Đừng để rơi vào bị động
Hiện nay Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách, biện pháp bình ổn giá để kiềm chế lạm phát, nhưng theo tôi, đây là bài toán nhân quả của câu chuyện lạm phát và biến động giá.
Ngay khi các chương trình bình ổn giá kết thúc trong quý 1-2011 sẽ có hai trường hợp. Nếu tình hình giá cả chung cả thế giới cũng như của VN dịu lại theo quy luật thông thường qua mùa cao điểm tiêu dùng, giá dầu thô giảm thì thị trường sẽ không có biến động gì. Tuy nhiên nếu chỉ số lạm phát tái lập kịch bản 2010 hay xấu hơn năm 2008, kể cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, bài học gần nhất chúng ta có thể áp dụng để kiềm chế những tháng đầu năm 2011:
Thứ nhất là câu chuyện kiểm soát tiền đồng, cần kiên quyết giữ ổn định trong cả năm, tập trung vào mục tiêu cụ thể. Như trong năm 2010, từ tháng 4 khi có dấu hiệu suy giảm chúng ta bắt đầu nới lỏng tài chính, tiền tệ dẫn đến tháng 8-2010 lạm phát bất ngờ quay trở lại. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực áp dụng các biện pháp kiềm chế tăng giá, nhưng diễn biến giá cả và lạm phát từ tháng 9 đến nay vẫn tiếp tục tăng cao. Bài học ở đây là đừng để lạm phát bùng lên, kể cả do yếu tố chủ quan, khách quan và cả tâm lý mới áp dụng các biện pháp tình thế, vì như vậy hiệu quả đem lại rất hạn chế.
Thứ hai, các biện pháp bình ổn giá chỉ mang tính tình thế, bản thân các nguồn lực để kiểm soát thị trường còn mỏng, không thể kiểm soát hết thị trường. Do vậy, tốt nhất là cần ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung chống lạm phát bằng công cụ kinh tế theo đúng quy luật chứ không chỉ bình ổn giá.
Trong năm qua giá cả thực phẩm tăng khá cao nhưng người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi. Thậm chí khi giá tăng nông dân còn bị thiệt do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Đây là câu chuyện liên quan đến chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ không đơn thuần được mùa mất giá, hay giá tăng nhưng người sản xuất vẫn không mặn mà.
N.BÌNH ghi