Theo ông Kenneth Rogoff, vốn là chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF), thời gian tới Mỹ sẽ cần đến 1.500 tỷ USD để hỗ trợ và tiếp quản các định chế tài chính, bởi hoạt động của các tổ chức này đã trở nên mong manh trước cơn bão tài chính.
Trước đó, chỉ trong vòng nửa tháng, Bộ Tài chính Mỹ phải chi 285 tỷ USD để tiếp quản Freddie Mac và Fannie Mae, rồi AIG, nhưng cuối cùng đành để ngân hàng 158 năm tuổi Lehman Brothers phá sản.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu Mỹ là một nền kinh tế mới nổi, thì tỷ giá hối đoái của đồng đôla đã tuột dốc không phanh và lãi suất của các khoản vay của Chính phủ Mỹ sẽ tăng vọt.
Lý do duy nhất giữ cho đồng bạc xanh vẫn tăng giá so với euro và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng do Bộ Tài chính phát hành vẫn ở mức thấp là Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế thế giới. "Có vẻ như kinh tế Mỹ càng rối ren, các nước khác lại càng lo lắng và o bế cho nó", ông Rogoff.
Mới đây, Giám đốc IMF - ông Dominique Strauss-Kahn đưa ra lời cảnh bảo, khủng hoảng tài chính đang làm rung chuyển nước Mỹ cũng như thị trường toàn cầu và có thể mang lại nhiều rủi ro cho tăng trưởng thế giới.
"Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2008 có thể sụt xuống còn khoảng 4%, chủ yếu do sự đi xuống của các nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật và cũng như tại các nền kinh tế mới nổi", ông Strauss-Kahn nói.
Cuối tuần trước, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ là Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản lên Bộ Tài chính, cùng lúc với việc Merrill Lynch được bán lại cho Bank of America, và Chính phủ Mỹ phải chi ra 85 tỷ USD để cứu hãng bảo hiểm AIG.
Những diễn biến này hoàn toàn dập tắt hy vọng thoát khỏi khủng hoảng tài chính sau khi Chính phủ Mỹ bỏ ra 200 tỷ USD để tiếp quản 2 hãng cho vay thế chấp lớn nhất nước này là Freddie Mac và Fannie Mae.
"Tốc độ và quy mô của những sự kiện này đã tăng thêm mức độ nghiêm trọng của những sự bất ổn trog ngắn hạn và những sức ép trên thị trường tài chính vẫn chưa thể được xóa bỏ”, Tổng giám đốc IMF nhận định.
Theo ông Kenneth Rogoff, cuộc khủng hoảng không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ có sẽ không kéo dài, nếu họ nhìn vào những rối ren mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trải qua. Vì thế, đồng đôla chưa chắc giữ được giá khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm.
Theo VnExpress