Dưới đây là một số đặc sản nổi tiếng và nhà hàng do Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh và Lê Hải, Phó chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên Du lịch tỉnh Phú Thọ, gợi ý. Các nhà hàng nằm trong danh sách gợi ý đều nằm tại khu di tích Lịch sử đền Hùng hoặc TP Việt Trì, cách đó 7 km để khách tiện di chuyển.
Cá lăng
Cá lăng Việt Trì là một trong những niềm tự hào về ẩm thực của người dân địa phương. Thịt cá chắc, ngọt, ít xương nên trước đây thường được dùng để tiến vua. Các món ăn từ cá lăng gồm trộn hành tím, nướng riềng mẻ, nướng lá lốt, lẩu măng chua, hấp xì dầu.
Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức món cá kho ăn cùng cơm nóng. Trám om kho cá là món ăn được chọn vào Top món ăn đặc sản Việt Nam (2021 – 2022), theo công bố từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Địa chỉ: nhà hàng cá lăng sông Đà Việt Trì, Long Gia Quán, quán cá Hạc Trì - nhà hàng Tiến Hưng, nhà hàng Hoa Cau - quán cá sông Việt Trì.
Dê núi đá
Nhắc đến dê núi, nhiều thực khách sẽ nghĩ nay đến Ninh Bình - một trong những địa phương nổi tiếng với món ngon chế biến từ dê. Nhưng dê núi Thanh Thủy ở Phú Thọ cũng là một đặc sản nổi tiếng nhờ thịt thơm, ngọt. Các món ăn từ dê gồm xào xả ớt, lẩu, hầm, nướng tảng, tái chanh.
Địa chỉ: nhà hàng dê Thanh Sơn, Cội Nguồn, Phú Thành, Sen Vàng.
Gà nhiều cựa
Gà nhiều cựa hay gà chín cựa như truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh hoàn toàn có thật. Giống gà này được người Dao Tiền tại vùng lõi vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi dưỡng, phát triển. Chúng còn được gọi với tên khác là gà Chúa.
Gà nhiều cựa khi trưởng thành nặng khoảng 1,5-1,8 kg, mào đỏ tươi và sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, thịt rắn chắc. Các món ăn được người Phú Thọ yêu thích từ gà nhiều cựa là hấp lá chang, ướp mật ong rừng và các loại lá cây gia vị rồi nướng trên bếp than.
Địa chỉ: nhà hàng Xuân Thuyết, Lang Liêu, Gia Hoàng, Phố Việt, A Thảo gà cựa (TP Việt Trì), nhà hàng Cổ Tích (trong khuôn viên Khu Di tích Lịch sử đền Hùng).
Bánh chưng, bánh giầy
Nguyên liệu chính làm bánh giầy là gạo nếp cái hoa vàng, giã đều tay rồi nặn thành những chiếc bánh hình tròn. Nhân bánh làm từ đỗ xanh đã được đãi sạch vỏ, đồ chín, giã nhuyễn. Khi bánh chín sẽ có màu trắng, dẻo, thơm và được đặt trong những miếng lá chuối màu xanh, ăn có vị ngọt.
Bánh chưng Cát Trù làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong. Nhưng điều làm nên sự khác biệt là khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói. Người Cát Trù có biệt tài gói bánh không cần khuôn nhưng chiếc nào chiếc nấy vuông vắn và đều.
Địa chỉ: Hai địa danh được nhắc đến nhiều nhất là xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê và làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc thành phố Việt Trì. Đây là những nơi thường được chọn làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên vua Hùng dịp giỗ Tổ hàng năm.
Ngoài ra, thực khách cũng có thể ghé nhà hàng Quang Long chuyên đặc sản thắng cố, nhà hàng Biển Nắng hoặc San Hô chuyên hải sản.
Du khách đến đền Hùng dịp giỗ Tổ cũng có thể ăn nhẹ các món như bánh sắn (nhân mặn hoặc ngọt), bánh nẳng chấm mật mía, bánh tai (vỏ bánh làm từ gạo tẻ nhân thịt), cơm nắm lá cọ, cơm lam, thịt chua, bánh tẻ, xôi ngũ sắc. Các quầy hàng tại Khu di tích đền Hùng đang diễn ra liên hoan văn hóa ẩm thực đất Tổ, với hơn 70 gian hàng hàng bày bán đặc sản địa phương.
Phương Anh