Lý do TP HCM muốn cấm xe giường nằm vào nội đô

 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa kiến nghị cấm ôtô giường nằm vào nội đô trong 24/24h thay vì 6-22h như trước. Khu vực cấm xe vẫn như cũ, giới hạn bởi các tuyến: quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1. Xe được chạy bình thường trên các tuyến vành đai và ra vào bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), Miền Tây (Bình Tân), theo lộ trình cụ thể.

Ông Nguyễn Kiên Giang, Phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT thành phố, cho biết đề xuất tăng thời gian cấm xe giường nằm vào nội đô được Sở đưa ra sau khi đánh giá hiệu quả hơn 4 tháng cấm theo khung giờ.

Theo đó, quy định này đã giúp tình hình giao thông ở trung tâm thành phố ổn định hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà xe đã đối phó bằng cách cho ôtô dừng đón trả khách ở các tuyến vành đai, hoặc vào các bãi đỗ tự phát để chờ hết giờ cấm, gây mất trật tự ở các khu vực này. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn lập các bến cóc và dùng ôtô ghế ngồi đón khách về để tập kết càng gây lộn xộn. Sau khung giờ cấm, nhiều xe đổ dồn vào trung tâm để đón khách cũng dễ gây ùn tắc, tai nạn.

Vành đai cấm xe giường nằm vào nội đô. Đồ hoạ: Hoàng Dũng

"Việc cấm hoàn toàn xe giường nằm vào nội đô cũng nằm trong định hướng giảm ùn tắc ở khu trung tâm", ông Giang nói, cho rằng xe giường nằm vốn có kích thước lớn nhưng số chỗ lại ít hơn ghế ngồi, tức khả năng chuyên chở ít và chạy lòng vòng ở nội đô gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông khu nội thành.

Cũng theo đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố, thực tế các doanh nghiệp đầu tư xe giường nằm chạy hợp đồng rất ít, đa phần đăng ký kinh doanh theo dạng này nhưng lại như tuyến cố định. Do vậy, các giải pháp ngành giao thông hướng tới là dần đưa hoạt động của loại hình nào vào quy củ.

"Đề xuất tăng thời gian cấm xe giường nằm vào khu nội thành mới ở bước lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Tùy lĩnh vực, sẽ có đánh giá cụ thể mức tác động để triển khai đồng bộ", ông Giang nói và cho biết việc trung chuyển cũng được tính toán phù hợp để thuận lợi cho khách.

Ủng hộ chủ trương cấm xe giường nằm vào nội đô, song Phó giám đốc bến xe Miền Tây Trần Văn Phương, cho rằng nếu áp dụng thành phố cần có giải pháp tổ chức phù hợp cho loại xe này đến các bãi để dừng đậu trước khi vào bến đón khách. Bởi ôtô giường nằm từ nơi khác tới bến trả khách sẽ không quay ngược về ngay mà cần thời gian lưu đậu rồi đón lượt khách mới để quay đầu đi tỉnh, thành khác.

Xe giường nằm xếp hàng đón khách trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, cuối năm 2022. Ảnh: Gia Minh

Khi chưa cấm 24/24h, doanh nghiệp vận tải có thể đưa xe giường nằm đến bãi của họ hoặc các địa điểm thuê trong khu nội đô để dừng chờ. Còn khi cấm toàn thời gian, loại xe này chỉ có thể đậu lại bến nên với số lượng hàng nghìn xe sẽ không đủ diện tích chứa. "Giữa xe chở khách với ôtô chạy rỗng ra vào bãi đậu dễ phân biệt nên cần phương án tổ chức giao thông phù hợp nếu áp dụng cấm ôtô giường nằm vào nội đô", ông Phương nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện một hãng xe lớn ở thành phố cũng ủng hộ kế hoạch cấm ôtô giường nằm vào nội đô 24/24h, bởi hạn chế theo khung giờ chưa giải quyết các tồn tại liên quan việc đón, trả khách trái phép ở khu trung tâm. Hơn 4 tháng qua, khi áp dụng cấm theo khung giờ, ngoài dừng đỗ hoặc thuê bãi đậu ở các tuyến vành đai, một số nhà xe đã chuyển hẳn sang hoạt động sau 22h để đối phó.

"Nhiều xe giường nằm chạy hợp đồng, du lịch song thực tế điểm đón trả khách như những tuyến cố định", đại diện doanh nghiệp này nói và cho rằng việc này không chỉ không công bằng với doanh nghiệp trong bến mà còn làm thành phố thất thu nguồn thuế rất lớn.

Xe đón khách dọc đường trước Bến xe Miền Đông mới, TP Thủ Đức, tháng 4/2022. Ảnh: Hạ Giang

Trong khi đó, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP HCM, cho rằng thành phố muốn tăng thời gian cấm ôtô giường nằm lên 24/24h trong bối cảnh hiện nay là chưa hợp lý. Nguyên nhân là hoạt động vận tải hành khách chưa phục hồi sau dịch. Mặt khác, các chủ xe, doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng đăng kiểm, nên việc siết chặt thêm hoạt động trong thời điểm này càng đẩy họ vào thế khó. Việc này cũng ảnh hưởng đi lại của nhiều hành khách.

Cũng theo ông Tính, việc cấm xe giường nằm 24/24h cần có những dẫn chứng cụ thể hơn về tính cần thiết. Nếu vì lý do hạn chế "xe dù, bến cóc", theo ông là chưa thuyết phục bởi các quy định hiện rất chặt chẽ, cụ thể. Đơn cử, điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng phải có danh sách người đi; xe gắn GPS, camera; trước khi xuất phát phải thông báo Sở Giao thông Vận tải kiểm tra...

Quan điểm trên cũng được ông Đào Ngọc Tuấn, đại diện nhà xe Tuấn Duyên, tuyến TP HCM - Hà Nội, đồng thuận. Ông cho hay đầu năm nay, mới mua thêm bốn ôtô 7 chỗ để trung chuyển khách từ khu trung tâm đến nơi đậu xe giường nằm trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, rồi hành trình ra Bắc. Nếu ôtô giường nằm bị cấm 24/24h, xe trung chuyển khách từ trung tâm TP HCM phải chạy quãng đường 23 km đến bến Miền Đông mới.

"Để lấp đầy 38 chỗ, xe phải đi 6 chuyến, tốn nhiều thời gian cũng như ảnh hưởng nhu cầu đi lại của khách", ông nói và cho rằng thành phố nên tiếp tục quy định cấm theo khung giờ như hiện nay, vì sau 22h đường đã vắng, chỉ những khách thực sự có nhu cầu đi mới đón xe thời điểm này.

Gia Minh - Đình Văn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1303
Số người truy cập:
4760561