Lương trăm triệu cho chuyên gia - cần nhưng chưa đủ

 Giám đốc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM Lê Hoài Quốc cho rằng ngoài lương, thì các điều kiện nghiên cứu, áp dụng và khả năng kết nối các nhà khoa học là những điều rất quan trọng để thu hút chuyên gia, tạo đột phá. Ông trao đổi chi tiết hơn về quan điểm này trong cuộc phỏng vấn của VnExpress.

- Vì sao Khu Công nghệ cao TP HCM tham gia thí điểm trả lương tối đa 150 triệu đồng/tháng cho các nhà khoa học về công tác tại đây?

- Từ vài năm trước, chúng tôi nhận thấy muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thì cần có đột phá về cơ chế đãi ngộ các chuyên gia hàng đầu. Ban quản lý khu Công nghệ cao từng gửi kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân TP HCM về mức lương "vượt khung" dành cho một số chuyên gia cộng tác. Mức lương này thực tế từng được áp dụng thí điểm tại khu Công nghệ cao và một số trung tâm, viện khoa học công nghệ của thành phố.

Về Quyết định thí điểm trả lương cho chuyên gia tối đa 150 đồng/tháng tại 4 đơn vị, do UBND ký hồi tháng 11 năm ngoái, chúng tôi đã tham gia đề xuất cơ chế từ năm 2012. Để đưa ra mức lương vượt khung, chúng tôi phải xem xét các quy định hiện hành về lương, hợp đồng, thu nhập và từ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các công trình khoa học công nghệ chung trên cả nước. Chúng tôi tin rằng với chính sách này, các chuyên gia khoa học công nghệ tại khu Công nghệ cao sẽ tăng nhanh về số lượng, cả về chuyên gia trong và ngoài nước.

- Ông kỳ vọng sẽ thu hút được bao nhiêu nhà khoa học vào khu Công nghệ cao và đạt được kết quả gì trong thời gian tới?

- Chúng tôi phải lập kế hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch phát triển của Khu Công nghệ cao, tăng nguồn nhân lực trình độ cao theo sát sự phát triển của các ngành, lĩnh vực đang được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ươm tạo công nghệ... Chúng tôi dự kiến thu hút khoảng 50 chuyên gia làm việc ở Khu Công nghệ cao trong 5 năm tới đây. Tôi cho rằng khi triển khai chính sách này không phải là "cố thu hút cho đông" mà phải xác định rõ công việc và công trình, sản phẩm dự kiến. Chúng tôi cũng đang xem xét trình UBND về thí điểm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao thu hút chuyên gia tham gia các dự án làm chủ công nghệ nguồn hoặc có bí quyết sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

- Cơ chế đánh giá, sát hạch chuyên gia như thế nào, để đề ra mức thù lao xứng đáng?

- Với các chuyên gia khoa học công nghệ đầu ngành thì việc sát hạch là không cần thiết. Khu Công nghệ cao hiện nay có sự cộng tác của Giáo sư Đặng Lương Mô, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, Giáo sư Munir Nayfeh, Đại học Illinois (UIUC) là chuyên gia hàng đầu về công nghệ nano. Tiến sĩ Iftifikar Gul là chuyên gia sản xuất linh kiện điện tử công suất. Các nhà khoa học này đã tạo nên sự đột phá trong phát triển các lĩnh vực tại Khu Công nghệ cao thời gian gần đây.

Thời gian tới, Ban quản lý Khu Công nghệ cao muốn ưu tiên các chuyên gia trẻ, đặc biệt là những người có kinh nghiệm tại các nước tiên tiến. Tôi cho rằng cần tổ chức hội đồng khoa học để xem xét, phân công công tác cho từng người, phù hợp với sở trường của họ.

- Khu Công nghệ cao dùng nguồn tài chính nào để chi trả lương cao cho các nhà nghiên cứu?

- Trong giai đoạn đầu, từ một đến hai năm, khoản chi dành cho các chuyên gia làm việc tại các đơn vị công lập tại Khu Công nghệ cao là từ ngân sách của TP HCM. Sau đó khi họ hoàn thành hợp đồng công trình, dự án tiến triển tốt thì đơn vị sử dụng phải chuyển sang chế độ tự chủ tài chính để chi trả lương cho các chuyên gia.

- Người dân, những người đóng thuế, được hưởng lợi gì từ quyết định trả lương cao này?

- Chúng tôi, cùng ba đơn vị thí điểm, khi sử dụng các chuyên gia đầu ngành buộc phải có các dự án nghiên cứu cụ thể, gắn với mục tiêu có sản phẩm cụ thể, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc sử dụng chuyên gia cũng phải gắn với kế hoạch đào tạo nhân lực cho phát triển khoa học công nghệ của thành phố trong thời gian tới. Tôi hy vọng với cơ chế này, các nhà khoa học trẻ của Việt Nam sau khi du học ở nước ngoài có thể trở về để đóng góp cho đất nước.

- Hiện nay những nhà khoa học cộng tác với Khu Công nghệ cao theo chế độ này gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

- Khu Công nghệ cao đang có khoảng 12 chuyên gia, hợp đồng từ một đến hai năm. Trong 12 năm qua, Khu Công nghệ cao có 14 chuyên gia có trình độ Giáo sư, Tiến sĩ cộng tác, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ vi mạch – bán dẫn, công nghệ nano, công nghệ sinh học. Đa số các chuyên gia đầu ngành đều không đặt nặng vấn đề lương bổng, chỉ cần chi phí đi lại, thể hiện tấm lòng nhiệt thành với tương lai phát triển của Khu Công nghệ cao.

Điều cần khắc phục là cơ chế đánh giá công trình, dự án, sản phẩm hợp đồng chưa rõ ràng, đặc biệt là định hướng nghiên cứu còn chung chung, môi trường làm việc như cơ sở phòng thí nghiệm, nhà ở, phương tiện đi lại chưa đáp ứng.

- Vậy kế hoạch cụ thể để cải thiện những điều này thế nào?

- Chúng tôi nhận thấy lương mới chỉ là điều kiện cần với các nhà khoa học qua thực tiễn thu hút các chuyên gia những năm qua. Điều quan trọng hơn để họ yên tâm làm việc chính là môi trường hoạt động, gồm cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ nhân lực có sẵn và quan hệ giữa nhóm nghiên cứu với nhau.

Tôi cho rằng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo điều kiện để mọi người tôn trọng và động viên lẫn nhau, việc đánh giá kết quả công khai, minh bạch là yếu tố rất cần thiết. Khu Công nghệ cao hiện đang có kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, hướng tới các mục tiêu sản phẩm công nghệ cao đang có nhu cầu lớn trong nước.

Khu Công nghệ cao cũng ưu tiên phương thức liên kết giữa trung tâm nghiên cứu của mình với các doanh nghiệp nhằm ươm tạo công nghệ và tạo ra những doanh nghiệp cạnh tranh thực sự trên thị trường. Các nhà khoa học tâm huyết sẽ có điều kiện ứng dụng hiệu quả các công nghệ nguồn để tạo nên các sản phẩm công nghệ cao "Made in Vietnam".

Theo VnEpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
40143
Số người truy cập:
9216889