Lượng thịt người Việt ăn tăng 6 lần trong vòng 30 năm

 Giáo sư Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết khẩu phần ăn của người Việt hiện thay đổi rất nhiều, với mức tiêu thụ thịt tăng mạnh. Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày ăn dưới 14 g thịt, năm 2010 tăng đến 85 g.

Trong khi đó hơn 57% người Việt trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so khuyến nghị, theo tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Đây là kết quả điều tra STEPS năm 2015.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn không hợp lý hiện nay thường là ăn nhiều năng lượng, nhiều thịt, béo, đường, muối nhưng lại ít trái cây và rau. Thói quen ăn uống này liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm.

Ảnh: Thompsonfoods.

Ảnh: Thompsonfoods.

Chế độ ăn nhiều năng lượng, chất béo làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch. Ăn nhiều muối làm tăng huyết áp. Ăn dư thừa chất bột đường có thể phá hủy quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tăng đường huyết và cholesterol trong máu, tích tụ chất béo quanh gan, giảm chức năng tuyến tuỵ.

Cơ thể bổ sung nhiều protein làm tích mỡ, tạo gánh nặng cho thận. Thừa protein động vật nhiều purin gây tăng axit uric máu, tăng nguy cơ bệnh gút và ung thư đại trực tràng.

Nghiên cứu cho thấy ăn ít rau và trái cây liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ.

Theo tiến sĩ Bắc, nếu một người ăn đủ 5 suất rau, tương đương 400 g rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác. Mỗi suất rau hoặc trái cây 80 g tương đương với một trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư. Đây hầu hết là bệnh liên quan chế độ ăn uống. Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu ưu tiên chăm sóc sức khỏe của người dân đến năm 2030. Trong đó, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Lê Nga


Giày Đại Phát solution
Số người online:
35429
Số người truy cập:
6767770