Lượng hàng Tết rất dồi dào

 
Tại chương trình “Nói và làm” do HĐND TPHCM tổ chức sáng 5-12 về việc bình ổn giá cả thị trường Tết, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, nhận xét thiên tai, dịch bệnh, lãi suất tăng, thị trường thế giới biến động... đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
 
Theo bà Thảo, các giải pháp mà TP đưa ra trong thời gian qua đã góp phần bình ổn giá nhưng nhiều người dân vẫn lo ngại giá cả hàng hóa Tết khó tránh sẽ tăng cao.
 
Cần thêm điểm bán hàng bình ổn giá
 
Thời gian qua, TPHCM đã hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp (DN) tạo nguồn hàng để bán với giá thấp hơn thị trường 10%-15%. Điều này đã có tác động đến thị trường, nhiều địa phương đã học hỏi và làm theo.
 
Tuy nhiên, hệ thống phân phối chưa đủ sức chi phối nên giá cả trên thị trường tăng mạnh trong thời gian qua khiến nhiều người lo ngại trong những ngày Tết sắp tới, tình hình này sẽ còn tiếp tục căng thẳng.
 
Theo TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng tăng, lạm phát tăng đã thấy rõ. Có hai nhóm nguyên nhân bên trong và bên ngoài dẫn đến tình trạng này.
 
Nhóm hàng lương thực trong nước tăng giá do giá xuất khẩu tăng; mức điều chỉnh học phí tăng đến 20%; nhập siêu lâu dài cũng kéo theo lãi suất tăng... Ngoài ra, yếu tố tâm lý của một số người dân cũng tạo cơ hội cho nạn đầu cơ ở một số khu vực.
 
 
Khách hàng mua đường giá bình ổn tại siêu thị. Ảnh: HỒNG THÚY

 
Về hệ thống phân phối hàng hóa, dù thời gian qua TP có cố gắng nhưng vẫn chưa thể phủ đều khắp, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Thông tin không đến được với người dân cũng làm cho họ hoang mang, dẫn đến có nhu cầu “ảo”. Do vậy, cần phải có giải pháp cấp bách ngắn hạn và lâu dài để kiềm chế giá cả hàng hóa gia tăng.
 
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TPHCM, cho rằng giá một số mặt hàng thời gian qua tăng “nóng” có phần do tác động từ việc hạn chế số lượng hàng bán ra (giống như thời bao cấp).
 
Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang. Do đó, cần phải tránh trường hợp bán hàng hạn chế số lượng. Dịp Tết, người dân sẽ ùn ùn vào chợ, trong khi khu vực này chưa kiểm soát được giá cả nên phải có nhiều điểm bán hàng bình ổn giá để đủ sức chi phối thị trường.
 
Lượng hàng Tết tăng 4-7 lần
 
Các DN tham gia bình ổn giá cho biết nguồn hàng Tết dồi dào, không lo thiếu. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết đơn vị cam kết tham gia bình ổn giá trên 1.000 tấn đường nhưng đến thời điểm này đã dự trữ với số lượng hơn gấp 3 lần.
 

Đáp ứng đủ 12 mặt hàng thiết yếu dịp Tết

Bộ Công Thương cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán 2011, nguồn cung 12 mặt hàng thiết yếu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, phân bón, thịt, đường, muối, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng, xăng dầu dù đủ đáp ứng nhu cầu nhưng dự báo sẽ tăng giá trong dịp Tết. Ngoài ra, các mặt hàng thiết yếu khác như giấy, than, thuốc chữa bệnh, qua tính toán nguồn cung và xuất nhập khẩu cho thấy cũng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Riêng mặt hàng thuốc thỏa mãn nhu cầu phòng và chữa bệnh với giá có điều chỉnh nhẹ do tỉ giá USD thay đổi.

T.Giang

Theo ông Hòa, Saigon Co.op đã chuẩn bị xong hàng hóa Tết với số lượng dồi dào, tăng 40%-50% so với năm ngoái, đủ sức cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, Saigon Co.op còn đầu tư thêm một kho hàng đông lạnh ở Bình Dương để chủ động trữ hàng, trang bị 100 xe cung ứng hàng và bố trí riêng một siêu thị chuyên cung ứng hàng Tết. Tết năm nay, hệ thống Co.opMart chỉ nghỉ ngày mùng 1 và tăng 300 chuyến xe bán hàng lưu động.
 
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết hiện công ty đã dự trữ 4.000 tấn thịt heo (tăng gần gấp đôi so với mức đăng ký). Vissan còn tự tổ chức nuôi 40.000 con heo (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái), cung cấp 6.000 tấn thực phẩm chế biến (tăng 2.000 tấn so với năm trước). Ngoài ra, Vissan cũng đã chuẩn bị hàng trăm tấn thịt đông lạnh để cung ứng khi thị trường biến động.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết 14 DN tham gia bình ổn giá đã chuẩn bị lượng hàng Tết tăng từ 4 đến 7 lần so với lượng hàng đã đăng ký. Hiện trên địa bàn TP đã có 2.088 điểm bán hàng bình ổn giá, đến cuối tháng 1-2011 sẽ có thêm 100 điểm nữa.
 
Để hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công Thương và UBND các quận - huyện rà soát các chợ truyền thống trên địa bàn để tìm mặt bằng đưa hàng vào bán trong dịp Tết; tìm mặt bằng tại các KCN - KCX để bố trí nơi bán hàng bình ổn giá. UBND TP giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc quy hoạch bố trí nơi bán hàng lâu dài tại các KCX - KCN.
 
Cũng theo bà Hồng, việc hỗ trợ vốn cho các DN tham gia bình ổn giá chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, TP đã có kế hoạch căn cơ để ổn định giá cả. Các DN tham gia bình ổn giá không chỉ đơn thuần  thu gom hàng trên thị trường mà còn là nhà đầu tư sản xuất, chế biến, kể cả tổ chức chăn nuôi để tạo nguồn hàng ổn định.
 
 Chi phí đầu vào thấp nên sản phẩm bán ra có giá cả hợp lý. TP đã có chương trình phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ đang được triển khai hoặc chương trình dùng hàng Việt được hỗ trợ vốn từ quỹ bảo lãnh DN vừa và nhỏ...
NGUYỄN HẢI

Giày Đại Phát solution
Số người online:
8396
Số người truy cập:
11235761