Tại hội nghị quốc tế về môi giới và đầu tư bất động sản diễn ra hôm 28/3, lãnh đạo Bộ Xây dựngg, các đơn vị tiếp thị nhà đất và doanh nghiệp địa ốc đã tranh luận sôi nổi về thực trạng ngành nghề môi giới địa ốc còn non yếu tại Việt Nam.
Đại diện Công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) nhận xét, hiện nay Luật Kinh doanh Bất động sản chỉ quy định suông về nghề môi giới mà thiếu cơ chế giám sát, chế tài nên khó tránh khỏi thị trường vẫn còn nhiều môi giới “dỏm” chuyên bán sản phẩm bất hợp pháp, đầy rủi ro, gây thiệt hại cho người mua.
![]() |
Khách hàng đang được môi giới nhà đất tư vấn tại sàn địa ốc. Ảnh: Vũ Lê |
Theo quan điểm của đại diện Công ty Thủ Đức House, vai trò của Hiệp hội bất động sản còn yếu, chưa có chỉ số nhà đất, phí môi giới quá cao, thêm vào đó luật bỏ ngõ khâu xử phạt khi vi phạm đã góp phần làm tăng lượng “cò” nhà đất hành nghề thiếu trách nhiệm.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) cũng cho rằng hiện không ít tổ chức cá nhân hành nghề môi giới là tự phát, không được đào tạo một cách chuyên nghiệp, hiểu biết không đầy đủ về những quy định liên quan đến kinh doanh, môi giới bất động sản. Từ đó lực lượng này làm mất lòng tin, không nhận được thiện cảm của khách hàng, làm xấu đi môi trường kinh doanh địa ốc.
Sacomreal thống kê được hiện mới có 45 sàn giao dịch trên cả nước mới được mở theo quy định của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, hơn 50% số sàn do các chủ đầu tư lập ra chỉ để phục vụ cho việc kinh doanh các dự án do công ty làm chủ đầu tư, chỉ một số ít sàn có chức năng chuyên về môi giới.
Còn theo Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Thị Hòa, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo phát triển môi giới nhà đất chỉ theo phong trào, chưa trú trọng đến chất lượng. Nếu yếu tố quan trọng của người làm môi giới nhà đất là đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp thì hiện nay đội ngũ môi giới hoạt động trong các sàn không có.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khuyến cáo người dân nên tìm đến môi giới nhà đất chuyên nghiệp hoặc luật sư khi giao dịch nhà đất. Ảnh: Vũ Lê |
“Các nhà môi giới hiện nay chỉ đứng giữa dắt mối cho người mua người bán gặp nhau để lấy tiền hoa hồng, mà chưa đưa ra những tư vấn khuyến cáo về pháp lý, tài chính… cho người mua, người bán. Hiểu đúng nghĩa mới chỉ dừng lại ở mức… “cò” bất động sản”, bà Hòa nói.
Theo bà Hòa, hiện cả nước có 69 đơn vị được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện đào tạo về môi giới, định giá và quản lý sàn BĐS. Tính đến giữa tháng 3/2009, cả nước đã cấp 1.208 chứng chỉ hành nghề môi giới, 439 chứng chỉ định giá BĐS, các chứng chỉ này có giá trị vô thời hạn Trong khi đó, ở các nước như: Hoa Kỳ, Úc, Pháp… khoảng 2-4 năm, những người môi giới đã được cấp bằng phải đi học lại để đổi bằng mới và cập nhật thông tin về thị trường, chính sách về nhà đất để tư vấn cho khách hàng.
Nhiều chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, trong thời gian qua hoạt động môi giới nhà đất đã khiến thị trường địa ốc đi chệch hướng, phát triển méo mó. Do không có đạo đức, kém chuyên môn trong lĩnh vực môi giới, nên nhiều người đã vô tư đẩy giá địa ốc lên cao, cung cấp thông tin sai lệch làm phát sinh tranh chấp giữa người mua và người bán.
Trên thực tế, khách hàng giao dịch nhà đất với các đơn vị môi giới đều nắm đằng lưỡi và chịu nhiều rủi ro. Khảo sát của VnExpress.net, tính đến thời điểm này, chưa có vụ đòi tiền môi giới nào thành công trong những dự án “đổ bể” giữa chừng. Chẳng hạn như vụ ồn ào mua căn hộ Adonis 1, 2 của Công ty Vạn Thịnh Hưng (nay là Công ty Phục Hưng) trong năm 2008, khoản tiền môi giới ăn chênh lệch của khách mua căn hộ có giá 50-150 triệu đồng mỗi căn nhưng khi dự án “hỏng ăn” thì khách mất trắng khoản tiền này. Phản ảnh của khách hàng Adonis, có ít nhất hàng tỷ đồng tiền môi giới của họ bị bốc hơi còn “cò” vẫn nhởn nhơ vô trách nhiệm, không hề chịu bất cứ một thiệt hại hay chế tài nào.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng do đội ngũ môi giới hiện vẫn đang hoạt động theo kiểu tay ngang nên xã hội nhìn vào còn e dè, hoài nghi thậm chí là sợ những người môi giới.
Theo ông Nam, thực trạng hiện nay là nhân viên môi giới chỉ cố làm sao “dụ” được khách hàng mua dự án để lấy tiền hoa hồng mà không tham gia tư vấn về pháp lý, tài chính, giá cả, thậm chí chưa biết “mặt mũi” dự án như thế nào, làm ở đâu mà vẫn cố
Thứ trưởng Bộ Xây dựng khuyến cáo rằng, người dân nên tập làm quen với việc phải nhờ môi giới chuyên nghiệp, luật sư tư vấn trong việc mua nhà thay vì cứ xếp hàng tranh nhau “quyền được mua căn hộ” mà không cần biết ai là chủ đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, dịch vụ, giá cả, phí dịch vụ thế nào. “Đây là cách tốt nhất hạn chế những phát sinh tranh chấp, khi đưa nhau ra tòa thì phần thua thiệt luôn thuộc về người dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Vũ Lê
(Theo VnExpress)