Việc đũa sử dụng chất liệu nào, bảo quản ra sao luôn thu hút sự quan tâm. Dưới đây là các loại đũa phổ biến.
Đũa tre
Đũa tre là sự lựa chọn lâu đời, thân thiện môi trường, bền, giá rẻ, an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, đũa tre có xu hướng bị cong trong quá trình sử dụng.
Điểm trừ nữa là đũa tre dễ bị nấm mốc khi trời nồm ẩm. Loại kém chất lượng sẽ không được trơn láng, dễ bị bám thức ăn, rửa không sạch sẽ là môi trường để vi khuẩn sinh sôi.
Đũa gỗ
Đũa được làm từ gỗ tự nhiên, có ưu điểm bảo vệ môi trường và dễ sử dụng. Tuy nhiên, đũa gỗ cũng dễ bị ẩm mốc. Tuổi thọ của chúng ngắn, cần phải thay thế thường xuyên. Một số loại gỗ được sơn mài, có nhiều hình dạng, song có thể gây ảnh hưởng sức khỏe do các chất liệu sơn trên đũa.
Đũa nhựa
Đũa nhựa nhẹ, bền, không nấm mốc và nhiều màu sắc nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, đũa nhựa dễ bị biến dạng ở nhiệt độ cao và thải ra các chất có hại nên không thể sử dụng lâu dài. Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta.
Đũa inox
Đũa inox thân thiện với môi trường, dễ làm sạch và bền, rất dễ vệ sinh. Tuy nhiên, vì khả năng dẫn nhiệt nhanh, đũa inox có thể gây bỏng. Một số loại đũa inox nặng, trơn, khó sử dụng. Giá thành đũa inox cũng khá cao.
Đũa sứ
Đũa sứ mang cảm giác "chén ngọc, đũa ngà" của vua chúa xưa. Sử dụng đũa này trong ăn uống có thể cho cảm giác sạch sẽ, ngon miệng. Tuy nhiên đũa nặng, dễ gãy vỡ, không thích hợp cho gia đình có người già, trẻ nhỏ sử dụng.
Tóm lại, mỗi loại đũa đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu bạn thích bảo vệ môi trường, giá thành rẻ có thể chọn đũa tre hoặc đũa gỗ. Nếu chú ý hơn đến độ bền và sự tiện lợi, bạn có thể chọn đũa nhựa. Để tốt nhất cho sức khỏe, bạn nên chọn đũa từ chất liệu inox, gốm và tre.
Tùy điều kiện và thói quen mỗi gia đình, có thể chọn loại phù hợp, tuy nhiên cần có một số lưu ý trong sử dụng và bảo quản. Đầu tiên đũa nên được đặt trong hộp đựng rỗng ở nơi khô ráo, thoáng mát. Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người thường để đũa trong hộp hoặc ngăn đựng kín. Những nơi này có không gian chật hẹp, môi trường ẩm ướt.
Ngoài ra, nhiều người không xả sạch đũa sau khi rửa. Theo thời gian, đũa tre và đũa gỗ rất dễ bị nấm mốc, có mùi hôi, bằng mắt thường không thể nhận thấy. Cách rửa đũa đúng là rửa từng chiếc một, chứ không phải cho cả nắm đũa cọ xát vào nhau.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)