Lập trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

Ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật lý lịch tư pháp trước khi trình Quốc hội xem xét vào tháng 5.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết, thực tiễn việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho thấy, khi cơ quan, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài có nhu cầu biết lý lịch tư pháp của một người để cho xuất cảnh, du học, cấp chứng chỉ hành nghề... thì điều họ quan tâm là án tích và tình trạng thi hành án của người đó. Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp cũng ghi vậy. Điều này là phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong nước và thông lệ quốc tế.

Ủy ban Thường vụ cũng cho rằng không cần thiết phải đưa vào phiếu lý lịch tư pháp việc vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự của công dân, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và một số biện pháp xử lý hành chính "đặc biệt khác"... Theo quan điểm của Ủy ban, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp không đồng nhất và không thay thế hệ thống dữ liệu tàng thư căn cước can phạm do ngành công an quản lý.

Bà Thu Ba cho biết, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc việc lập trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và giao chơ Bộ Tư pháp chứ không phải Bộ Công an, hay Viện kiểm sát, tòa án như một số ý kiến đề cập. Việc cấp phiếu lý lý lịch tư pháp sẽ do các sở tư pháp địa phương thực hiện.

Để đảm bảo quyền bí mật đời tư của công dân, Ủy ban Thường vụ cho rằng chỉ có cá nhân mới được quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho mình, bên cạnh các cơ quan tố tụng. Các cơ quan, tổ chức khác cần biết lý lịch tư pháp của cá nhân để phục vụ cho quản lý nhân sự thì yêu cầu người đó xuất trình.

Tuy nhiên, chiều nay, ngay đầu buổi thảo luận, dự thảo luật nêu trên đã không nhận được sự đồng thuận của một số đại biểu. Ông Trần Thế Vượng (Trưởng ban Dân nguyện) cho rằng: Ủy ban tư pháp báo cáo cả nước trong 9 năm (1999-2008) có khoảng 700.000 phiếu lý lịch tư pháp được cấp. Ông nhẩm tính, trung bình thì một năm mỗi địa phương chỉ cấp khoảng 1.000 phiếu. Hơn nữa, thực tế cho thấy việc này chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, còn tại một số tỉnh miền núi thì chẳng có mấy người.

"Vậy liệu có cần thiết phải ban hành riêng luật này không?", ông Vượng thẳng thẳng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) cho rằng không cần ban hành hẳn một luật riêng về lý lịch tư pháp. Sau khi nêu hai định nghĩa về lý lịch tư pháp trong 2 cuốn từ điển đang hiện hành, ông khằng định khái niệm nêu ở đó đầy đủ và khác với dự thảo luật.

Tuy nhiên, cả hai ông Thuận và Vương đều cho rằng, sẽ chấp hành theo tập thể: "Nếu Ủy ban Thường vụ thấy cần thiết ban hành".

Hoàng Khuê

( Theo Vnexpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10132
Số người truy cập:
4776255