Lao động Việt ở nước ngoài thiệt vì chênh lệch tỷ giá

 Hơn năm qua, anh Hoàng Quốc Thắng, 38 tuổi, làm việc tại Nhật theo diện thực tập sinh, không gửi về quê được đồng nào vì yen Nhật liên tục xuống thấp. Hai năm trước, để đi xuất khẩu lao động, anh vay ngân hàng 200 triệu đồng. Trong số này, anh dùng gần 170 triệu đồng đổi 7.900 USD nộp cho công ty môi giới ở Hà Nội, số còn lại trả học phí, chưa kể tiền ăn uống đi lại.

Anh Hoàng Quốc Thắng đi công trình tại Nhật. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sang Nhật, anh làm nghề hàn, mỗi tháng để dành 11-12 man (1 man bằng 10.000 yen), đổi sang tiền Việt được 21-22 triệu đồng. Hơn một năm ở Nhật, anh đã trả xong khoản vay ngân hàng. Gần hai năm còn lại như hợp đồng, anh nghĩ sẽ tích luỹ được một số vốn làm ăn sau này, song không ngờ đồng yên liên tục rớt giá. So với lúc đi Nhật, giờ đây cứ 10 man gửi về quê, anh mất 5 triệu đồng.

Theo anh Thắng, sau hai năm làm việc, lương của anh đã cao hơn lúc mới sang 5-6 man nhưng đồng yen giảm giá mạnh, quy ra tiền Việt cũng không khá hơn. "Cả nhà tôi đang gồng để chờ đồng yen lên giá. Chứ đà này lúc hết hợp đồng phải về nước, tôi mất hơn 200 triệu đồng khi đổi sang tiền Việt", anh Thắng nói.

Tương tự, sang Đài Loan được 5 tháng, chị Vũ Thị Trượt, 47 tuổi, quê Bắc Giang có ba tháng chứng kiến đồng Đài tệ trượt giá. Với hợp đồng giúp việc gia đình, mỗi tháng chị Trượt được trả 17.000 Đài tệ. Hai năm trước, chị vay 160 triệu đồng làm chi phí đi xuất khẩu lao động, trong đó nộp cho công ty hơn 2.200 USD và 400 USD cọc chống trốn.

Chị Trượt nói lúc vay tiền đóng cho công ty, lương của mình mỗi tháng 17.000 Đài tệ, đổi được hơn 14 triệu đồng nhưng giờ chưa đến 13 triệu đồng. Với những người không phải vay mượn có thể để dành chờ tỷ giá cải thiện mới gửi về Việt Nam. Còn chị cứ đến tháng nhân viên ngân hàng gọi điện đốc thúc nợ nên mỗi kỳ lương đều dồn hết tiền làm được gửi về nước. "Hợp đồng đi ba năm nhưng tình hình này chắc tôi không để dành được nhiều", chị Trượt nói.

Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường đông lao động Việt Nam sang làm việc. Theo số liệu của Cục Lao động ngoài nước, từ năm 2019 đến tháng 7/2022, có hơn 131.000 lao động làm việc ở Đài Loan và con số này ở Nhật Bản là 181.600 người. Trong khi đó, đồng tiền của hai nước này liên tục mất giá so với USD. Cụ thể, hồi giữa tháng 10, khoảng 147 yên đổi một USD, được xem mức giảm thấp nhất trong 32 năm qua. Tỷ giá Đài tệ cũng hạ đến mức thấp nhất trong ba năm gần đây khi hồi tháng 9, khoảng 31 Đài tệ mới đổi được một USD.

Lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy của Nhật. Ảnh: Thái Đệ

Anh Phan Việt Anh, tác giả tự truyện "Tôi đi Nhật" và là quản trị viên nhóm lao động làm việc tại Nhật với gần 25.000 thành viên, cho hay lạm phát ảnh hưởng đến cả người chuẩn bị đi xuất khẩu lao động và người đang làm việc ở nước ngoài, đặc biệt những trường hợp mới qua.

Hiện, các công ty môi giới xuất khẩu lao động đều thu USD, khi đồng tiền này tăng giá quá cao lao động phải bỏ ra nhiều tiền hơn để đổi. Thế nhưng khi ra nước ngoài, đồng tiền nước sở tại lại giảm giá so với USD. Đơn cử lao động đi Nhật, so với thời điểm yen có giá cao nhất, đến nay đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã giảm 30%.

Theo anh Việt Anh, trước đây lao động đi Nhật diện thực tập sinh nếu chi tiêu tiết kiệm, sau ba năm trung bình dư được 600 triệu đồng, nhưng giờ đây khi USD tăng, yen giảm tiền để dành chỉ được khoảng 400 triệu đồng. Nhiều người sẽ phải kéo dài thời gian trả khoản vay cho chi phí ra nước ngoài làm việc.

Một khảo sát do nhóm anh Việt Anh thực hiện với 80 thực tập sinh tại Nhật cho thấy 76% lao động phải bỏ ra hơn 150 triệu đồng để đi Nhật. 80% số người khảo sát cho biết phải vay mượn tiền để đi và 65% người nói rằng mất trên một năm tích lũy mới trả hết nợ, lạm phát tăng thời gian này kéo dài hơn. Lao động mới qua áp lực trả nợ càng lớn, phải thắt chặt chi tiêu mới có thêm tiền gửi về nước.

Trên các nhóm cộng đồng lao động Nhật Bản và Đài Loan, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm kiếm việc làm thêm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên việc này bị pháp luật nước sở tại nghiêm cấm. Đối với Nhật, thực tập sinh làm thêm bên ngoài sẽ bị phạt rất nặng.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo, chuyển giao lao động và chuyên gia Suleco, nói trong bối cảnh này các doanh nghiệp cần giảm chi phí xuất khẩu hỗ trợ người lao động. Ngoài ra, lao động cần tiết kiệm chi tiêu, chờ đồng tiền ở nước sở tại lên giá. Trường hợp vay ngân hàng đóng phí có thể xin ân hạn gốc và lãi trả 6 tháng một lần, thay vì trả hàng tháng sẽ gặp khó khăn.

Lê Tuyết


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6685
Số người truy cập:
4768338