Lần đầu tiên trong lịch sử hai vệ tinh đâm nhau

Ảnh phục dựng trên máy tính vệ tinh Iridium của Mỹ. Ảnh: Iridium Satellite.

Vụ việc xảy ra hôm 10/2 ở độ cao 790 km trên bầu trời Siberia. Đây là một vòng quỹ đạo rất quan trọng và các vệ tinh thời tiết hoặc viễn thông thường hoạt động trên độ cao này. "Chúng tôi tin rằng đây là lần đầu tiên hai vệ tinh va chạm nhau trong quỹ đạo", Les Kodlick, một phát ngôn viên của cơ quan STRATCOM thuộc không quân Mỹ cho hay. STRATCOM theo dõi khoảng 18.000 vật thể trong vũ trụ, bao gồm cả những mảnh vụn chỉ nhỏ khoảng 10 cm.

Vệ tinh của Nga được xác định là chiếc Cosmos 2251 được phóng lên quỹ đạo vào tháng 9/1993. Nó đã ngừng hoạt động trong khoảng 10 năm nay. Trong khi đó, vệ tinh của Mỹ thuộc hãng Iridium Satellite LLC. Iridium cho biết họ hy vọng có thể thay thế quả vệ tinh nặng 560 kg này trong vòng 30 ngày tới. Vệ tinh gặp nạn được Iridium phóng lên quỹ đạo năm 1997 và công ty mô tả sự cố là "khác thường", đồng thời nhấn mạnh họ không hề có lỗi.

Trong khi đó, cơ quan hàng không Nga Roscomos cũng xác nhận thông tin về vụ va chạm giữa hai quả vệ tinh. Phát ngôn viên của Roscosmos Aleksandr Vorobyev cho biết, có nhiều khả năng quân đội Nga sở hữu vệ tinh nặng 950 kg này trong quá khứ, vì thế nó không thuộc trách nhiệm của họ.

Cơ quan hàng không Mỹ NASA đang lần theo dấu vết hàng trăm mảnh vỡ từ sau vụ va chạm này. Họ hy vọng phần lớn trong số chúng sẽ bị đốt cháy trong bầu khí quyển của Trái đất. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hoạt động ở quỹ đạo thấp hơn và được cho là không ảnh hưởng gì sau vụ va chạm. NASA hiện chưa có kế hoạch trì hoãn việc phóng tàu con thoi Discovery trong cuối tháng này sau sự cố trên.

Có tổng cộng khoảng 6.000 vệ tinh các loại được phóng lên quỹ đạo từ năm 1957 và một nửa trong số này đang hoạt động.

Hải Ninh (theo BBC, Reuters, CBS)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
20669
Số người truy cập:
9131351