Kỷ nguyên lao động siêu rẻ của châu Á sắp đi qua

 Nơi làm việc có cửa sổ kính suốt từ trần đến sàn, cà phê phục vụ trà matcha cũng như các lớp học khiêu vũ và yoga miễn phí. Hàng tháng, các công nhân tập trung tại các buổi "team-building" để uống bia, lái xe go-kart và chơi bowling. Đó không phải mô tả nơi làm việc của Google mà là một nhà máy may ở Việt Nam.

Châu Á, công xưởng của thế giới, đang chứng kiến xu hướng mới: những người trẻ nói chung không muốn làm việc trong các nhà máy. Đó là lý do các công ty sản xuất đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn hơn. Điều này cũng gióng lên hồi chuông với các công ty phương Tây dựa vào lao động giá rẻ của khu vực này để có hàng tiêu dùng giá rẻ.

"Hoàng hôn" của lao động giá rẻ ở châu Á đang buông xuống, như một phép thử đối với mô hình sản xuất toàn cầu hóa đã giúp cung cấp hàng hóa giá rẻ cho thế giới trong 3 thập kỷ qua. Những người Mỹ đã quen với thời trang và TV màn hình phẳng giá phải chăng có thể phải sớm tính đến giá cao hơn, theo WSJ.

Công nhân làm việc trong nhà máy UnAvailable tại TP HCM. Ảnh: WSJ

Paul Norriss, Đồng sáng lập hãng may UnAvailable tại TP HCM nói không còn nơi nào trên hành tinh này có thể cung cấp những gì bạn muốn. "Mọi người sẽ phải thay đổi thói quen tiêu dùng của họ, và các thương hiệu cũng vậy", ông nói.

Norriss cho biết những công nhân ở độ tuổi 20 - lực lượng lao động truyền thống của ngành may mặc - thường làm việc vài năm rồi rời đi. Ông hy vọng việc cải thiện môi trường làm việc có thể cứu vãn tình hình. "Mọi người đều muốn trở thành một Instagrammer (người sáng tạo nội dung trên Instagram), một nhiếp ảnh gia, một nhà tạo mẫu hoặc làm việc tại một quán cà phê", ông nói.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng về nhân lực, các nhà máy châu Á đã phải tăng lương và áp dụng các chiến lược đôi khi tốn kém để giữ chân công nhân, từ việc cải thiện chất lượng bữa ăn cho đến xây dựng trường mẫu giáo cho con công nhân.

Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro nói tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam và Trung Quốc đã đẩy chi phí lên cao. Hãng sản xuất búp bê Barbie Mattel, có cơ sở sản xuất lớn ở châu Á, cũng đang vật lộn với chi phí lao động cao hơn. Cả hai công ty đã tăng giá cho sản phẩm. Nike sản xuất phần lớn giày tại châu Á, cho biết giá thành sản phẩm đã tăng do chi phí lao động cao hơn.

Manoj Pradhan, nhà kinh tế tại London cảnh báo những người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc giá hàng hóa duy trì tương đối ổn định so với thu nhập khả dụng của họ sẽ phải nghĩ lại. "Có sự đảo ngược lớn về nhân khẩu học", chuyên gia này nói.

Bắt đầu từ những năm 1990, Trung Quốc và sau đó là các trung tâm sản xuất khác ở châu Á đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia gắn liền với hình ảnh những người nông dân nghèo trở thành các cường quốc sản xuất. Hàng hóa lâu bền như tủ lạnh và ghế sofa trở nên rẻ hơn.

Nhưng giờ các quốc gia đó đối mặt với vấn đề mang tính thế hệ. Người lao động trẻ tuổi, được giáo dục tốt hơn và quen thuộc với Instagram, TikTok đang quyết định rằng cuộc sống và công việc không nên diễn ra trong các bức tường nhà máy.

Một thay đổi nhân khẩu học khác cũng đóng vai trò quan trọng. Những người trẻ tuổi ở châu Á đang có ít con hơn và ở độ tuổi muộn hơn. Điều đó có nghĩa là họ chịu ít áp lực hơn trong việc phải có thu nhập ổn định ở độ tuổi 20. Lĩnh vực dịch vụ đang bùng nổ mang đến lựa chọn công việc ít mệt mỏi hơn như nhân viên cửa hàng trong trung tâm thương mại và lễ tân tại khách sạn.

Vấn đề này đang nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị lên tới 21% trong tháng 6 mặc dù các nhà máy thiếu lao động. Các công ty đa quốc gia đã và đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng các chủ nhà máy ở đó cho biết cũng gặp khó khăn trong việc thu hút công nhân trẻ.

Lớp yoga cho công nhân UnAvailable tại TP HCM. Ảnh: WSJ

Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, lương công nhân nhà máy ở Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011, lên 320 USD một tháng, tức tốc độ gấp 3 lần ở Mỹ. Tại Trung Quốc, lương của nhà máy đã tăng 122% từ năm 2012 đến năm 2021.

Đầu năm nay, Nguyễn Anh Tuấn, 25 tuổi, tốt nghiệp trung học, bỏ công việc thợ máy tại một nhà sản xuất phụ tùng ôtô ở ngoại thành Hà Nội để chạy Grab. Anh chở khách với thu nhập theo giờ thấp hơn mức kiếm được ở nhà máy, nhưng nói rằng thay đổi là xứng đáng vì là ông chủ của chính mình.

"Những người giám sát thường nặng lời, khiến tôi rất căng thẳng", Tuấn nói về ba năm làm việc tại nhà máy. Anh ấy nói rằng chỉ cân nhắc quay lại nhà máy nếu mức lương cũ 400 USD mỗi tháng được tăng gấp đôi.

Để có lao động giá rẻ, trước đây các nhà sản xuất đơn giản là chuyển đến các địa điểm ít tốn kém hơn. Nhưng giờ điều đó không còn dễ dàng. Có những quốc gia ở châu Phi và Nam Á có lực lượng lao động lớn, nhưng không ổn định về chính trị, hoặc thiếu cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động được đào tạo.

Ví dụ, các thương hiệu quần áo đã gặp khó khi mở rộng sang Myanmar và Ethiopia để rồi hoạt động bị gián đoạn bởi chính trị bất ổn. Bangladesh từng là điểm đến đáng tin cậy để sản xuất quần áo, nhưng các chính sách thương mại hạn chế và các cảng bị tắc nghẽn đã hạn chế sức hút.

Ấn Độ có dân số khổng lồ và các công ty đang tìm đến để thay thế cho Trung Quốc. Nhưng ngay cả ở Ấn Độ, các quản lý nhà máy bắt đầu phàn nàn về những khó khăn trong việc giữ chân công nhân trẻ. Nhiều thanh niên thích cuộc sống nông trại được hỗ trợ bởi các chương trình phúc lợi của nhà nước hoặc chọn công việc tự do ở thành phố hơn là sống trong ký túc xá nhà máy. Kỹ sư được đào tạo thì rời khỏi nhà máy để gia nhập ngành công nghệ thông tin.

Các chủ nhà máy châu Á đang cố gắng làm cho công việc trở nên hấp dẫn hơn, bao gồm trợ cấp cho các trường mẫu giáo và tài trợ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật. Một số đang chuyển nhà máy đến các vùng nông thôn, nơi mọi người sẵn sàng lao động chân tay hơn. Nhưng điều đó khiến họ xa cảng và các nhà cung cấp hơn, đồng thời buộc họ phải thích nghi với cuộc sống nông thôn, bao gồm cả việc công nhân vắng mặt trong mùa thu hoạch nông sản.

Christina Chen, chủ sở hữu người Đài Loan của nhà sản xuất đồ nội thất Acacia Woodcraft Vietnam, đã chuyển nhà máy khỏi miền Nam Trung Quốc cách đây 4 năm với hy vọng tuyển dụng sẽ dễ hơn. Ban đầu bà cân nhắc các khu công nghiệp gần TP HCM nhưng nghe được cảnh báo về tỷ lệ nhảy việc và lương tăng vọt.

Vì vậy, bà chọn vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam. Giờ công nhân của bà thường ở độ tuổi 40 và 50, và một số người không thể đọc tốt. Điều này đòi hỏi phải giải thích các nhiệm vụ bằng lời nói và sử dụng các minh họa trực quan. Bù lại, lực lượng lao động của bà ổn định hơn.

Christina Chen trân trọng những nhân viên trẻ tuổi. Bà mời họ tham gia vào quá trình ra quyết định, gặp gỡ những nhà mua hàng người Mỹ đến thăm và chia sẻ với họ những bức ảnh về bàn ghế của công ty tại các cửa hàng ở Mỹ. Theo bà, tự động hóa là một phần nhưng sự khéo léo của con người vẫn cần thiết cho nhiều việc.

Công nhân làm việc tại  Acacia Woodcraft Vietnam. Ảnh công ty cung cấp

Tại châu Á, bối cảnh lao động đã khác nhiều so với hai thập kỷ trước. Năm 2001, Nike báo cáo rằng hơn 80% công nhân của họ là người châu Á và điển hình là 22 tuổi, độc thân và lớn lên trong gia đình làm nông. Ngày nay, độ tuổi trung bình của công nhân Nike tại Trung Quốc là 40 và ở Việt Nam là 31, một phần là do các nước châu Á đang già đi nhanh chóng.

Maxport Limited Việt Nam, một nhà cung cấp của Nike được thành lập năm 1995, chứng kiến sự cạnh tranh về công nhân ngày càng gay gắt. Giờ đây, họ phải nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, với cửa sổ nhà máy ngập nắng trời, và hàng nghìn cây cối xung quanh. Lao động trẻ được đào tạo để thăng tiến.

Tuy nhiên, họ vẫn phải vật lộn để thu hút người trẻ. Cán bộ tuân thủ cấp cao Đỗ Thị Thùy Hương cho biết chương trình đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp trung học đã kết thúc một phần vì rất ít người trong số họ chấp nhận việc làm sau đó. Khoảng 90% công nhân của Maxport từ 30 tuổi trở lên.

Tại Malaysia, các nhà máy đang bỏ yêu cầu mặc đồng phục - điều mà công nhân trẻ ghét, và thiết kế lại không gian làm việc. Syed Hussain Syed Husman, Chủ tịch Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia, một đại diện cho các nhà sản xuất, cho biết doanh nghiệp đang cố gắng làm cho nhà máy hấp dẫn hơn như mở rộng vách ngăn, áp dụng nhiều cấu trúc kính, cung cấp ánh sáng tự nhiên và âm nhạc như môi trường kiểu văn phòng Apple.

Susi Susanti, 29 tuổi đến từ Indonesia, đã thử làm việc tại nhà máy sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng cô ghét bị những người quản lý gây áp lực phải làm việc nhanh hơn. Cô ấy nói với mẹ rằng phải làm một cái gì đó khác.

Sau một khóa đào tạo kéo dài sáu tháng, cô nói được tiếng Hoa phổ thông cơ bản, và bắt đầu chăm sóc cặp vợ chồng già ở Đài Loan. Tiền lương nhận được cao gấp ba lần so với hồi làm trong các nhà máy ở quê nhà, và điều đó khiến cô ấy bớt mệt mỏi hơn. "Khi người mà tôi đang chăm sóc khỏe lại, tôi có thể thư giãn", Susi nói.

Phiên An (theo WSJ)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15227
Số người truy cập:
4780272