Đối với loại hình giao dịch mua bán qua mạng giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng, tính đến cuối năm 2008, đã có khoảng 380 doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh doanh loại hình sàn dịch vụ này và bước đầu đã mang lại một lợi nhuận nhất định. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng đã bắt đầu tìm cơ hội bán lẻ qua mạng.
CÁC LỢI ÍCH KHI KINH DOANH QUA MẠNG
Anh Nguyễn Trọng H, chủ một cửa hàng mua bán nước hoa các loại đã thử kinh doanh với số vốn 10 triệu. Anh mở một địa chỉ web cá nhân trên mạng, gửi thư chào hàng khắp nơi, tỷ lệ khách đặt hàng và hồi âm ban đầu chỉ chiếm khoảng 3%. Dần dần đã tăng lên gần 40%. Tính cả đợt bán hàng quà tặng Noel vừa qua, anh lãi được gần 12 triệu đồng. Từ kinh nghiệm của mình, anh H cho biết, chọn mua, đặt hàng trên mạng giờ không còn xa lạ, thậm chí đã nhộn nhịp kẻ bán người mua như một cái chợ. Trên đó, khách hàng có thể tìm hiểu thêm về thông tin sản phẩm, so sánh giá cả cũng như tìm thêm lời khuyên về sản phẩm...
Với một chiếc máy tính nối mạng, chỉ cần ngồi ở nhà hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa ở văn phòng, truy cập website mua bán trên mạng, các sản phẩm sẽ được “trưng bày” ngay trên trang chủ để lựa chọn. Lượng hàng hoá trên mạng cũng rất phong phú nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh trên mạng với các nhà phân phối.
Ông Nguyễn Đức Huỳnh, giám đốc kinh doanh - tiếp thị của một công ty mua bán trực tuyến cho biết việc kinh doanh có chiều hướng tốt trong 3 tháng cuối năm, một phần do sức mua thị trường cuối năm tăng (số lượng hàng bán trên 46% so với thời điểm đầu năm), một phần do người tiêu dùng đã quen và trang web cũng liên tục cập nhật hàng “mới - lạ”.
Trong một cuộc điều tra về tình hình thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay của Bộ Thương mại trong năm 2006 với 1.000 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có website chiếm từ 20 - 25%, nhưng tính năng thương mại điện tử trong các website này còn mờ nhạt. Chức năng website chủ yếu là giới thiệu về công ty, chiếm 93,8%; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chiếm 62,5%, trong khi tính năng giao dịch thương mại điện tử cho phép đặt hàng chỉ chiếm 27,4%; hoạt động thanh toán trực tuyến chỉ có 3,2%...
Ông Võ Hoàng Tân, trưởng phòng kinh doanh - tiếp thị của công ty Đại Phát, đơn vị quản trị của trang web www.chobinhtay.gov.vn cho biết: “Chi phí đầu tư một gian hàng trên mạng so với mở một gian hàng trên thực tế thì rẻ hơn rất nhiều. Giả sử, để kinh doanh tại Chợ Bình Tây thì bạn cần phải sang lại 1 sạp trong Chợ Bình Tây với giá khoản vài trăm triệu, thêm từng đó chi phí nữa để mua hàng và mỗi tháng phải trả thêm đủ thứ tiền như: thuế, bảo vệ, phí chợ, tiền mặt bằng, nhân công… với số tiền “chết” không dưới chục triệu mỗi tháng. Trong khi đó, bạn chỉ phải tốn một chi phí khởi tạo gian hàng ban đầu là 1.5 triệu và mỗi tháng đóng phí duy trì hàng tháng là 100 nghìn
Giá hàng tại các gian hàng “ảo” một phần sẽ rẻ hơn so với giá tại các gian hàng thật do không phải chịu thêm các khoản chi phí như gian hàng thật. Hàng hoá còn được giao tận nơi cho khách hàng với cước phí thoả thuận và được tính riêng. Khoảng 10 đến 20 ngàn đồng trong nội thành; ngoại tỉnh tính theo cước bưu điện.
Bên cạnh đó, lượng khách tìm đến các gian hàng ảo này không bó buộc vào một số loại khách hàng hay vị trí địa lý nhất định như các cửa hàng hay chợ truyền thống. Mà trải rộng ra từ khách du lịch, giới nhân viên văn phòng… cho đến người biết chút ít về mạng internet điều có thể dễ dàng mua sắm trên mạng.
“Qua khảo sát, có 40% lượng khách truy cập vào trang web www.chobinhtay.gov.vn là khách du lịch, 60% là khách hàng Việt
Hiện nay, sản phẩm phổ biến, được các website khai thác và khách cũng mua nhiều là mỹ phẩm, hoa, quần áo, đồ dùng thể thao… dành cho bạn trẻ. Khách hàng thường khai thác dịch vụ giao hàng của các website để chọn quà tặng cho bạn bè, gia đình, người yêu...
KHAI THÁC KINH DOANH CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ:
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Vũ, giám đốc một công ty thương mại dịch vụ online cho biết: “Khi gia nhập vào mạng cung cấp hoa tươi và quà tặng của Interflora để mở thị trường đến 150 nước trên thế giới, tôi thấy trở ngại lớn nhất trong giao dịch thanh toán của ngành thương mại điện tử là rất nhiều nước không nhận thanh toán qua mạng với Việt Nam, và chúng tôi phải tìm cách mở tài khoản ngoại tệ để khách hàng chuyển tiền vào, hoặc thuyết phục khách hàng chuyển tiền qua bưu điện”.
Cái khó chung của các trang web chọn hình thức mua bán qua mạng gặp phải là chưa có một chính sách chung về việc mua hàng, thanh toán, vận chuyển… mỗi nơi tự đặt ra các quy định của riêng mình. Từ đó, có thể xuất hiện một số trường hợp lừa đảo gây bức xúc cho khách hàng.
Trên các siêu thị “ảo” đa phần khai thác những mặt hàng có trị giá thấp nhất là 50.000VNĐ trở lên, phổ biến là trên 100.000VNĐ và chưa phát triển các mặt hàng thông dụng có giá thấp.