Kiến nghị sửa nghị định, tránh hỗ trợ 2.000 đồng

 Theo Nghị định 02/2017, diện tích cây trồng như lúa thuần, ngô, rau màu bị thiệt hại trên 70% thì người trồng được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại 30-70% được một triệu đồng/ha. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/ha; thiệt hại 30-70% được 2 triệu/ha.

Ông Muộn cho biết từ lúc triển khai nghị định, trong các hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông đã nêu ý kiến mức hỗ trợ quá thấp. Với người dân Nam bộ, mỗi gia đình có vài ha thì số tiền nhận được tương đối lớn. Còn miền Trung đất chật, người đông, mỗi gia đình chỉ vài sào (500 m2/sào), nếu thiệt hại và được hỗ trợ tính ra rất ít ỏi.

Đặc biệt, miền Trung mưa bão vào tháng 9-12, thời điểm cây trồng sắp thu hoạch, đạt giá trị cao. Tuy nhiên, chính sách chỉ áp dụng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, không phải đền bù thiệt hại. Vì thế, mức thiệt hại và mức hỗ trợ chênh lệch quá lớn.

Ông Muộn lấy ví dụ, một ha cây dài ngày như cam, bưởi, xoài... từ lúc đầu tư đến thu hoạch mất vài chục triệu đồng. Đến lúc cho quả gặp mưa bão, bị hư hỏng, mức hỗ trợ theo quy định chỉ 4 triệu đồng/ha, người dân rất khó khăn để tiếp tục đầu tư. Chính sách này cũng làm khó cho cơ sở bởi quá trình lập hồ sơ, chứng từ từng hộ dân tốn rất nhiều thời gian mà người dân nhận được ít. Nếu chính quyền làm không đúng cũng bị dân phản ứng.

Bà Nguyễn Thị Lưu, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh được hỗ trợ 3000 đồng giữ làm kỷ niệm. Ảnh: Đắc Thành.

Bà Nguyễn Thị Lưu, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, được hỗ trợ 3.000 đồng giữ làm kỷ niệm. Ảnh: Đắc Thành

Vì những bất cập trên, ông Muộn từng kiến nghị sửa đổi Nghị định 02/2017 bằng việc nâng mức hỗ trợ lên hơn 3 lần hoặc dừng triển khai. Trước mắt chưa sửa Nghị định, cán bộ xã, thôn xóm khi thống kê thiệt hại cần phổ biến luôn mức hỗ trợ. Khi biết thông tin này, chắc chắn người dân không muốn kê khai để khỏi phải mất công đi nhận 2.000 đồng hỗ trợ như ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh.

Về lâu dài, để người dân có được số tiền lớn sau thiệt hại, ông Muộn kiến nghị triển khai chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp.

Ông Võ Hồng, nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho rằng chính quyền xã Tam Vinh làm đúng quy định, thiệt hại bao nhiêu thì hỗ trợ bấy nhiêu. Bão lụt là dạng chia sẻ rủi ro, thậm chí một gói mì tôm cũng chia nên xã không dám làm sai. Tuy nhiên, chính quyền xã đã máy móc trong triển khai.

"Nếu tiền hỗ trợ ít, chính quyền tổ chức họp dân lấy ý kiến dồn cho một vài người. Người này nhận rồi thì lần sau dành cho người kia", ông gợi ý cách làm và chia sẻ qua đợt này địa phương cần rút kinh nghiệm. Để không xảy ra tình trạng này cần nâng cao năng lực xử lý công việc của cán bộ cơ sở.

Xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh có diện tích nhỏ, người dân có được vài trăm mét vuông trồng trọt. Ảnh: Đắc Thành.

Xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, có diện tích nhỏ, người dân chỉ được vài trăm mét vuông trồng trọt. Ảnh: Đắc Thành

Sau bão Linfa và Molave năm 2020, toàn xã Tam Vinh có 588 hộ dân bị thiệt hại cây trồng, được hỗ trợ hơn một tỷ đồng. Trong đó hộ nhận cao nhất 47 triệu đồng; 31 hộ nhận dưới 10.000 đồng.

Ngày 25/11, xã Tam Vinh chi trả tiền hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Kim Truyện (51 tuổi, thôn Bình Thạnh) đến nhà văn hóa thôn cách nhà 2 km nhận 2.000 đồng. Ở cùng thôn với bà Truyện, bà Nguyễn Thị Lưu, 64 tuổi đi xe đạp gần 3 km và chờ đến 16h nhận được 3.000 đồng. Ông Nguyễn Đăng Hiếu, 51 tuổi, đang làm thợ xây ở TP Tam Kỳ nhưng nghỉ việc về đi nhận tiền. Khi biết mình được 8.000 đồng, ông từ chối không lấy.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch xã Tam Vinh, cho rằng người dân làm đơn đề nghị thì xã phải thống kê, lên danh sách hỗ trợ. "Nhưng đúng là người dân đến ngồi chờ nhưng chỉ nhận được vài nghìn đồng thì rất khó coi", ông Phú nói.

Nghị định 02 được Chính phủ ban hành năm 2017, năm 2018 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định 03 về các mức hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ngày 16/9, huyện Phú Ninh ban hành quyết định 6167 hỗ trợ 53% trong tổng số tiền hỗ trợ theo Nghị định 02.

Đắc Thành


Giày Đại Phát solution
Số người online:
22357
Số người truy cập:
4790663