Tuần nào, tôi cũng nhận được những ý tưởng, dự án kinh doanh mà các bạn trẻ muốn tôi góp ý hoặc hợp tác. Các dự án này không phải là những ý tưởng đột phá hay to tát gì. Đôi khi, chỉ đơn giản là mở một trung tâm đào tạo kỹ năng, một công ty chụp ảnh cho doanh nhân hoặc siêu thị máy tính mini. Mỗi khi nghe trình bày, tôi nhìn vào mắt họ và thấy được rất rõ ngọn lửa đam mê và khát vọng không chỉ là làm giàu mà còn là khẳng định bản thân mình.
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM - YBA. |
Tôi phần nào hiểu được khát vọng doanh nhân của các bạn trẻ bây giờ khi tham gia nói chuyện về xác định mục tiêu cuộc đời tại 2 trường Đại học lớn của TP HCM. Khi nói về nghề nghiệp trong tương lai của mình, đa số các bạn sinh viên đều mong muốn trở thành doanh nhân thành đạt. Các câu hỏi phổ biến vẫn là: Khi ra trường, em nên đi làm thuê trước rồi mới mở công ty hay là em khởi nghiệp luôn? Em đang định kinh doanh mặt hàng, dịch vụ này, theo anh là có khả thi không? Làm sao, em có thể huy động vốn để kinh doanh?...
Các bạn sinh viên đã có những nghiên cứu và tìm hiểu khá kỹ về con đường để trở thành doanh nhân chứ không chỉ đơn thuần là mơ ước viển vông. Họ hiểu khá tường tận về những rủi ro, trắc trở của công việc kinh doanh. Thế nhưng, họ vẫn rất đam mê với lựa chọn của mình. Nhìn các bạn sinh viên trình bày ước mơ và đam mê của mình, tôi lại nhớ đến những câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: "Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời". Và với nhiều bạn trẻ hiện nay, đam mê của họ chính là trở thành doanh nhân thành công.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tôi có vài lần tham gia Hội đồng giám khảo để chấm các dự án kinh doanh của sinh viên và doanh nhân trẻ. Dẫu còn nhiều điều chưa khả thi nhưng các chủ các dự án đều rất tâm huyết và đều mong muốn sẽ triển khai kinh doanh trong thực tế. Khi tôi hỏi, họ có dám bỏ hết tài sản đang có, thậm chí phải vay mượn người thân để thực hiện dự án kinh doanh của mình hay không, câu trả lời mà tôi nhận được là có.
Tôi có tham gia giảng dạy lớp Quản lý và điều hành doanh nghiệp ở trường Doanh Chủ. Đa số học viên là những bạn trẻ, trong đó có người đang làm chủ doanh nghiệp của mình và cũng có những bạn đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Lý do đưa họ đến lớp là vì muốn chuẩn bị thật kỹ càng về kiến thức cũng như học hỏi những kinh nghiệm cần thiết để giúp cho sự nghiệp kinh doanh của mình thành công.
Trong lớp học, tôi có đưa ra bài tập tình huống là tôi phát cho mỗi người 1 triệu đồng và trong vòng 24 giờ, phải kinh doanh như thế nào để sinh lợi nhiều nhất? Sau đó, bài tập tiếp theo là tôi phát cho mỗi người 5 cái kẹp giấy và cũng yêu cầu trong vòng 24 giờ, phải triển khai kinh doanh như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất?
Kết quả là, khi không có tiền trong tay, phải thực sự vận dụng trí tuệ, sự nhanh nhạy và ý chí cũng như cả cơ bắp, các học viên trong bài tập thứ 2 lại làm ra nhiều tiền hơn, hiệu quả hơn bài tập đầu tiên. Qua đó, các bạn học viên đã nhận thức được một điều rất cơ bản: vốn là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Để kinh doanh thành công thì khát vọng, ý chí, trí tuệ và sự năng động chính là những yếu tố cần thiết. May mắn thay, tôi nhận thấy điều này đang hiện diện rất rõ trong thế hệ trẻ hiện nay.
Tôi tham gia sinh hoạt trong cộng đồng các doanh nhân trẻ. Các bạn thường hay nhờ tôi tư vấn. Có những bạn khi lập nên doanh nghiệp chỉ biết đến việc kinh doanh, bán hàng mà không hề hiểu biết gì về loại hình công ty, về kế toán, hạch toán... Nhưng dường như những khiếm khuyết này không làm giảm đi nhiệt huyết và khát vọng doanh nhân của họ.
Có thể nói, các doanh nhân trẻ hiện nay có thái độ làm việc rất chuyên nghiệp, tầm nhìn dài hạn, năng động, cố gắng tìm ra sự khác biệt để phát triển và tinh thần học hỏi rất cao. Những lĩnh vực nào chưa giỏi hoặc chưa nắm bắt được, họ đã mạnh dạn outsource bên ngoài. Một điều đáng ghi nhận ở các doanh nhân trẻ hiện nay chính là nhận thức rất rõ về trách nhiệm của mình với xã hội. Các chương trình từ thiện, hoạt động xã hội đã luôn nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các doanh nhân trẻ. Họ đang cổ súy cho tinh thần doanh nhân Việt đừng hơn thua, ganh đua với nhau trong việc sắm xe hơi đắt tiền, máy bay hay du thuyền mà hãy tranh đua với nhau về tấm lòng và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Theo thống kê, tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp mới thành lập là thấp. Thông thường là khoảng 70% doanh nghiệp bị phá sản sau 2 năm đầu thành lập. Nhưng với thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay, với khát khao làm giàu cho mình và cho đời, mong muốn khẳng định bản thân, được trang bị kiến thức khá đầy đủ, tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một thế hệ vàng của doanh nhân Việt Nam. Họ hoàn toàn có thể thực hiện được lời căn dặn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi cho các con của mình cách đây gần một thế kỷ: "Các con phải làm sao để ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta phất phới trên năm châu, bốn biển, để cả thế giới biết đến người Việt Nam, đất nước Việt Nam".
Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM