Không lo thiếu hàng Tết

 
 

Chiều 30-11, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về việc thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá đột biến trong dịp Tết Tân Mão.

 
CPI năm 2010 có thể tăng trên 11%
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến khả năng giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở một con số, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng việc kiềm chế CPI tháng 12 trong khoảng 0,48% là rất khó.
 
Hiện CPI là 9,58% nên việc khống chế dưới hai con số là quá mong manh. Trong tháng 12 này, dự kiến một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ nguyên giá như tháng 11, một số khác có tăng nhưng sẽ không xảy ra đột biến.
 
“Giá cả hàng hóa biến động như thời tiết, rất khó lường”- bà Thoa nói. Với sự biến động này, tại cuộc họp của tổ điều hành thị trường trong nước vừa qua, các thành viên dự báo CPI trong tháng 12 sẽ tăng từ 1,2% - 1,5% so với tháng 11. Như vậy, CPI năm nay nhiều khả năng tăng trên 11% so với năm 2009.
 
 
Rau quả được bán giá bình ổn trong hệ thống siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

 
Phân tích nguyên nhân giá cả tăng trong những tháng vừa qua, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng do giá cả thế giới tăng, trong khi VN vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng nên giá hàng hóa trong nước tăng theo.
 
Bên cạnh đó, nhóm thịt tươi sống vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh phát sinh tại nhiều địa phương, thiên tai lũ lụt xảy ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua khiến nhiều mặt hàng tăng giá.
 
Cung không thiếu
 
Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho biết đối với mặt hàng lương thực, hiện lượng gạo tồn kho khoảng 1 triệu tấn, cộng với thu hoạch trong tháng 11 và 12.
 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, bên cạnh yếu tố tâm lý người tiêu dùng, giá cả tăng là do tiểu thương tại các chợ và những người bán lẻ tự tăng giá.

Các doanh nghiệp sẽ cung ứng theo hợp đồng đã ký kết hơn 500.000 tấn, số còn lại hoàn toàn đủ cho người dân tiêu dùng trong dịp Tết, thậm chí có thể gối vụ sang năm 2011. Đối với mặt hàng đường, các kho của doanh nghiệp hiện còn khoảng 36.000 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 10.000 tấn.
 
Với mặt hàng rau, thực phẩm, Bộ NN-PTNT ước lượng thịt năm 2010 tăng từ 5%-5,5% so với năm 2009 nên đã chuẩn bị nguồn cung. Mặt khác, các doanh nghiệp VN cũng thường nhập khẩu thêm từ 5%-6% tổng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hằng năm nên hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, bà Miêng cho rằng giá cả có thể tăng nhẹ theo diễn biến giá cả các mặt hàng tương ứng trên thế giới.
 
Để bảo đảm cung cấp hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành khác chủ động lên kế hoạch cân đối cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường; triển khai đến các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp về việc giữ giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng...

Thủ tướng chỉ thị về bình ổn giá cả

Xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái phép vàng và ngoại tệ

 
Ngày 30-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Tân Mão và quý I/2011.
 
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với UBND các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, vốn, mạng lưới kinh doanh để các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu.
 
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành giữ ổn định giá bán điện, than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu; dãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá... Ngân hàng Nhà nước áp dụng các giải pháp mạnh, hiệu quả để bảo đảm kiểm soát, ổn định tỉ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất; phối hợp với UBND cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái phép vàng và ngoại tệ. 

P.Dương

Ngọc Dung

Giày Đại Phát solution
Số người online:
5737
Số người truy cập:
11231591