Khơi dòng tín dụng 6 tháng cuối năm 2012

 5 nguyên nhân lớn cản trở DN vay vốn


Có một thực tế hiện nay, trong khi đa phần các DN đều khát vốn thì ngân hàng (NH) lại đang ứ đọng, dư thừa vốn. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, mâu thuẫn này bởi 5 lý do lớn. Trong đó, nổi lên là sức mua giảm, tồn kho tăng, không bán được hàng nên DN không đủ điều kiện vay vốn tiếp. Dù lãi suất đã hạ nhiệt liên tiếp, song lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn này là rất khó. Đặc biệt, tư duy NH và DN chưa gặp nhau, chưa có sự chia sẻ để cùng vượt qua khó khăn…

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, bản thân các NH đều mong muốn khơi thông được nguồn vốn để cho vay, nhưng lại không thể mạnh tay cho vay trong lúc này. Thực tế hiện nay, nhiều DN đang lao đao, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, rủi ro tín dụng tăng cao, bắt buộc NH cần thận trọng khi cho vay và đều chọn lựa các DN có sức khỏe tài chính ổn định, khả năng hoàn trả nợ. Tuy nhiên, lượng DN đáp ứng được điều kiện trên lại quá ít. Một lý do nữa, con số nợ xấu toàn ngành NH đang rất cao, bắt buộc các NH phải áp dụng các chuẩn cho vay chặt chẽ để tránh nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, đây cũng là thời điểm thuận lợi để sàng lọc lại hệ thống DN. Tất nhiên, trách nhiệm của NH là hỗ trợ cả DN khỏe lẫn những DN đang gặp khó khăn. Song, việc hỗ trợ vẫn phải duy trì những chuẩn mực tín dụng để bảo toàn quyền lợi của NH.

"Trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng dưới 1%, trong khi huy động tăng trưởng trên 5%, tình trạng thừa vốn này đã dẫn đến việc các NH mua trái phiếu của Chính phủ và cho vay trên thị trường liên NH. Tình trạng này nên sớm thay đổi để các NH dồn vốn vào giúp các DN hơn là tài trợ Chính phủ và các NH” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ dừng ở 8%?

Là lời nhận định khá chắc chắn của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu. Dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15-17% đã rút xuống 8-10%, tức là giảm gần 50%, nhưng trong 6 tháng đầu 2012, tín dụng chỉ tăng trưởng dưới 1%, do đó, nếu muốn đạt được tăng trưởng 8-10% cho cả năm 2012 thì từ đây đến cuối năm, mỗi tháng ít nhất phải tăng trưởng từ 1,5-2% là một con số khá thử thách. Bởi thế, tăng trưởng tín dụng có thể chỉ ở mức tối đa 8% cho cả năm. Và để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành NH, Thống đốc NHNN đã kêu gọi các NHTM nỗ lực hỗ trợ DN để tháo gỡ khó khăn cho họ. Đặc biệt là việc yêu cầu các NH giảm lãi suất xuống 15% cho những món nợ cũ được xem là biện pháp khá mạnh để giảm chi phí vốn cho DN. "Chính phủ nên tăng cường hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện đã có nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng tại nhiều địa phương, các TP lớn nhưng vốn điều lệ còn thấp, quy chế bảo lãnh và các quy trình nghiệp vụ chưa được xây dựng một cách hoàn thiện, gây khó cho các DN vừa và nhỏ” – ông Hiếu đề xuất.

Còn theo ông Lê Thành Trung, Phó TGĐ NHTM Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank), để tín dụng có thể tăng trưởng trở lại, nếu chỉ áp dụng chính sách giảm lãi suất thì khó giải quyết được vấn đề. Tín dụng chỉ có thể tăng trưởng khi nào chúng ta giải quyết các vấn đề một cách tổng thể, theo một nguyên tắc đơn giản: hàng hoá sản xuất ra, DN vay tiền sản xuất hàng hoá thì phải có thị trường tiêu thụ.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Bộ Tài chính đã có một loạt chính sách giảm thuế, thúc đẩy tiếp tục cấp ngân sách qua những dự án đã được công bố, đảm bảo giải ngân 70% số này trong quí 3, tương đương mỗi tháng 20.000 tỷ đồng. Phía NH cũng mở rộng các đối tượng cho vay ở cả lĩnh vực tiêu dùng và một số phân khúc BĐS. Đây là những cơ sở để đảm bảo cho khả năng tăng tín dụng từ 8–10% trong năm nay.
Nguyễn Nga

Giày Đại Phát solution
Số người online:
11338
Số người truy cập:
11463063