Bài 1: Lạng Sơn: “thiên đường” hàng Trung Quốc
>> Bài 2: Hàng Trung Quốc về... quê
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng phòng kinh doanh một DN chuyên hàng thời trang có tiếng tại TP.HCM xác nhận: “Không thể mở thêm cửa hàng ngoài Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng lẫn một số tỉnh lớn như Cần Thơ, Bình Dương như kế hoạch vì bị hàng TQ chiếm lĩnh nhanh chóng”.
Vị trưởng phòng này cho hay doanh số bán ra tại các cửa hàng hiện tại bị sụt giảm nghiêm trọng, lượng hàng tồn lên đến vài tỉ đồng.
Nhường sân cho hàng TQ
Tương tự, phó tổng giám đốc của một DN nhà nước chuyên hàng may mặc cũng cho biết DN ông đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan trước “thảm cảnh” hàng TQ ồ ạt xả vào VN. “Bản thân DN chúng tôi đã mất hẳn thị trường quần áo trẻ em từ hơn một năm nay khi không thể cạnh tranh nổi hàng cùng chủng loại của TQ. Bởi nếu sản xuất được giống như họ, giá thành phải cao gấp đôi và đội ngũ thiết kế phải tăng nhân lực gấp 4-5 lần so với bình thường”, ông này nói. Riêng những DN sản xuất vải gần như “chết đứng”, nhường hẳn sân cho sản phẩm vải nhập từ TQ tha hồ làm mưa làm gió tại thị trường nội địa.
Không chỉ các DN may mặc gặp khó vì bị hàng TQ lấn sân, các DN sản xuất nhựa cũng không kém phần lao đao khi thị phần tại các tỉnh lẫn những trung tâm thành phố lớn gần như đóng băng hơn ba tháng nay. Một cán bộ của Hiệp hội Nhựa TP.HCM cho biết ít nhất 50% DN trong hiệp hội đã ngưng hoặc tiết giảm 70% công suất sản xuất thời gian qua vì không tiêu thụ được hàng.
Giám đốc một công ty nhựa than thở: “Toàn bộ thị trường phía Bắc của công ty chúng tôi gần như đang...thoi thóp khi sản phẩm đưa ra không cạnh tranh nổi hàng TQ có giá quá rẻ, thấp hơn giá thành sản xuất của chúng tôi ít nhất 15%”. Riêng các tỉnh miền Tây, một số bạn hàng lớn của công ty ông cũng chuyển sang giao dịch với các nhà buôn chuyến đánh hàng trực tiếp từ TQ về bán nên đã không lấy hàng từ vài tháng nay.
Riêng các chủ DNTN, cơ sở nhỏ lẻ cũng gặp khó chẳng kém các DN quy mô lớn. Ông Cao Đạt, chủ cơ sở sản xuất giày Hiển Đạt (Q.4, TP.HCM), cho biết gần nửa năm nay các mối lớn của ông tại chợ Bình Tây và An Đông đã giảm lượng giày, dép xuống còn 1/3 so với trước. Không bỏ được hàng cho mối ở thành phố, nhiều cơ sở tung quân đi tiếp thị ở các tỉnh nhưng cũng chào thua khi dép kẹp TQ bán xá chỉ dưới 50.000 đồng/đôi, giày 80.000-100.000 đồng/đôi, trong khi giá trung bình giày hoặc dép sản xuất từ các cơ sở nhỏ giá chót cũng phải 100.000 đồng/đôi.
Đối phó cách nào?
Nỗ lực này cần phải có sự hợp sức từ cả ba phía: Nhà nước, DN và hiệp hội ngành hàng. Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN(Vitas), cho rằng hiện có không ít DN dệt may chỉ lo mải mê ở thị trường xuất khẩu mà đã thiếu quan tâm củng cố thị phần nội địa.
Ông Trần Đình Thiên, PGS-TS Viện Nghiên cứu kinh tế VN, cho rằng áp lực hàng TQ vào các DN VN đang rất mạnh nên biện pháp đối phó cần phải được thực hiện một cách tích cực, bài bản. Theo ông Thiên, đã hội nhập và tham gia “trò chơi thị trường quốc tế” thì phải chịu cảnh kẻ mạnh lấn kẻ yếu, hoàn toàn không thể máy móc cấm không cho hàng nước này vào, không cho hàng nước kia vào để bảo vệ hàng trong nước. Vì vậy, đã đến lúc các bộ ngành cần nhanh chóng ngồi lại với nhau nghiên cứu áp dụng hàng rào kỹ thuật cho từng mặt hàng. “Khi dựng lên rào cản kỹ thuật để bảo vệ hàng sản xuất trong nước phải hoàn toàn phù hợp với quy tắc WTO và không phá vỡ cơ chế vận hành”, ông Thiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK) - lại nhấn mạnh vào việc cần thiết có sự phối hợp giữa các bộ ngành với hiệp hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng hiểu rõ và hiểu đúng về các loại sản phẩm nhập khẩu, trong đó có cả những sản phẩm từ TQ mà người dân đang sử dụng hằng ngày. Theo ông Kiệt, không hẳn tất cả sản phẩm có nguồn gốc từ TQ đều kém chất lượng, song với những sản phẩm đang lưu hành, sử dụng tại VN phải được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát một cách cẩn trọng nhằm tránh thiệt hại về phía người tiêu dùng.
TRẦN VŨ NGHI
“Thôn tính” các tiệm tạp hóa? Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) - nơi được xem là kho hàng TQ của miền Đông Nam bộ, ở ngành hàng bánh kẹo những ngày này luôn có người đến chào các sản phẩm mới xuất xứ từ TQ, bất chấp cơn bão melamine vẫn chưa tan. Hiện các tiểu thương được chào hàng một loại kẹo sữa xuất xứ từ TQ và bán rất chạy. Loại kẹo này trông bề ngoài rất bắt mắt, tuy nhiên ngoài dòng chữ tiếng Anh “milk candy” (kẹo sữa), toàn bộ là tiếng TQ, không hề có nhãn tiếng Việt. Theo chủ sạp mứt kẹo L, chợ Bình Tây, mứt bánh kẹo TQ thường chiếm 50% nguồn hàng trên sạp, những năm gần đây tỉ lệ này giảm nhưng không đáng kể. Bánh kẹo TQ thường xuyên thay đổi hương vị, chủng loại mẫu mã mới, bày tết đẹp, giá lại rẻ (thường được bán dạng hàng xá hoặc bịch 5kg) rất dễ tìm đối tượng khách hàng. Những mặt hàng quen thuộc như kẹo sôcôla hoa hồng, kẹo dẻo, bánh gạo... so với hàng VN, hàng TQ luôn rẻ hơn 20-30%. Tại nhiều nơi khu vực ngoại thành TP.HCM như Hóc Môn, Củ Chi... ở nhiều cửa hàng tạp hóa lượng hàng có xuất xứ từ TQ rất đa dạng về chủng loại từ quần áo, giày dép, các loại đồ chơi, đồ điện, đồ nhựa, đồng hồ, khóa, đồ sành sứ... Thậm chí một vài cửa hàng không gian trưng bày các loại hàng TQ lên tới 70% với đủ các mặt hàng từ chiếc ôtô đồ chơi nhỏ xíu bằng hai ngón tay đến nồi cơm điện. Hầu hết tiệm tạp hóa trên hàng sản xuất tại VN chiếm một vị trí khá khiêm tốn bao gồm các sản phẩm mỹ phẩm, văn phòng phẩm, bưu thiếp... NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH |
(trích từ tuoitre.com.vn)