Khánh thành Trung tâm tích hợp dữ liệu khoa học và công nghệ trong Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

 Khu lưu niệm GS.VS. Trần Đại Nghĩa và Trung tâm tích hợp dữ liệu đã chính thức khánh thành ngày 18/5/2015 với sự tham dự của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư T.Ư Đảng và đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trung tâm tích hợp dữ liệu KH&CN là quà tặng có ý nghĩa của Bộ Khoa học và Công nghệ trong khuôn khổ hợp tác KH&CN giữa Bộ và UBND tỉnh Vĩnh Long. Nhiệm vụ này được Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Long trực tiếp phối hợp triển khai.

Việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu nhằm tạo ra nền tảng dữ liệu đầy đủ, thật sự sinh động về thân thế, sự nghiệp của GS. VS., đặc biệt về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của GS; xây dựng một hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu KH&CN hiện đại, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu khoa học và công nghệ cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ảnh: Đ/c Lê Hồng Anh và đ/c Nguyễn Quân kéo vải phủ khai trương Trung tâm tích hợp dữ liệu KH&CN

GS.VS. Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học tiên phong trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, là người vừa trực tiếp làm khoa học vừa đặt nền móng kiến tạo và phát triển nền KH&CN Việt Nam. GS.VS. Trần Đại Nghĩa có những công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, đóng góp lớn trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, từ súng không giật trong kháng chiến chống Pháp đến thiết bị rà phá thủy lôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

GS.VS. Trần Đại Nghĩa quê ở xã Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông là nhà khoa học đầu tiên được phong quân hàm cấp tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. GS.VS. Trần Đại Nghĩa cũng là người đứng đầu nhiều cơ quan quan trọng của ngành KH&CN Việt Nam và Bộ Quốc phòng. Ông là Viện trưởng Viện KH&CN đầu tiên của Việt Nam nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 12 năm làm chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thư viện điện tử trực tuyến về GS. VS. Trần Đại Nghĩa

Tại Khu lưu niệm, ngoài các hiện vật của Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa sẽ có Thư viện điện tử trực tuyến về cuộc đời của Giáo sư, các công trình được nghiên cứu và thực hiện để có thể trình chiếu, cung cấp những thông tin sinh động về thân thế, sự nghiệp của Giáo sư, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân.


Ảnh: Màn hình 3D độ phân giải cao 84 inch phục vụ trình chiếu phim khoa học

Công tác sưu tập tài liệu về về thân thế, sự nghiệp và các công trình nghiên cứu của Giáo sư, Viện sĩ đã được Cục Thông tin KH&CN quốc gia phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương và chuyên nghiệp. Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tổ chức liên hệ thu thập tư liệu tại các cơ quan Giáo sư - Viện sĩ đã từng công tác như: Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Công thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam. Ngoài ra, để thu thập được đầy đủ nguồn tư liệu về Giáo sư - Viện sĩ, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã liên hệ và làm việc với Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Thư viện Quốc gia, Đài truyền hình Việt Nam, gia đình của Giáo sư - Viện sĩ,...


Ảnh: hệ thống máy tính hiện đại phục vụ tra cứu thông tin KH&CN

Các tư liệu được tập trung thu thập là bản chính hoặc bản sao của các bài viết, ảnh chụp, công trình nghiên cứu, sách, báo, hiện vật, thiết bị nghiên cứu,.... Với tình cảm tốt đẹp và sự kính trọng đối với một nhà đại trí thức của dân tộc, tất cả các cơ quan liên quan đã hợp tác và hỗ trợ hết mình trong việc cung cấp tài liệu. Kết quả đã thu thập được 868 tài liệu. Toàn bộ các tài liệu này đã được xử lý, loại bỏ trùng lặp và số hóa đưa vào thư viện điện tử với trên 500 mục tài liệu, gồm 9 cuốn sách; 127 bài báo, tạp chí; 29 Bút ký và bút tích của GS.VS.; 96 Bài trích sách; 198 ảnh; 12 phim về GS.VS..


Ảnh: Màn hình cảm ứng 46 inch đặt tại Phòng trưng bày hiện vật của Khu lưu niệm

Cho tới thời điểm này, thư viện điện tử về thân thế, sự nghiệp của GS.VS. Trần Đại Nghĩa là bộ sưu tập dữ liệu lớn nhất về GS. VS.. Đây là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh, tri ân GS.VS. Trần Đại Nghĩa – nhà khoa học anh hùng, tạo điều kiện cho những người không có cơ hội trực tiếp đến Khu lưu niệm vẫn có được thông tin đầy đủ về GS.VS. Trần Đại Nghĩa.

Trung tâm tích hợp dữ liệu KH&CN
Trung tâm tích hợp dữ liệu nằm trong Khu lưu niệm có diện tích khoảng 250m2 bao gồm phòng đọc thư viện, hệ thống máy chủ và máy tính nối mạng tốc độ cao, các thiết bị đa phương tiện hiện đại, kho tài liệu (hàng nghìn sách, tạp chí KH&CN trong nước và thế giới) và một số phòng chức năng. Bên cạnh các hiện vật và tài liệu sách, tạp chí in truyền thống của Khu lưu niệm, Trung tâm tập trung triển khai tích hợp các tài liệu số và đa phương tiện. Đặc biệt, Trung tâm còn là đầu mối truy cập tới các thư viện điện tử về KH&CN hàng đầu trong nước và quốc tế, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và sản xuất kinh doanh của nhân dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long.


Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Quân sử dụng thiết bị công nghệ cao để tra cứu thông tin

Ngoài thư viện điện tử về thân thế, sự nghiệp và các công trình nghiên cứu của GS.VS. Trần Đại Nghĩa, Trung tâm tích hợp dữ liệu còn tập hợp nhiều bộ sưu tập có giá trị về KH&CN, bao gồm:

- Thư viện điện tử tổng hợp phục vụ phát triển nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với 300.000 mục tài liệu và 1.000 phim khoa học đã được số hóa, thư viện cung cấp các tri thức cần thiết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng dẫn cụ thể việc trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, bảo quản thực phẩm.

- Thư viện điện tử các bài tạp chí KH&CN trong nước tập hợp trên 150.000 bài đăng trên các tạp chí KH&CN có uy tín tại Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu tham khảo toàn văn cơ bản và đầy đủ nhất bằng tiếng Việt cho các nhà khoa học tiến hành công tác nghiên cứu và phát triển, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.

- Thư viện điện tử các CSDL KH&CN quốc tế tập hợp nhiều CSDL nổi tiếng thế giới như Springer, Proquest, IEEE, Taylor&Francis, Web of Science,… với trên 30.000 đầu tên tạp chí, trên 20 triệu bài tạp chí toàn văn, mang đến cho bạn đọc những kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới, tiêu biểu là:

   * Proquest Central là bộ cơ sở dữ liệu lớn bao gồm 25 cơ sở dữ liệu đa ngành, xử lý trên 19.000 tạp chí, trong đó hơn 13.000 tạp chí toàn văn. Dữ liệu của Proquest Central bao quát trên 160 lĩnh vực chủ đề khác nhau thuộc các ngành khoa học nòng cốt như: Kinh tế - kinh doanh, Y học, Công nghệ, Khoa học xã hội…Ngoài ra, Proquest Central còn cung cấp toàn văn của 56.000 luận văn trong các lĩnh vực tâm lý học, kinh doanh, khoa học vật lý, y tế, giáo dục…và đưa ra các thông tin cô đọng về kinh tế, kinh doanh thông qua các báo cáo từ hàng trăm ngành công nghiệp tại 90 quốc gia, cung cấp 43.000 hồ sơ doanh nghiệp, thu thập trên 1.000 tài liệu hội nghị và 1.300 tờ báo quốc tế, bao gồm cả những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The Wall Street Journal…

   * SpringerLink là một trong các nguồn tin điện tử hàng đầu thế giới, chứa các ấn phẩm của nhà xuất bản Springer, bao gồm hơn 2.700 tên tạp chí khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực như: các ngành kỹ thuật, hóa học, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, y học... Ngoài ra bạn đọc có thể xem toàn văn trên 6.000 cuốn sách do nhà xuất bản Springer xuất bản.

   * Ebrary là cơ sở dữ liệu toàn văn sách điện tử về khoa học và công nghệ với hơn 36.000 tên sách điện tử toàn về các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội, nông nghiệp, y học; khoa học quân sự, khoa học thông tin - thư viện, giáo dục, nghệ thuật, địa lý, nhân chủng học, văn học, ngôn ngữ, luật,...

   * Credo Reference là CSDL tra cứu, tham khảo trực tuyến đa ngành, đa lĩnh vực được tổng hợp từ nguồn dữ liệu của nhiều nhà xuất bản khác nhau, với hàng trăm bộ bách khoa thư, từ điển, cẩm nang, sách tra cứu đa ngành và chuyên ngành, bao trùm tất cả các lĩnh vực từ khoa học, công nghệ, y-dược học, kinh tế, ngoại giao, nông, lâm nghiệp, luật học, tâm lý học đến lịch sử, văn học và nghệ thuật, v.v… Credo Reference cho phép truy cập tới hơn 500 bộ dữ liệu toàn văn từ hơn 80 nhà xuất bản uy tín trên thế giới, với tính chính xác và mức độ tin cậy cao. Bộ sưu tập Credo Reference hiện tại cho phép tra cứu và sử dụng thông tin về trên 3 triệu đầu mục dữ liệu về các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau; 200.000 tệp âm thanh số hóa; 40.000 tranh ảnh nghệ thuật, khoa học, y học; và 90.000 tập bản đồ về các địa danh, đặc điểm địa lý trên toàn thế giới.


Ảnh: Một góc trung tâm tích hợp dữ liệu


Ảnh: Đ/c Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, trao quà của cán bộ, nhân viên Bộ Khoa học và Công nghệ cho Trung tâm tích hợp dữ liệu

Sau khi đi vào hoạt động, tại Trung tâm tích hợp dữ liệu sẽ tiến hành nhiều hoạt động như trình chiếu các bộ phim sưu tập về thân thế, sự nghiệp GS.VS. Trần Đại Nghĩa; giới thiệu về khu lưu niệm; trình chiếu phim khoa học, tìm hiểu thế giới, v.v... Đây sẽ là một địa chỉ tham quan, sinh hoạt văn hóa thường xuyên của lớp trẻ, phát huy truyền thống, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, là minh chứng cho vai trò của KH&CN với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng như mong muốn của GS.VS. Trần Đại Nghĩa đối với quê hương mình.

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, 18/5/2015


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6683
Số người truy cập:
9226818