Hé lộ nguồn gốc thực phẩm bày bán tại các cổng trường

Thấy bánh kẹo bắt mắt, mùi vị thơm ngon, giá thành lại rẻ nên không ít phụ huynh đã mua để con em mình ăn. Tuy nhiên, nhiều người đã phải ngậm quả đắng khi con có dấu hiệu chán ăn, buồn nôn, thậm chí có trẻ phải ngộ độc vì những loại bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc này…

Bày bán nhan nhản

Những thức ăn vặt được bày biện bắt mắt trên các xe đẩy hàng rong trước các cổng trường, những gói bánh kẹo xanh đỏ đủ màu khiến nhiều trẻ em thèm thuồng, bằng mọi giá phải xin được tiền của cha mẹ để mua.

Nhiều phụ huynh vì chiều con nên cũng không ngại ngần bỏ tiền để mua cho con. Tuy nhiên, nhiều người không thể ngờ rằng, đằng sau những gói bánh kẹo xanh, đỏ tím vàng ấy là muôn vàn hóa chất nguy hại có thể đầu độc con trẻ bất cứ lúc nào.

Chị Nguyễn Thị Lan (trú tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) cho biết, chị có một cậu con trai đang học tiểu học, hàng ngày mỗi khi đưa con đến lớp, chị đều đem theo một ít bánh cho con. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, do bận công việc, chị không kịp mua đồ ăn cho con nên cho tạm cậu bé 10.000 đồng để mua thức ăn vặt trước cổng trường.

Chiều cùng ngày, khi đi học về, thay vì ăn cơm bình thường như mọi ngày thì con trai chị bỗng nhiên bỏ bữa. Gặng hỏi mãi, cậu bé mới thổ lộ rằng đã ăn một gói thịt được bày bán ở cổng trường. Nghe con nói, chị thấy lạ nên hỏi tới thì con trai xòe ra một gói bánh sặc sỡ sắc màu và cho biết đã ăn một gói, mỗi gói như vậy chỉ có giá 5.000 đồng.

Cầm lên quan sát, chị thấy bên ngoài gói bánh có in hình một vài nhân vật hoạt hình được nhiều trẻ em yêu mến kèm theo những ngôn ngữ lạ nước ngoài. Bóc ra xem thử thì chị Lan thấy bên trong có những miếng bánh hình que dài khoảng 15 cm, màu đen, bánh được ướp thêm một số gia vị gì đó, khi đưa lên mũi ngửi có mùi thơm thơm, hăng hắc giống mùi của ngũ vị hương.

Tuy nhiên, sản phẩm khi để một lúc lâu thì có mùi cay nồng rất khó chịu. Bỏ vào miệng nhai thử, mới đầu có vị cay, ngọt lợ, nhai kỹ thì thấy đắng đắng trong cổ họng, khi nuốt vào thì mất hoàn toàn cảm giác thèm ăn. “Tôi không biết đó là bánh gì, chỉ biết là nhiều đứa trẻ khác cũng mua loại này để ăn giống như con tôi. Những người bán quà vặt cũng bán mặt hàng này không phải ít”, chị Lan cho biết.

Ngoài trường hợp của chị Lan, nhiều phụ huynh khác cũng tỏ ra hết sức lo lắng khi con mình ăn phải loại bánh kẹo lạ, trôi nổi trên thị trường. “Những thứ bánh này đều có chữ Trung Quốc hay Thái Lan, ăn vào ban đầu thì thơm, lát sau thì mất cảm giác hoàn toàn. Nhiều lần tôi cấm con tôi ăn nhưng cháu cứ khóc lóc van nài, thương con nên tôi phải mua”- anh Trần Hoàng Hưng (quận Tân Bình) cho biết.

Không khó để mua những sản phẩm này trước cổng các trường học cấp 1 và cấp 2 trên đường Âu Cơ (quận 11), hàng chục chiếc xe đạp, bên trên chất kín bánh kẹo đứng sát cổng trường, nhiều học sinh cũng chen chúc vây kín quanh các quầy hàng rong này.

Chỉ cần ghé qua một chiếc xe đẩy, hiện ra trước mắt là cơ man biết bao nhiêu thứ từ trà sữa thạch trân châu 5.000 đồng, bánh tráng trộn 5.000 đồng cho đến hàng chục loại bánh kẹo in chữ Trung Quốc lòe loẹt.

Khi được hỏi về những gói kẹo được in hình sặc sỡ thì những người bán này cho biết, họ không biết tên chính xác của loại bánh này là gì chỉ biết là mọi người đều gọi là thịt khô và đặc biệt trẻ em lại rất ưa thích sản phẩm này.

Có một điều đặc biệt nguy hiểm hơn nữa đó là nguồn gốc cũng như ngày sản xuất và hạn sử dụng đều không được in lên bao bì nên người bán cứ việc vô tư bán từ năm nay sang năm khác, bán đến khi nào hết hàng thì thôi.

Theo một vài người bán hàng cho biết thì họ thường lấy loại bánh này ở chợ Bình Tây (quận 6), mỗi lần đến lấy sỉ thì người ta cân ký và bán lại cho chị, cần bao nhiêu thì sẽ có bấy nhiêu. Và có một điều họ quả quyết rằng, những đứa trẻ ở đây sử dụng những loại thực phẩm này đều không làm sao, thậm chí chúng còn rất thích thú và thường yêu cầu các bậc phụ huynh mua về mỗi khi tan học.

he lo nguon goc thuc pham bay ban tai cac cong truong
Hình ảnh các em học sinh thường bủa vây các quán bán hàng quà vặt sau mỗi giờ tan trường là không hề hiếm gặp.

Bảo vệ trẻ trước mối nguy mất an toàn vệ sinh thực phẩm nơi trường học

Có thể thấy rằng, khá nhiều các quầy bánh kẹo hàng rong trước cổng trường học ở TP. HCM đều bày bán những sản phẩm có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc như không có thời hạn cũng như địa chỉ sản xuất, nhiều loại bánh còn không thề tìm được một chữ tiếng Việt.

Thế nhưng, có không ít phụ huynh vẫn vô tư cho con mình mua ăn mà không có bất kỳ lời cảnh báo nào. Để thu hút các học sinh, nhiều loại bánh kẹo còn được lồng ghép vào các đồ chơi như trứng, súng, hoa, siêu nhân… Để sản xuất ra các loại kẹo này, các cơ sở sản xuất còn dùng cả màu tổng hợp.

Được biết, loại màu này rất nhạy cảm cho da, có thể làm nứt da, tạo ra những vảy nến, hay làm dị ứng cũng như nghẹt mũi. Ngoài ra phẩm màu công nghiệp có lẫn tạp chất, là những chất độc hại cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển thần kinh, cơ thể và não bộ của trẻ em.

Ngoài bánh kẹo thì trà sữa thạch trân châu cũng là một trong những thức uống đáng quan ngại. Bởi chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng, mỗi học sinh đã có thể mua được một ly thức uống béo ngọt, thơm và có những hạt trân châu ăn vào bùi bùi. Nhưng cũng giống như bánh kẹo, hạt trân châu và trà sữa có nguồn gốc từ đâu thì không được mấy người chú ý đến.

Theo một số người bán thì việc mua những nguyên liệu này không hề khó, chỉ cần tới một vài địa chỉ chợ đầu mối là có đủ loại theo yêu cầu. Theo đó, chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là có thể đã mua được 1 kg bột trà sữa và thêm 50.000 đồng cho 1 kg hạt trân châu. Bột trà sữa có màu trắng đục, không hề có nhãn mác hay bất cứ thông tin gì, chỉ cần khách lấy bao nhiêu thì chủ cửa hàng cân bột rồi đưa ra bấy nhiêu và giao cho khách.

“Đây là bột trà Đài Loan, loại này mua về pha bán là tuyệt nhất vì nó vừa thơm lại vừa béo, nếu lấy nhiều thì chúng tôi sẽ mang đến tận nơi giao luôn cho đỡ mất công”- người bán hàng liến thoắng.

Thế nhưng khi được hỏi về nguồn gốc của thứ bột này thì người bán cũng lắc đầu cười trừ chứ không hề biết nó được làm từ chất gì. Về hạt trân châu, theo người này tiết lộ thì tại Việt Nam không sản xuất được thứ hạt này, để có hàng bán, họ đều nhập từ Trung Quốc.

Hạt trân châu không hiểu được làm từ gì, không có thời hạn sản xuất cũng như ngày hết hạn, chỉ biết rằng khi cắn vào thì thấy dai dai, nhiều người trẻ và đặc biệt là lứa tuổi học sinh rất thích.

Tương tự trà sữa và bánh kẹo, mặt hàng bánh tráng trộn cũng bát nháo không kém. Khi vài năm gần đây, nhu cầu ăn loại thức ăn này tăng cao thì người bán cũng nhiều hơn, hầu như tại bất cứ vỉa hè nào cũng có món ăn vặt này.

Tuy nhiên, có tận mắt thấy được công đoạn lấy hàng và làm các nguyên liệu để trộn vào bánh thì người ăn mới cảm thấy hãi hùng. Theo tiết lộ của người bán, bánh tráng được lấy theo cân từ Long An, Tây Ninh và Hóc Môn đem về TP HCM. Để bánh tráng được tơi ra, trước khi trộn người bán phải dùng tay để vò.

Các nguyên liệu trộn vào bánh là bò khô, trứng cút, rau và sa tế. Tuy nhiên, bò khô lại là những miếng dai dai, hương bò mà thực chất chỉ là thịt heo, sau khi ướp các hương liệu trôi nổi thì tạo ra mùi bò và khá bắt mắt. Để có lời, người bán thường dùng sa tế loại đã được cân sẵn bán sỉ tại các chợ, sa tế chính là các loại dầu ăn chiên xào nhiều lần được dùng lại.

“Muốn có lời thì phải dùng các nguyên liệu sỉ đã chế biến sẵn, ai chả biết nó không đảm bảo vệ sinh, nó dơ nhưng cứ nhắm mắt mà ăn, cứ thấy ngon mà ăn, đừng lo lắng gì nhiều cả”- người bán hàng quả quyết.

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết: “Việc người dân bày bán các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.Đây cũng là hành vi gian lận, trái với quy định của pháp luật và cần được nghiêm cấm ngay. Để đầy lùi hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm, quà vặt mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em mình không nên ăn quà vặt tại các quán, sạp hàng rong, sử dụng các loại thực phẩm không có nhãn mác, hạn sử dụng.

Đồng thời, bản thân các thầy cô cũng nên bố trí nhiều hơn nữa các buổi tập huấn, trang bị kỹ năng tránh xa thực phẩm bẩn cho các em học sinh. Đặc biệt khi nhà trường phát hiện hiện tượng kinh doanh thực phẩm bẩn cho các em học sinh nên báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý một cách kịp thời. Có như vậy mới tránh được tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của các em học sinh.

Bản Sa

 

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15165
Số người truy cập:
6843539