Hậu quả nặng nề khi bị ngộ độc khí than

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và điều trị cho hàng chục bệnh nhân ngộ độc khí than mỗi năm. Vậy, ông suy nghĩ thế nào về xu hướng ngộ độc loại khí này ở nước ta?

- Hằng năm, trung tâm tiếp nhận khoảng vài chục bệnh nhân nhiễm độc khí than, chủ yếu ở khu vực Hà Nội. Lo ngại của tôi là số lượng lớn người Hà Nội chuyển sang bếp gas do điều kiện kinh tế khá dần nên xu hướng đun bếp than chuyển về nông thôn vì rơm rạ cũng đang ít dần.

Do nghèo nên nông dân hay tiết kiệm, mùa đông thường mang bếp than vào nhà sưởi ấm. Nguy cơ ngộ độc khói tăng lên, trong khi họ lại khó có điều kiện đến bệnh viện cấp cứu nên con số ngộ độc này không thống kê được. Người dân không nên mang bếp than vào nhà sưởi ấm, kể cả sưởi bằng than hoa nhưng trong phòng kín, không có thông gió thì cũng rất nguy hiểm.

Ảnh: Hoàng Hà.
Đốt than ở nơi không thoáng khí sẽ dễ gây ngộ độc khí. Ảnh: Hoàng Hà.

- Vậy, ngộ độc khí than sẽ để lại những hậu quả gì đối với trí tuệ cũng như khả năng lao động?

- Ngộ độc khí than là do thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí than, các tế bào này sẽ tổn thương trước. Ngộ độc quá nặng tất nhiên là tử vong, còn những người sống được thì lại mất trí tuệ.

Có cán bộ cấp Sở sưởi than hoa "xịn" nhập khẩu từ Lào về khiến cả hai vợ chồng ngộ độc khí CO. Sau khi đến bệnh viện, họ được cứu sống nhưng khí CO để lại di chứng thoái hóa não kéo dài, mất luôn khả năng lao động cũng như trí nhớ. Hay có người sau nửa tháng điều trị, lúc ra viện vẫn nói chuyện bình thường nhưng vài tháng sau quay trở lại viện với trí tuệ sa sút.

Tài liệu cho thấy, ngộ độc khí CO - một trong những khí độc của than - để lại thoái hóa thần kinh, gây mất khả năng hoạt động tinh thần và mất sức lao động.

- Thời gian tới, nhu cầu sử dụng than sẽ còn tăng, nhất là ở vùng nông thôn. Là chuyên gia chống độc, ông có lời khuyên gì cho người dân?

- Chắc chắn chúng ta còn phải sử dụng than và cũng nên phổ biến sử dụng than, đặc biệt là ở cả những vùng rừng vì nếu bà con dân tộc thiểu số phá rừng lấy những cây lớn về đốt thì chẳng mấy chốc mà hết rừng, gây sạt núi, ngập lụt...

Để tránh ngộ độc thì cần phải dùng đúng cách. Một trong những biện pháp là dùng than sạch, còn đơn giản hơn, không mất nhiều đầu tư chính là phải đun than ở nơi thoáng gió. Mỗi bếp của gia đình phải có một cột khói cao để dẫn thoát khí độc sinh ra trong quá trình đun nấu.

Hiện, làng gốm Bát Tràng vẫn còn chừng 150 lò nung dùng than. Ảnh: Tiến Dũng.
Làng gốm Bát Tràng vẫn còn chừng 150 lò nung dùng than. Mỗi mẻ nung phải dùng tới hàng tấn than cám trộn với xỉ than, bùn đất. Ảnh: Tiến Dũng.

- Bị ngộ độc, người dân cần phải làm gì trước khi tới bệnh viện cấp cứu?

- Có rất ít giải pháp cấp cứu ngộ độc khí. Giải pháp hàng đầu người thân có thể làm được là cách ly người bệnh với nguồn khí độc. Việc đầu tiên là mở thông cửa nơi có khí độc để người bệnh được thở tốt. Thuốc chữa hữu hiệu và cần làm nhất là oxy. Tốt nhất là cho bệnh nhân thở oxy 100% càng nhanh càng tốt nhưng điều này thì chỉ có cơ sở y tế hoặc xe cấp cứu 115 mới có thể làm được.

- Gần đây, loại than sạch có thảo mộc, không khói, ít độc hại được đưa vào sử dụng. Ông đánh giá thế nào về sản phẩm này?

- Giải pháp của Công ty than sạch Hoàng Thương là hướng nghiên cứu đúng và mang tính cộng đồng nhưng cần tiếp tục theo dõi tại nơi sử dụng là chính nhà dân để so sánh khả năng giảm thiểu chất độc. Nhưng trong than có một số vị thuốc uống như Xuyên khung, Mã đề..., vậy khi đốt cháy có sinh ra chất độc gì không? Điều này cũng cần phải nghiên cứu.

Tiến Dũng ghi


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21519
Số người truy cập:
9132693