Người tiêu dùng chọn mua các loại quần áo thời trang tại trung tâm thương mại An Đông, Q.5, TP.HCM - Ảnh: M.Đức |
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng nội vẫn lép vế hoàn toàn trước sự tấn công ồ ạt của hàng Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật, thậm chí Campuchia, Hàn Quốc... bắt đầu mở rộng với quy mô lớn.
Quần áo từ Trung Quốc, Hàn Quốc...
Tại trung tâm thương mại An Đông (Q.5, TP.HCM) - nơi bán sỉ các mặt hàng may mặc, không khí mua hàng những ngày này khá sôi động. Ngay trước cửa trung tâm, các đầu mối nhập khẩu hàng may mặc chất đống trong các bao tải lớn để giao cho khách, chủ yếu là quần jean, áo thun nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan với giá bán sỉ khá mềm, 50.000-60.000 đồng/áo và 100.000-120.000 đồng/quần.
Theo các đầu mối bán sỉ tại trung tâm thương mại An Đông, mùa tết này quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục được tiêu thụ mạnh. Bà Thu Vân, một tiểu thương kinh doanh hàng thời trang khu vực trung tâm thương mại An Đông, cho biết ở dòng sản phẩm bình dân hàng Trung Quốc vẫn gần như chiếm lĩnh hoàn toàn khi rẻ hơn hàng Thái Lan cùng loại 10-15% nên được nhiều người chọn mua.
Tại các shop thời trang trên các tuyến đường tập trung mặt hàng này như Hai Bà Trưng, Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi... hàng thời trang nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn giữ được thị phần đáng kể với nhiều kiểu váy, áo có thiết kế đẹp, giá dao động 300.000-500.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, thị trường quần áo tết này còn có thêm sự xuất hiện khá phổ biến của hàng Campuchia. Theo nhân viên bán hàng một shop thời trang trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận), năm trước hàng Campuchia về TP.HCM chủ yếu là quần jean, tiêu thụ ở các chợ như Bến Thành, trung tâm thương mại An Đông... Nhưng năm nay quần tây, áo sơmi, áo kiểu... xuất xứ Campuchia bắt đầu tràn ra các shop bán lẻ. Quần tây nhập khẩu từ Campuchia có giá 300.000-400.000 đồng/cái, áo 250.000-300.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, theo các tiểu thương kinh doanh hàng thời trang tại TP.HCM, điều bất ngờ trong năm nay là hàng thời trang có xuất xứ Hàn Quốc chiếm khá nhiều từ bình dân đến cao cấp. Khắp các chợ, trung tâm thương mại như Zen Plaza, Diamond, Vincom... quần jean, váy, áo... nhập khẩu từ Hàn Quốc được bán phổ biến ở mức 200.000-300.000 đồng/cái (khu vực chợ, shop nhỏ) và lên đến 700.000-800.000 đồng/sản phẩm tại các trung tâm, cửa hàng sang trọng.
Hàng nội “mất lửa”
Trước sự đổ bộ ào ạt của hàng ngoại nhập, thời trang nội địa vẫn gần như giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt thương hiệu NinoMaxx, N&M, PT 2000, Joe Box, Foci, Sanding, An Phước, Ha Gatini... đã tung ra các sản phẩm chủ lực của mình nhưng xem ra vẫn chưa “hấp” được độ nóng của thị trường. Các sản phẩm đã có thương hiệu như: Việt Tiến, May 10, Nhà Bè... với các mặt hàng quần tây, áo sơ mi thông dụng cũng không có nhiều đột phá khuếch trương làm mới cửa hiệu.
Chị T. - phụ trách kinh doanh một thương hiệu thời trang lớn - thừa nhận: “Chúng tôi không dám đầu tư quá nhiều để tạo ra sản phẩm “đinh”, vì chưa bao giờ bước vào mùa kinh doanh quyết định nhất trong năm lại thấy khó khăn như năm nay”. Đó cũng là lý do vì sao hầu hết sản phẩm thời trang nội địa đều không có nhiều điểm nhấn trên từng sản phẩm đặc trưng, chất liệu vải thiếu hẳn sự đa dạng.
Với bất lợi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (tăng đến 20% cho các loại sợi cotton, 15-20% cho các loại vải), hầu như các sản phẩm may mặc trong nước đều phải tăng giá ít nhất 15-20% so với năm ngoái. Cộng thêm sức mua kém từ giữa quý 3-2010 trở đi, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang nội địa đều không dám mạo hiểm tăng lượng hàng cung ứng cho mùa tết. Trong khi đó, nếu so với hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Campuchia, sản phẩm trong nước đang đắt hơn khoảng 10%.
Bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Thy, xác nhận: “Lượng hàng chuẩn bị cho từ Giáng sinh đến Tết Nguyên đán chỉ bằng cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi không thể mạo hiểm khi việc chi tiêu của người tiêu dùng ở thời điểm hiện nay rất khó nắm bắt”. Trường hợp thị trường có sức mua tăng đột biến vào thời điểm áp tết như cách đây hai năm, bà Đoan cho biết cũng chỉ “dám” chuẩn bị thêm khoảng 50.000 sản phẩm các loại, tương ứng với sản lượng một tháng bán hàng cao điểm, vì “chi phí sản xuất lượng hàng chuẩn bị này phải tăng cao hơn các tháng trước ít nhất 10% nên giá thành chắc chắn đội lên thêm”.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2, sở hữu thương hiệu thời trang Sanding, cũng có nhận xét tương tự khi cho biết lượng hàng tung ra cho mùa tết chỉ khoảng 130.000 sản phẩm, duy trì bằng mức năm ngoái.
TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN
Quần áo nhập lậu tràn lan
Anh Nguyễn Đình Hải, một đầu mối chuyên nhập khẩu hàng thời trang từ Hàn Quốc về TP.HCM, cho biết trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi tháng anh phân phối trên 4.000 sản phẩm. Trong khi năm ngoái mỗi tháng chỉ dám “đánh” về gần 3.000 sản phẩm.
Không chỉ về chính ngạch tăng, tại TP.HCM hàng may mặc còn được “đánh” về bằng đường tiểu ngạch. Khi hỏi về hóa đơn chứng từ, rất nhiều đầu mối bán sỉ thẳng thắn thừa nhận hàng về “chui”, nhờ đó mới có giá bán “mềm”. Theo ghi nhận, đa số hàng về dạng này có nguồn gốc Trung Quốc, Thái Lan.
Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ đầu năm đến nay mỗi tháng lực lượng này kiểm tra và bắt giữ hàng chục ngàn sản phẩm quần áo nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan... Điểm tập kết các mặt hàng này thường ở kho hàng thuộc khu vực các quận 5, 6, Tân Phú, Bình Tân... Đặc biệt những tháng cuối năm, đơn vị này đã phát hiện nhiều vụ vi phạm chứa trữ, kinh doanh hàng quần áo nhập khẩu không hóa đơn chứng từ, hàng giả mạo, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài và bán giá rẻ.