Hàng bình ổn giữ giá thị trường

 

Người tiêu dùng chọn mua hàng bình ổn tại một cửa hàng tạp hóa ở quận 2, TP.HCM - Ảnh: T.THẮNG

Những điểm bán tại chợ, khu dân cư đầy đủ tám mặt hàng thiết yếu nhằm phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn đang được doanh nghiệp rốt ráo thực hiện.

Phủ hàng vùng ven

 

Hà Nội: hàng bình ổn giá chỉ đáp ứng 10% nhu cầu

Tại cuộc họp giữa UBND TP Hà Nội với các ban ngành liên quan về nguồn hàng bình ổn giá dịp cuối năm do TP Hà Nội tổ chức ngày 14-12, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết nguồn hàng bình ổn giá hiện mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo ông Đồng, TP đã bỏ ra 500 tỉ đồng cho chương trình bình ổn giá (trong đó 100 tỉ đồng phục vụ công tác phòng chống thiên tai) nhưng con số này vẫn quá nhỏ bé so với nhu cầu chung. Ngoài ra, sự tham gia của các doanh nghiệp mới đáp ứng thêm từ 3-5%, còn lại giá cả hàng hóa sẽ chịu sự chi phối của thị trường.

X.LONG - T.HOÀNG

Từ hai tuần nay, cửa hàng bà Hòe - chủ tiệm tạp hóa ở Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM - phải trưng dụng phòng ngủ để chứa hàng tết. Tủ kính được kê sát cửa, hàng lấn cả vỉa hè. Các mặt hàng bắt đầu bán chạy là bánh kẹo, mì gói, nước giải khát, đường, dầu ăn.

Bà Phạm Thị Huân, giám đốc Công ty trứng Ba Huân, cho biết những ngày cuối tháng 10-2010 giá trứng vịt ở vùng ven như Nhà Bè, Q.12 tăng đến 28.000 đồng/chục. Công ty liền điều xe bán hàng lưu động đến và giá trứng rớt còn 25.000-26.000 đồng/chục. So với năm ngoái, số điểm bán hàng bình ổn đã nhiều hơn nên giá cả không còn tăng loạn xạ.

Hiện nay mặt hàng có sức mua cao là đường, dầu ăn và gạo. Sau nhiều đợt tăng giá cao, hiện giá cả các loại hàng đã dần ổn định, không còn tình trạng sốt hàng hay đổ xô mua gom. Theo ông Lê Ngọc Thông, giám đốc phát triển thị trường Công ty Thành Thành Công, lượng đường tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao nhưng sẽ sớm được hỗ trợ khi các nhà máy đường vào vụ. Với chính sách in giá lên bao bì, trứng Ba Huân đã ổn định được thị trường kênh truyền thống khi có mặt tại 25 chợ và phủ đều khu vực vùng sâu vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh...

Nguồn hàng bình ổn sẽ dồi dào hơn từ ngày 1-1-2011 khi có thêm sự tham gia của Công ty Phạm Tôn chuyên kinh doanh mặt hàng thịt gia cầm. Theo đăng ký, Phạm Tôn sẽ cung ứng 325 tấn/tháng tại mười chợ với 30 điểm bán. Ngoài 2.088 điểm bán bình ổn đã đăng ký, đối với khu vực ngoại thành, Sở Công thương TP.HCM đang khuyến khích các doanh nghiệp liên kết các điểm bán, đồng thời tăng cường bán hàng lưu động về các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Mở rộng điểm bán tập trung

Theo Sở Tài chính TP.HCM, hiện lượng hàng bình ổn tùy theo nhóm hàng đang chiếm 30-40% thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn tập trung ở siêu thị, nơi luôn trong tình trạng quá tải, trong khi các điểm bán khác lại vắng khách. Vì vậy việc tăng cường các điểm bán tập trung đầy đủ tám mặt hàng bình ổn rất cần thiết.

Bà Trần Ngọc Huệ, phó tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, cho biết từ trước đến nay các cửa hàng của hệ thống chỉ chuyên bán bốn mặt hàng nên chưa thu hút được nhiều người tiêu dùng. Nếu được cung ứng đầy đủ tám mặt hàng tại hệ thống thì hiệu quả điểm bán sẽ tăng thêm. Hiện công ty đang làm việc với ban quản lý các chợ để thuê sạp trống, tổ chức đưa hàng bình ổn giá vào bán.

Bà Huân cho rằng mức chiết khấu các mặt hàng thiết yếu rất thấp (1-2%), việc tăng số mặt hàng bình ổn sẽ giúp tiểu thương có thêm lợi nhuận từ chiết khấu bán ra, khuyến khích họ tích cực tham gia bình ổn hơn. Bà Lê Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Công thương - cho biết những thời điểm giá cả biến động nhất trên thị trường nếu hàng bình ổn đáp ứng đủ và kịp thời thì mới phát huy tác dụng của chương trình. Do đó, sở yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đưa mặt hàng đường cho các điểm bán, không để người tiêu dùng không mua được hàng bình ổn.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lẫn nhà bán lẻ đã hoạch định xong số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết 2011 để tránh tình trạng thiếu hàng và đảm bảo không tăng giá trong dịp cao điểm. Dự tính doanh số tăng trưởng của các nhà kinh doanh dịp tết sẽ đạt khoảng 25-30% so với năm 2010.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op, nhận xét chương trình bình ổn hàng hóa của UBND TP.HCM đã tác động tích cực đến nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. “Bản thân nhà sản xuất được cung ứng vốn từ nhà bán lẻ, bao tiêu hàng hóa nên an tâm sản xuất. Ngược lại, nhà bán lẻ có chân hàng vững chắc, cung cấp hàng hóa cho thị trường” - ông Hòa nói. Trong nỗ lực giữ giá tăng sau tết, năm nay siêu thị Co.op Mart chỉ nghỉ mồng 1 tết, mở cửa hoạt động trở lại vào mồng 2 tết để tránh tăng giá ảo do thiếu cung sau những ngày tết.

NHƯ BÌNH


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12250
Số người truy cập:
11241476