"Tầng trệt toàn những thứ quá đắt", cô gái 26 tuổi nói với người bạn đồng hành.
Những người trẻ như Min Li ngày càng chuộng mua sắm và ăn uống tại tầng hầm của các trung tâm thương mại, xu hướng được đặt tên là "nền kinh tế B1B2".
Các tầng hầm (B1, B2) trong trung tâm thương mại ở Trung Quốc là nơi tập trung shop quần áo, siêu thị và sản phẩm tiêu dùng giá bình dân như Miniso hay Luckin Coffee.
Shaun Rein, giám đốc điều hành của China Market Research Group, cho biết các trung tâm thương mại ưu tiên vị trí đẹp cho những người thuê giá cao như cửa hàng LV, Apple hay Starbucks, thường ở tầng trệt hoặc tầng một. Trong quá khứ, các cửa hàng cao cấp ở những tầng này là nơi tập trung đông khách nhất, một phần do thuận tiện. Nhưng nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc hai năm nay khiến các thương hiệu giá rẻ ở tầng hầm trở nên đắt khách hơn.
Trên mạng xã hội Weibo, hastag "Giới trẻ chỉ đi mua sắm ở B1B2" đang là xu hướng. "Chúng tôi có thể mua mọi thứ ở dưới lòng đất", một người dùng trẻ nói. Những thứ gì không bán ở tầng hầm được người trẻ Trung Quốc đặt tên là "sản phẩm trên thiên đường", hàm ý chúng nằm ngoài tầm với của họ.
"Từ ngữ thịnh hành nhất trong giới trẻ Trung Quốc năm 2024 vẫn là 'giảm giá'. Thay vì uống Starbucks, giới trẻ đang mua cà phê Luckin", Shaun Rein nói.
Jia Miao, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải, cho biết: "Rất nhiều thanh niên Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm một công việc ổn định hoặc kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Họ buộc phải tiết kiệm nhiều hơn".
Vào tháng 6, một cuộc khảo sát cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của những người có bằng đại học là gần 6.000 tệ (20 triệu đồng) trong năm 2022. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi MyCOS Research và công ty đầu tư nhà nước Citic Industrial cho biết, chỉ 6,9% có mức lương khởi điểm hàng tháng hơn 10.000 tệ (34 triệu đồng).
Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên kể từ tháng 8, sau khi đạt mức cao kỷ lục (26%) vào tháng 6.
Chung Chi Nien, giáo sư Đại học Bách khoa Hong Kong cho biết, trước đây, những người trẻ có thể mua được một số hàng hóa xa xỉ bằng cách sử dụng 6 tháng lương nhưng bây giờ điều đó là một ước mơ.
Theo báo cáo của McKinsey, tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến sẽ thấp hơn nữa. Doanh số bán lẻ của nước này vẫn mờ nhạt kể từ khi đại dịch Covid bùng phát.
Hai gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Alibaba và JD.com năm thứ hai liên tiếp đã từ chối công bố tổng số liệu về doanh thu trong ngày mua sắm hàng năm lớn nhất Trung Quốc, 11/11.
Miao cho biết số lượng người Trung Quốc chọn sống độc thân cao hơn cũng đồng nghĩa với việc nhiều người ăn một mình hơn. Điều này thường có nghĩa là những bữa ăn ngon đắt tiền tại các nhà hàng nằm ở tầng 6-7 của trung tâm thương mại, không có khách.
Cô cho biết thêm, mặc dù phần lớn hàng hóa tiêu dùng có thể tìm thấy những tầng hầm ở các trung tâm mua sắm khu vực ngoại ô, nhưng đối với một số trung tâm ở các thành phố cấp 1 như Thượng Hải và Quảng Châu, ngay cả cửa hàng ở tầng hầm cũng được coi là đắt tiền.
"Mọi người chỉ cảm thấy tương lai không chắc chắn. Những người trẻ tuổi phải tự điều chỉnh theo tình hình kinh tế hiện tại trong vài năm nữa", Miao nói.
Min Li cho biết cô và bạn bè thỉnh thoảng đi lang thang lên tầng ba và tầng bốn của trung tâm thương mại. Ở đó, họ sẽ mặc thử quần áo, xoay một vòng để ngắm mình trong gương rồi cởi ra, đặt trở lại giá trong sự ngậm ngùi.
"Tôi nghĩ tương lai không có nhiều hy vọng nhưng chúng tôi vẫn làm việc rất chăm chỉ để đạt được điều mình muốn", Min nói. "Ở Trung Quốc, hầu hết chúng tôi đều cảm thấy áp lực do nền kinh tế suy thoái và dân số già hóa gây ra".
Lam Giang (Theo CNBC)