Như một quy luật, vào mùa nồm cũng là lúc trên biển từng đàn sứa dập dìu theo con sóng. Người dân xứ biển cứ theo đàn sứa đó mà giong thuyền, dùng lưới vây bắt, rất dễ dàng. Còn lũ trẻ con, chỉ men theo từng con sóng cũng nhặt được những con sứa đang nằm trên cát, hoặc đang dập dìu bơi gần bờ.
Để làm sạch sứa, loại bỏ cát biển, mùi tanh và lượng nước đọng trong thân sứa, cho thịt chúng săn chắc hơn, cách đơn giản và hiệu quả nhất là ngâm sứa vào thau nước lá bàng, lá ổi (loại nước có vị chát) đã nấu hâm hẩm. Nhất thiết chỉ ngâm với nước hâm hẩm, không nóng quá, bởi nước nóng sẽ làm sứa “tan” hết. Đặc biệt, khi cắt bỏ những phần phụ của thân sứa phải hết sức cẩn thận, nếu làm vỡ bình vôi của sứa sẽ gây ngứa.
Chợ quê những ngày nồm thường có thêm dãy hàng bày bán các mẹt sứa biển. Một anh bạn tôi kể rằng, ngày bé cứ mỗi lần tới mùa nồm, anh đi bắt sứa đem về nhà cho mẹ mang bán nơi chợ quê. Và ở làng quê bé nhỏ của anh, sứa luôn là món ăn hấp dẫn với những nhà giàu quanh năm thịt cá ê hề. Bởi món sứa biển bình dân kia rất dễ chế biến, lại lạ miệng. Có sứa rồi, chỉ cần thêm ít thịt nạc, rau răm, chuối xắt lát mỏng, khế chua, đậu phộng, cà rốt và miếng bánh tráng là đã thành món ăn ngon miệng. Cái sần sật của sứa nổi bật cùng với vị ngọt ngọt chua chua của các loại rau, củ, ăn hoài không ngán. Hoặc mua thêm ký bún tươi, chả cá, giá… về làm món bún sứa ăn giải nhiệt trong những ngày nóng oi bức.
Sau này, ăn sứa ở nhiều nơi, từ bún sứa Nha Trang, gỏi sứa Nam Định… mỗi nơi có một cách chế biến khác nhau, mỗi kiểu ngon khác nhau. Nhưng anh bạn tôi nói rằng không thể nào quên món sứa giản đơn do chính tay mẹ làm: chỉ là miếng sứa chấm ruốc đặc kèm miếng khế chua xắt lát mỏng.
Bài & ảnh: Thiên Bình